Giao lưu trực tuyến “Thi Olympic khu vực và quốc tế: Rạng danh trí tuệ Việt”

Khách mời là chủ nhân huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế, các thầy cô đồng hành cùng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia sẽ giao lưu với độc giả Báo Giáo dục và Thời đại từ 14h30 – 16h00 ngày 15/12/2020.

Giao lưu trực tuyến “Thi Olympic khu vực và quốc tế: Rạng danh trí tuệ Việt”

Theo báo cáo mới nhất của Bộ GD&ĐT, trong 5 năm gần đây, thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam đều đạt kết quả cao. Trong đó, một số đội tuyển có thành tích ổn định, xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi (như: đội tuyển Toán, Hoá học, Vật lí và Tin học); nhiều học sinh xuất sắc: đoạt 2 Huy chương Vàng trong hai năm liền dự thi hoặc đạt điểm cao nhất (thủ khoa).

Thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục có những chuyển biến, tiến bộ theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Thành quả này là kết tinh quá trình nỗ lực của các nhà trường cũng như thầy và trò thành viên đội tuyển, là sự ghi nhận xứng đáng, khẳng định dấu ấn và làm rạng danh trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Thầy Phạm Sỹ Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, GV Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

Em Nguyễn Khắc Hải Long, HS Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc quan tâm đến vấn đề này, có thể gửi câu hỏi tới các khách mời theo form dưới đây, hoặc gửi qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

Các khách mời của Chương trình sẽ giao lưu và chia sẻ thông tin cùng quý bạn đọc Báo GD&TĐ.

Giao lưu trực tuyến “Thi Olympic khu vực và quốc tế: Rạng danh trí tuệ Việt” ảnh 1
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

GV Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

HS Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm.

Bạn đọc

Bạn Phạm Thu Hà, Hà Nội:

Long có thể chia sẻ những kỉ niệm trong kì thi Olympic năm nay, khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Kì thi Olympic Vật lí quốc tế tưởng chừng bị hủy trong năm nay thì đến cuối năm lại được tổ chức. Em nghĩ rằng đây là cơ hội rất may mắn đối với mình vì em luôn cảm thấy rất hứng thú đối với những vấn đề Vật lí được đưa ra trong các đề thi Olympic Vật lí quốc tế. Nó luôn có những cái mới, cái khác biệt và có sự sâu sắc, đòi hỏi suy nghĩ vô cùng tinh tế và sáng tạo.

Năm nay, tuy cả 2 kì thi Olympic Vật lí đều diễn ra online nhưng cách làm bài của thí sinh không khác mấy so với mọi năm. Thí sinh vẫn đọc đề và giải bài ra giấy. Sau đó được scan để gửi sang Ban tổ chức. Quy trình làm bài vẫn như mọi năm với sự giám sát của Quan sát viên của Ban tổ chức gửi đến.

Đội tuyển Việt Nam đạt thành tích cao tại Olympic Vật lí quốc tế 2020
Đội tuyển Việt Nam đạt thành tích cao tại Olympic Vật lí quốc tế 2020

 

Bạn đọc

Bạn Trần Thùy Linh, Hải Dương:

Nhiều người cho rằng học sinh Việt Nam hiện nay đã mạnh hơn ở phần thi thực hành. Bạn có đồng tình với đánh giá này không?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em đồng tình với ý kiến này. Đối với phần thi thực hành, ở Việt Nam cụ thể với môn Vật lí của em, những năm gần đây đã có nhiều giáo viên dạy phần thực hành một cách chuyên sâu và bài bản hơn. Thiết bị cũng hiện đại hơn và được cập nhật cùng tiến độ của thế giới.

Tuy vậy, cũng phải nói thêm rằng ở Việt Nam vẫn còn nhiều bạn vẫn chưa được tiếp xúc nhiều với môn học thực hành trong quá trình học phổ thông. Em mong muốn rằng trong tương lai sẽ không chỉ có các bạn thi Olympic mà tất cả các bạn học sinh sẽ được tiếp cận, được học nhiều hơn các bài thực hành, trải nghiệm với các bài thi thực hành. Em tin rằng thực hành là phần quan trọng của khoa học và là thứ giúp con người có thể nắm được tư duy khoa học và cảm nhận môn học trực quan và gần gũi hơn.

