Nắm vững những kiến thức trọng tâm
* Theo cô với kiến thức môn Sinh học, đề thi vào lớp 10, nhất là với những em thi vào lớp 10 chuyên Sinh, thí sinh cần nắm vững những kiến thức trọng tâm gì?
- Với các trường THPT Chuyên khác nhau, đặc biệt là giữa các trường Chuyên do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT tuyển sinh yêu cầu đầu vào với kiến thức môn Chuyên cũng có sự khác nhau.
Tuy nhiên, với môn Sinh học để thi được vào các trường THPT Chuyên, các em cần nắm vững những kiến thức trọng tâm sau:
Các quy luật di truyền của Menđen, cụ thể: Các kiến thức liên quan đến lai một cặp tính trạng, lai hai cặp tính trạng gồm: khái niệm, nội dung quy luật, bài toán thuận, nghịch lai một cặp tính trạng, lai hai cặp tính trạng.
Bài tập mở rộng: bài tập nhóm máu, bài tập liên quan đến gen gây chết, tình trạng chịu ảnh hưởng của giới tính.
Nhiễm sắc thể: Lý thuyết gồm: tính đặc trưng, cấu trúc, chức năng của nhiễm sắc thể, nguyên phân, giảm phân, thụ tinh, cơ chế nhiễm sắc thể xác định giới tính, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân hóa giới tính.
Bài tập về nguyên phân, giảm phân, thụ tinh và dạng bài tập tổng hợp các quá trình đó.
Di truyền liên kết, học sinh cần nắm chắc khái niệm, ý nghĩa, số nhóm gen liên kết, bài tập di truyền liên kết.
ADN và Gen: Thí sinh cần nắm chắc lý thuyết gồm: cấu tạo hóa học, cấu trúc không gian, tính đa dạng, tính đặc thù của ADN, ARN, prôtêin.
Các dạng bài tập về ADN và cơ chế nhân đôi, bài tập về ARN và cơ chế sao mã; bài tập về protein và cơ chế giải mã; bài tập tổng hợp AND – ARN – protein.
Đối với chủ đề về biến dị, thí sinh cần nắm chắc kiến thức về biến dị di truyền, gồm các nội dung: biến dị tổ hợp, đột biến gen, đột biến số lượng nhiễm sắc thể, đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể (khái niệm, nguyên nhân, cơ chế, đặc điểm, ý nghĩa).
Đối với biến dị không di truyền, các em cần học kỹ khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa, vai trò của thường biến.
Ở phần này, có các dạng bài tập về nội dung đột biến gen, đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể, đột biến số lượng nhiễm sắc thể.
Đối với nội dung về ứng dụng di truyền học; học sinh cần nắm chắc lý thuyết về công nghệ gen, công nghệ tế bào, hiện tượng thoái hóa do tự thụ phấn hoặc do giao phối gần, ưu thế lai. Các bài tập về di truyền quần thể (tự phối, ngẫu phối).
Đối với phần di truyền học người, lý thuyết trọng tâm là: Các phương pháp nghiên cứu di truyền học người (nghiên cứu phả hệ, nghiên cứu trẻ đồng sinh); một số bệnh, tật di truyền ở người như: Đao, Tơcnơ… Bài tập ở nội dung này thường về tính xác suất trong phả hệ.
Với chủ đề sinh vật và môi trường. Kiến thức trọng tâm gồm lý thuyết về môi trường, nhân tố sinh thái, giới hạn sinh thái, ảnh hưởng của các nhân tố ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm lên đời sống sinh vật, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật (quan hệ cùng loài, quan hệ khác loài).
Đối với nội dung về hệ sinh thái. Các em cần nắm chắc lý thuyết về quần thể sinh vật, quần xã sinh vật, hệ sinh thái. Bài tập xác định quần thể sinh vật, tháp tuổi, chuỗi và lưới thức ăn.
Riêng về chủ đề bảo vệ môi trường, các em cần nắm được tài nguyên thiên nhiên là gì? các dạng tài nguyên thiên nhiên, khôi phục môi trường và gìn giữ thiên nhiên hoang dã, bảo vệ đa dạng các hệ sinh thái…
Cần tránh một số sai sót
* Theo cô khi làm bài thi môn Sinh học thí sinh thường mắc phải những sai lầm gì?
