(GD&TĐ) – Hôm qua (27.3), Tổng thống Syria Bashar al-Assad thúc giục các quốc gia BRICS (một tổ chức chính trị, quốc tế hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi) giúp “ngăn chặn bạo lực” tại đất nước của ông và chấm dứt sự đau khổ của người dân mà ông cho rằng là do các cấm vận quốc tế.
Binh lính Syria tại một khu vực bị tàn phá nặng nề ở thành phố Aleppo |
Lời thúc giục của ông Assad được đưa ra khi tổ chức theo dõi quyền lợi Amnesty International nói rằng thế giới phải thúc giục tất cả các bên liên quan tới cuộc xung đột – đã cướp đi sinh mạng 70.000 người kể từ tháng 3 năm 2011 – “chấm dứt tội phạm chiến tranh và tội phạm chống lại loài người”.
“Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo BRICS làm việc cùng nhau để ngăn chặn ngay lập tức bạo lực ở Syria, nhằm đảm bảo thành công cho một giải pháp chính trị” - ông Assad nói trong một bức thư gửi Tổng thống Nam phi Jacob Zuma – “điều này cần một ý chí rõ ràng của thế giới để quét sạch các nguồn khủng bố, và chấm dứt việc cung cấp tài chính, vũ khí cho chúng”.
Gần 4 triệu người đã chạy trốn sang các nước láng giềng hoặc vẫn ở trong Syria trong 2 năm xảy ra xung đột. Tuy nhiên, ông Assad cho rằng sự đau khổ của người dân Syria là “do những cấm vận kinh tế bất công đi ngược với luật quốc tế và có tác động trực tiếp tới cuộc sống, nhu cầu cơ bản của công dân chúng ta”.
Syria mong muốn hợp tác với các nước BRICS “với vai trò là một lực lượng công bằng, đem lại hòa bình, an ninh và hợp tác giữa các nước – khác hẳn so với những chi phối và bất công đè nặng lên người dân và các quốc gia hàng thập kỷ”.
Sau một cuộc họp tại Durban, Nam Phi, lãnh đạo các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã thể hiện sự “quan ngại sâu sắc” về tình hình an ninh, nhân đạo tại Syria, trong khi phương Tây kêu gọi ông Assad từ chức.
Mỹ bác bỏ lời kêu gọi của ông Assad và cho đây là dấu hiệu của “sự cô lập đối với chính quyền ông Assad”.
Hà Châu (Theo AFP)