Bạn đọc

Bạn dongocmai@gmail.com:

Thưa thầy Phạm Sỹ Cường, xin thầy cho biết chương trình dạy và học tại trường Chuyên Đại học Sư phạm khác gì so với các trường chuyên khác trên cả nước?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Câu hỏi này rất thú vị, cám ơn bạn.

Trường chuyên ĐHSP về cơ bản cũng có chương trình dạy và học như các trường chuyên trên toàn quốc, mục tiêu là đào tạo chuyên biệt các học sinh năng khiếu. Tất nhiên, trường chúng tôi vẫn có những bản sắc riêng.

Trường THPT Chuyên nằm trong trường “mẹ” là ĐHSP, vì vậy, chúng tôi được sự chỉ đạo của Đảng uỷ trường, Ban giám hiệu và nhất là sự tham gia tư vấn, trực tiếp tư vấn, giảng dạy của các Giáo sư, giảng viên đầu ngành. Học sinh, vì thế, được thừa hưởng thư viện với nguồn tư liệu khổng lồ, các phòng thí nghiệm của các khoa, đặc biệt là “cái đầu” của các chuyên gia tài năng, bên cạnh đó là sân vận động, "tài nguyên" từ các khoa và trên hết là đội ngũ giáo viên chuyên môn cao, chủ nhiệm tâm huyết và cả những thầy cô bộ môn rất tận tâm…

Vì vậy, các em đã mang dáng dấp của những sinh viên, có tầm tiếp nhận và tầm nhìn lớn hơn so với lứa tuổi, được học và sống hạnh phúc, có nhiều trải nghiệm và có khả năng cân bằng. Chương trình đào tạo của trường Chuyên ĐHSP vì thế luôn được các bậc phụ huynh và các thế hệ học sinh tin cậy.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thanh Hà, Thái Bình:

Phương pháp học tập của Long thế nào? Ngoài Vật lý, Long còn thích học những môn nào?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em luôn học theo cách mà mình cảm thấy thoải mái và tự do nhất trong suy nghĩ. Vật lí là môn học yêu thích của em nhưng cách học để mình giữ được ngọn lửa đam mê đó rất quan trọng. Em không phải là người "cày cuốc" nhiều bài tập và luyện đề, em sẽ cố gắng hiểu và suy nghĩ một cách sâu sắc về các mảng kiến thức đã học, tìm cách liên kết chúng với nhau và sáng tạo ra những góc nhìn mới về những thứ mình đã học.

Để làm việc này, em sẽ tưởng tượng mình là một giáo viên và mình sẽ phải giảng bài cho những bạn học sinh lớp dưới mới tiếp cận với mảng kiến thức đó, em sẽ viết 1 bài giảng để có thể giảng cho bạn học sinh đó hiểu rõ, tường tận về mảng kiến thức đó. Em cho rằng được dạy người khác cũng là một cách học. Thực tế đó chính là cách mà nhà Vật lí học nổi tiếng người Mỹ Richard Feynman cũng như rất nhiều những nhà khoa học khác áp dụng để học và khám phá tri thức.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thu Thủy, Hà Nội:

Bạn ấn tượng với thầy cô nào nhất tại trường THPT chuyên Sư phạm? Bạn có thể chia sẻ kỷ niệm về thầy cô đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với mình không?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Học với mỗi thầy cô trong trường đều đem lại cho em những trải nghiệm, cảm nhận riêng. Từ lớp 10 đến nay, em cảm thấy hứng thú và yêu thích những buổi học của thầy Phạm Khánh Hội. Thầy luôn hướng học sinh đến những điều chân thực, đến tri thức và niềm yêu thích thực sự. Thầy cũng là người giúp em phá vỡ những rào cản, nỗi sợ, lo lắng của bản thân khi đối mặt với những vấn đề Vật lí và Toán học khó, những cánh cổng tri thức mà ngày trước em không thể tự mở nó ra được.

Một trong những kỉ niệm đáng nhớ là những buổi 2 thầy trò cùng say sưa suy ngẫm giải quyết các bài học cho đến tận khuya. Thầy không lo lắng về giờ giấc mà luôn dành thời gian và tâm huyết để giúp em trải nghiệm, cảm nhận Vật lí một cách trọn vẹn, sâu sắc nhất.