- Khi làm bài thi môn Sinh học, cần tránh một số sai lầm sau:
* Các quy luật di truyền: Nhầm lẫn giữa quy luật và định luật. Cách khắc phục: Các em cần hiểu bản chất của quy luật và định luật.
* Trong bài toán nghịch lai hai cặp tính trạng: nhiều em viết kiểu gen trước khi khẳng định quy luật di truyền. Như vậy là thiếu cơ sở khẳng định kiểu gen.
Giải pháp khắc phục là: Phải hiểu được các bước giải bài tập và luyện nhiều đề.
* Nhiễm sắc thể. Học sinh dễ nhầm lẫn giữa các kì của nguyên phân và giảm phân; do đó dễ tính sai trong các bài tập liên quan đến số nhiễm sắc thể, số cromatit, số tâm động…
Giải pháp: Thí sinh cần nắm vững kiến thức về nguyên phân, giảm phân, có thể khái quát hóa kiến thức bằng hình tự vẽ và luyện nhiều bài tập.
*AND và Gen: Nhiều em nhầm lẫn các công thức, nhầm lẫn giữa AND và ARN, protein. Biện pháp khắc phục: Hiểu rõ lý thuyết, tự xây dựng các công thức.
* Biến dị: Các em dễ nhầm lẫn ở bài tập liên quan đến đột biến xảy ra do rối loạn nguyên phân và giảm phân, hoặc giữa rối loạn giảm phân 1 và rối loạn giảm phân 2.
Giải pháp: Thí sinh cần nắm vững kiến thức về nguyên phân, giảm phân, có thể khái quát hóa kiến thức bằng hình tự vẽ.
* Di truyền học người. Nhiều bài tập xác suất trong phả hệ các em quên biện luận gen quy định tính trạng nằm trên nhiễm sắc thể thường hay giới tính. Nhiều bài tập tập xác suất có nhiều trường hợp, nhưng các em quên không xét tất cả các trường hợp xảy ra.
Giải pháp: Cần nắm vững kiến thức liên quan đến toán xác suất kết hợp với hiểu rõ bản chất các quy luật di truyền.
* Sinh vật và môi trường: Các em dễ nhầm lẫn mối quan hệ cạnh tranh cùng loài và cạnh tranh khác loài, giữa quan hệ cộng sinh, hội sinh và hợp tác.
Giải pháp: Nắm rõ được bản chất các mối quan hệ. Trong mỗi ví dụ, cần phân tích kĩ để thấy rõ mối quan hệ giữa các sinh vật.
Kinh nghiệm làm bài thi
* Cô có thể chia sẻ cho thí sinh một số kinh nghiệm làm bài thi môn Sinh học?
- Sau khi đã trang bị cho mình hệ thống kiến thức đầy đủ, chuẩn bị tâm lí tốt, khi nhận đề các em hãy: Đánh dấu thời gian làm bài và thời gian hết giờ. Hít thở sâu 3 lần nếu cảm thấy mất bình tĩnh.
Đọc lướt qua một lần tất cả các câu hỏi. Câu dễ, quen thuộc, sở trường làm trước. Câu khó, chưa vững hoặc chưa gặp bao giờ làm sau. Gạch chân những dữ liệu quan trọng trong đề bài. Lưu ý, những từ “sai”, “đúng”, “không”, “có” để tránh nhầm lẫn.
Với các bài tập đừng quên nháp và máy tính. Hãy kiểm tra nhanh các số liệu về đề bài xem đã chính xác chưa. Dành thời gian kiểm tra lại bài làm tránh nhầm lẫn trong khi viết vào bài thi.
* Cô có lời khuyên gì cho học trò của mình trước khi vượt vũ môn?
Việc đầu tiên là các em cần giữ tinh thần thoải mái, có mục tiêu rõ ràng, lập thời gian biểu hợp lí; ăn uống khoa học.
Ngoài ra, các em cần ngủ đủ giấc, học tập trung, dành thời gian thư giãn. Đặc biệt các em cần học ở thầy, học ở bạn, học ở sách và không nên học tủ.
Xin cảm ơn cô!