Bạn đọc

Bạn nguyenthanhtung@gmail.com:

Theo thầy Cường, so với học sinh quốc tế thì học sinh phổ thông tại trường thường nói chung và học sinh phổ thông tại trường chuyên nói riêng cần phát huy những mặt thuận lợi và hạn chế những khó khăn gì?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế.
Đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế.

Chào bạn. Điều đáng mừng là càng ngày học sinh của Việt Nam, bao gồm cả học sinh trường thường và học sinh trường chuyên càng rút ngắn khoảng cách với các học sinh quốc tế. Tất nhiên, các em vẫn có thế mạnh riêng của mình. Đó là khả năng vượt khó và thích ứng nhanh.

Chỉ cần quan sát đợt dịch COVID-19 vừa rồi, chúng ta cũng có thể thấy điều này. Năng lực học ngoại ngữ của các em hiện nay cũng tốt hơn so với trước đây, nhiều học sinh trường chuyên không chỉ thông thạo một ngoại ngữ.

Tuy nhiên, cũng cần phải vượt qua những khó khăn hạn chế như nhiều học sinh, nhất là trường thường chưa chủ động học tập. Các em cũng chưa có những định hướng về nghiệp trong tương lai để có sự đầu tư dài hơi. Khả năng nghe và viết tiếng Anh của nhiều em chưa thực sự tốt. Các em cũng nên chú ý thêm cả việc rèn luyện thể lực, kĩ năng sống và có sự cân bằng tích cực nhất…

Bạn đọc

Bạn tuonglinh08@…:

Theo hình dung của em, chuyên về môn gì thì dành thời gian “cày” môn đó và các môn khác được giảm nhẹ hơn. Trường chuyên có nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng học sinh thành tích cao. Vậy các nhiệm vụ giáo dục khác được thực hiện như thế nào để học sinh được phát triển toàn diện, thưa thầy?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Chào bạn,

Hiện tại, hệ thống các trường Chuyên luôn chú trọng phát triển toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mĩ cho học sinh. Ngay khi vào học tại trường Chuyên, các em đã được rèn luyện môn Chuyên riêng biệt để có nền tảng kiến thức cao hơn. Song các giờ học chính khoá vẫn được đảm bảo, các giờ ngoại khoá như Rung chuông vàng, Chân trời khoa học, thi Olympia…, các chuyên đề tìm hiểu về an toàn giao thông, về giới tính, về môi trường… được lồng ghép trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, trong các tiết học GD Công dân, Lịch sử…

Ngoài ra, các trường có tổ chức các chương trình tham quan nhằm tăng cường cho các em các kĩ năng sống tập thể cần thiết.

Nếu các em được chọn lựa vào các đội tuyển, khi đó, các em sẽ chỉ tập trung cho việc học môn chuyên để đạt thành tích cao nhất. Nhưng khoảng thời gian tập trung này không phải quá dài trong cả khoá học.

Bạn đọc

Bạn bichxinh9x@…:

Thưa thầy, nếu không học tại các trường chuyên thì học sinh có cơ hội và cách thức nào để có thể tham dự một kỳ thi Olympic quốc tế?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Để vào đội tuyển thi Olympic quốc tế, em phải vượt qua kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia với thành tích cao nhất. Ở các tỉnh vẫn có kì thi chọn học sinh giỏi tỉnh để tuyển chọn thành viên cho đội thi quốc gia. Vì vậy, nếu em thực sự giỏi, sẽ được tham gia kì thi này của các tỉnh và có cơ hội được thể hiện mình. Đương nhiên sẽ là chặng đường dài khó khăn hơn các bạn học chuyên.

Em có thể hình dung, thi Olympic quốc tế là một cuộc chạy Marathon, “siêu Marathon”, trong khi Việt Nam mình chưa có điều kiện “phổ cập Marathon” vì vậy, nếu không có các trường Chuyên thì cơ hội này là rất khó…

Bạn đọc

Bạn minhphuong88@…:

Xin thầy cho biết, chế độ làm việc và đãi ngộ đối với giáo viên huấn luyện đội tuyển có gì khác so với giáo viên thường?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Bộ GD-ĐT có những quy định về phụ cấp 70% lương cho giáo viên dạy chuyên; mỗi tỉnh/ thành, mỗi nhà trường lại có thể nhân hệ số, tạo điều kiện riêng cho thành viên của trường mình.

Theo tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là sự tôn trọng, thấu hiểu các thầy cô và tạo điều kiện về vật chất và tinh thần theo điều kiện của từng đơn vị. Các thầy cô huấn luyện đội tuyển luôn xác định phải cống hiến, hy sinh rất nhiều để gặt hái thành công.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Lan Hương, Bắc Ninh:

Bạn có thể chia sẻ bí quyết để vừa học giỏi Toán, vừa học giỏi Vật lí được không?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Hai môn này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Toán học là một công cụ, một ngôn ngữ của Vật lí. Khi học Vật lí thì cách diễn đạt định tính, ước tính bằng lời tuy có thể giúp con người cảm nhận được phần nhiều vẻ đẹp của Vật lí, nhưng chưa đủ. Để có thể diễn đạt chính xác và khoa học các khái niệm Vật lí thì Toán học chính là một công cụ ngôn ngữ quan trọng.

Để học tốt cả 2 môn này, cần một lối suy nghĩ mạch lạc rõ ràng, khoa học. Em sẽ luôn cố gắng đặt ra những câu hỏi cho bản thân, chẳng hạn như: Tại sao hiện tượng lại diễn ra cách này, nó sử dụng định luật vật lí nào. Hay như một định lí toán học có thể được áp dụng cách nào, trong trường hợp nào.

Sau đó, em sẽ suy nghĩ về mối liên kết giữa các mảng kiến thức đã được học. Mối liên kết như vậy sẽ giúp mình nhìn ra điều mới trong những cái đã cũ, giúp hiểu hơn về môn học và cách mô tả thế giới xung quanh, đó là điều mà em cảm thấy thích thú, lôi cuốn.

Bạn đọc

Bạn Lê Phương Anh - Nghệ An:

Tôi thường xuyên theo dõi và rất tự hào khi các cháu học sinh Việt Nam đoạt giải cao tại các kỳ thi quốc tế. Tuy nhiên, việc khen thưởng các cháu hiện nay còn quá khiêm tốn so với các thành tích khác như thể thao, văn nghê,… Vậy, thầy có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Đây là thực trạng chúng ta đều thấy, mong rằng xã hội hãy quan tâm hơn để động viên các cháu, tạo điều kiện tốt nhất cho các con. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giúp các con hiểu rằng: có những niềm hạnh phúc, những phần thưởng thầm lặng, đó là mình được làm điều mình thích, mình có một cái “đầu” tốt để ngẩng cao. Mình giỏi và tận hiến đã là hạnh phúc và trái ngọt sẽ đến.

Bạn đọc

Bạn quynhanh9x@…:

Theo thầy, học sinh phổ thông Việt Nam có những ưu điểm và hạn chế gì so với mặt bằng chung của học sinh quốc tế?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Theo tôi, ưu điểm của HS Việt Nam là thông minh, nhanh nhạy, thích ứng giỏi, nắm các vấn đề lí thuyết nhanh… Có thể học trước, học sâu…

Tuy nhiên, hạn chế của các em cũng còn khá nhiều: Sức khoẻ và thể lực chưa được rèn luyện đầy đủ; các em cũng không được chuẩn bị về cân bằng tâm lí lứa tuổi; kĩ năng thực hành còn yếu; kĩ năng sống chủ yếu tự mò mẫm, chưa được trang bị bài bản; nhiều vùng năng lực ngoại ngữ và khả năng thuyết trình chưa tốt.

Bạn đọc

Bạn vuvanmung@gmail.com:

Xin thầy cho biết, các thầy cô giáo giảng dạy tại trường chuyên có những thuận lợi và khó khăn gì so với các thầy cô trường thường?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Chào bạn. Bất cứ môi trường nào, công việc nào cũng luôn tiềm ẩn cùng lúc những khó khăn và thuận lợi.

Thuận lợi là các thầy cô trường Chuyên có được nguồn cảm hứng là các học trò giỏi, các đồng nghiệp có trình độ cao và đầy nhiệt huyết, luôn có ý thức cập nhật. Vì thế, các thầy cô đam mê dạy, dạy không mệt mỏi để đáp ứng yêu cầu của học trò và phụ huynh.

Trường Chuyên cũng được đầu tư về cơ sở vật chất, được cả xã hội quan tâm, tạo điều kiện; các đơn vị đào tạo, các tổ chức du học… đều coi trường Chuyên là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, các thầy cô trường chuyên cũng phải chịu nhiều khó khăn, áp lực. Trước hết là luôn phải tự học, tự nâng cấp mình để không tụt hậu so với những học sinh rất giỏi, rất nhanh nhạy của mình. Các thầy cô cũng phải rất tập trung, rất chuyên tâm cho các kì thi rất khó khăn để học trò không chỉ đỗ đạt cao mà còn mong muốn các em thành đạt, trở thành người có ích, những chuyên gia trong các lĩnh vực. Chính vì phải đọc nhiều, học nhiều và làm việc tập trung với những học sinh giỏi lại rất cá tính nên các thầy cô không phải ai cũng có thể có thời gian để dạy thêm, mặc dù cơ hội nhiều.

Cá nhân tôi rất mong Nhà nước có những chính sách hợp lí hơn nữa cho các thầy cô có thể sống và cống hiến tốt nhất.

Bạn đọc

Bạn Bảo Trâm - TP. HCM:

Chuyện đào tạo học sinh thành tích cao, các em đi du học rồi ở lại cống hiến cho nước bạn và không trở về phụng sự Tổ quốc hiện rất phổ biến. Thầy đánh giá thế nào về hiện trạng “chảy máu chất xám” này?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Quan niệm “chảy máu chất xám” bây giờ, theo tôi, không còn thích hợp nữa. Nếu các em có ý thức phụng sự Tổ quốc thì ở đâu cũng có thể, bằng cách này hay cách khác để giúp ích cho nước nhà. Còn nếu ở lại/trở về mà không phát huy được thì cũng vô nghĩa, thậm chí nguy hại. Tất nhiên, nếu có điều kiện trở về và phụng sự là tốt nhất, tôi tin các em sẽ về.

Bạn đọc

Bạn giahung@gmail.com:

Xin thầy cho biết, học sinh đoạt huy chương trong các kỳ thi quốc tế được hưởng những ưu tiên gì khi tham gia các cuộc thi chung của học sinh phổ thông như: thi tốt nghiệp, thi đại học,…?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Hiện tại, thầy trò chúng tôi vẫn ôn luyện bình thường với điều kiện đảm bảo  giãn cách, tăng sức đề kháng và các biện pháp phòng dịch. Trong điều kiện hiện nay, các em cũng tập làm việc trên máy tính nhiều hơn, kết nối mạng tốt nhất để nếu cần sẽ sẵn sàng thi qua mạng bình thường. Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh bất thường, giữ, rèn được trạng thái bình thường thì cơ hội thành công rất cao.

Bạn đọc

Bạn Trần Quốc Việt, Hà Nội:

Được biết hồi cấp 2, bạn là học sinh chuyên Toán và đoạt nhiều giải thưởng. Lý do gì khiến bạn lại chọn chuyên Lý tại Trường THPT chuyên Sư phạm?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long (phải) trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ.
Em Nguyễn Khắc Hải Long (phải) trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ.

 

Hồi cấp THCS em là học sinh chuyên Toán và có nhiều thành tích tại các kì thi Toán. Nhưng qua thời gian học tập trải nghiệm các môn học cấp THCS, em cảm nhận được vẻ đẹp và điều lí thú hơn ở môn Vật lí. Trong thời gian đó, em cũng được học thầy Nguyễn Thành Lập (Trường ĐH Sư phạm), người đã nhen nhóm cho em ngọn lửa đam mê đối với môn Vật lí và cũng là người giúp em có động lực để lên lớp 9 em chuyển mục tiêu sang kì thi học sinh giỏi Vật lí và con đường sau này là chọn môn chuyên Vật lí và sẽ theo ngành nghiên cứu Vật lí sau này. Khi thi vào lớp 10, em quyết định chọn trường chuyên Sư phạm bởi vì em sẽ có cơ hội được học thầy Phạm Khánh Hội trong suốt 3 năm cấp THPT, đó là người thầy đã cùng em khám phá những chân trời tri thức mới cũng như luôn hướng em tới suy nghĩ và tư duy một cách bản chất và có khoa học hơn.

Bạn đọc

Bạn baominhngo@…:

Xin thầy cho biết, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, thầy và trò các đội tuyển thi Olympic quốc tế thực hiện việc ôn luyện có gì khác hơn so với điều kiện bình thường?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Hiện tại, thầy trò chúng tôi vẫn ôn luyện bình thường với điều kiện đảm bảo giãn cách, tăng sức đề kháng và các biện pháp phòng dịch. Trong điều kiện hiện nay, các em cũng tập làm việc trên máy tính nhiều hơn, kết nối mạng tốt nhất để nếu cần sẽ sẵn sàng thi qua mạng bình thường. Tôi cho rằng, trong hoàn cảnh bất thường, giữ, rèn được trạng thái bình thường thì cơ hội thành công rất cao.

Bạn đọc

Bạn Cẩm Nhung - Bắc Ninh:

Thi quốc tế bằng hình thức trực tuyến là được thi ngay trên sân nhà, tâm lý học sinh sẽ tự tin hơn. Vậy, vấn đề chất lượng và nghiêm túc của kỳ thi được thực hiện như thế nào, thưa thầy?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường: "Tất cả các thí sinh của một cuộc thi sẽ tuân thủ một luật chơi như nhau và có cơ hội ngang bằng".
Thầy Phạm Sỹ Cường: "Tất cả các thí sinh của một cuộc thi sẽ tuân thủ một luật chơi như nhau và có cơ hội ngang bằng".

Thi trên sân nhà đương nhiên sẽ giúp học sinh có tâm lý an tâm, tự tin hơn. Tất cả các thí sinh của một cuộc thi sẽ tuân thủ một luật chơi như nhau và có cơ hội ngang bằng.

Chắc các em đã nghe hoặc thi các chứng chỉ Quốc tế và thấy độ tin cậy của các chứng chỉ này. Thi HSG trực tuyến còn được tổ chức nghiêm túc, quy mô hơn, có sự giám sát từ xa, giám sát của nhiều lực lượng nên luôn bảo đảm sự công bằng, nghiêm túc. Em yên tâm nhé!

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thủy Tiên, Lào Cai:

Bạn có đặt mục tiêu giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế năm sau không?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em không đặt nặng vấn đề huy chương và thành tích. Với em, được học Vật lí trên đội tuyển và đi thi đã giúp em khám phá ra rất nhiều những điều thú vị và sâu sắc về Vật lí, giúp em thỏa mãn niềm đam mê và khát khao cảm nhận được tri thức, nó giống như một người mê âm nhạc thì họ sẽ bỏ ra nhiều tiền để có một bộ loa và tai nghe đắt tiền, giúp họ cảm nhận được điều tinh tế trong âm nhạc.

Em không đặt mục tiêu trước là mình sẽ phải đạt huy chương gì, thay vào đó em sẽ dành thời gian để cảm nhận và trải nghiệm những điều đẹp đẽ ở trong môn Vật lí. Một kết quả tốt thì cũng là điều đáng quý, kết quả là điều quý nhưng đôi khi sẽ phản bội những nỗ lực của mình nhưng những trải nghiệm và nỗ lực, bản thân Vật lí sẽ không bao giờ phản bội bạn. Cho nên em nghĩ rằng việc trải nghiệm và nỗ lực với Vật lí cũng là điều đáng quý rồi.

Bạn đọc

Bạn nganha86@…:

Nhiều người cho rằng, ngày nay muốn thành đạt, các chỉ số về cảm xúc hay hiểu biết xã hội được đánh giá cao hơn chỉ số thông minh. Vậy, các học sinh chuyên rèn luyện các chỉ số này bằng cách nào, thưa thầy?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Cảm ơn bạn với câu hỏi rất hay, bởi nó liên quan đến vấn đề con người, liên quan đến quan niệm hạnh phúc và thành đạt. HS Chuyên trước hết cũng là con người, và điều này, trước hết phụ thuộc vào giáo dục của gia đình, của các lớp học mẫu giáo, tiểu học… đã góp phần hình thành nên con người HS.

HS Chuyên rất thông minh, nên các em có những có cách cân bằng của những người thông minh: tham gia các câu lạc bộ, chơi các trò chơi phù hợp, văn nghệ, thể thao, điện ảnh, nhất là khả năng đọc sách… Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng vào những giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ… để các em có thể giao lưu, học hỏi, chia sẻ lẫn nhau…

Bạn đọc

Bạn levutuan85@…:

Con trai tôi học môn Toán khá tốt và cháu rất yêu môn học này. Xin thầy cho biết, để trở thành một học sinh chuyên Toán của trường THPT chuyên ĐH Sư phạm thì cháu cần đáp ứng các tiêu chuẩn chọn lựa nào?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Xin chúc mừng bác, cháu học tốt và đam mê học Toán, đấy là điều kiện đầu tiên cần có của HS Chuyên Toán. Để trở thành HS Chuyên Toán của Chuyên ĐHSP, cháu vừa phải đáp ứng chương trình cơ bản ở trường, vừa phải chủ động tìm các nguồn tài liệu của các chuyên gia nổi tiếng về Toán học để tham khảo (phù hợp với chương trình).

Bác cũng có thể mua tuyển tập/bộ đề Toán đã thi của ĐHSP ở nhà sách hoặc tìm nguồn tài liệu để con làm quen. Tham khảo từ các thầy cô giáo giỏi, đáng tin cậy, có kinh nghiệm ôn thi trong và ngoài trường cũng là giải pháp tốt. Chúc con thành công!

Bạn đọc

Bạn Trần Ngọc Diệp, Hà Nội:

Trong đội tuyển Vật lý, mình rất thích Nguyễn Mạnh Quân. Bạn với Quân có chơi thân với nhau không, có chia sẻ bí quyết học tập cho nhau không?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em và Mạnh Quân có quen nhau từ hồi học cấp 1, học cùng một quận nên từ ngày đó em thấy Quân học rất giỏi và có tố chất, là đối thủ "đáng gờm". Lên cấp 2, em và Quân cùng học 1 lớp ở Trường chuyên Hà Nội Amsterdam, thi cùng nhau rất nhiều kì thi, cùng trải qua 4 năm quý giá với lớp A và với ngôi trường này. Chúng em hay thảo luận những vấn đề cả 2 thích thú và cũng có những thử thách trí tuệ qua những bài toán. Quân là người có tư duy rõ ràng nhưng lại là người không thích nói nhiều về bản thân mình.

Bạn đọc

Bạn Quang Trung - Hà Nội:

Mô hình trường chuyên, lớp chọn hiện nay đang có một số luồng ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng nên bỏ dần mô hình này để đào tạo học sinh toàn diện. Vậy, quan điểm của thầy về vấn đề này ra sao ạ?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường chia sẻ thông tin cùng độc giả Báo GD&TĐ trong buổi GLTT
Thầy Phạm Sỹ Cường chia sẻ thông tin cùng độc giả Báo GD&TĐ trong buổi GLTT

 

Theo thầy và những người tâm huyết với trường chuyên: Mô hình chuyên đương nhiên phải được duy trì để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực cao, đáp ứng những HS có sự thông minh, có khát vọng. Tất nhiên, trường Chuyên cũng cần phải được nâng cấp để có cơ sở vật chất, thầy giỏi hơn, mô hình hoàn thiện hơn. Không nên giáo dục theo kiểu “cào bằng”.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Diệu Linh, Hà Nội:

Bạn có thể "bật mí" về quá trình đào tạo các môn chuyên của trường chuyên Sư phạm được không?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long (áo xanh) tại Lễ xuất quân của ĐT Việt Nam tham dự Olympic Vật lý Châu Âu lần thứ 4 năm 2020.
Em Nguyễn Khắc Hải Long (áo xanh) tại Lễ xuất quân của ĐT Việt Nam tham dự Olympic Vật lý Châu Âu lần thứ 4 năm 2020.

Khi vào lớp 10, học sinh chuyên Sư phạm sẽ có 1 học kì đầu học chuyên đề, sẽ học chương trình nâng cao của môn chuyên. Sau đó các bạn có nguyện vọng sẽ thi vào đội dự tuyển. Đội dự tuyển sẽ chọn từ 15-20 bạn lớp 10, đội dự tuyển sẽ tiếp tục học chương trình sâu hơn đến đầu tháng 9 (đầu năm lớp 11). Sau đó sẽ diễn ra kì thi chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia (kì thi học sinh giỏi cấp Trường Đại học Sư phạm).

Khi vào đội tuyển, học sinh sẽ được học các thầy cô giỏi nhất trong trường và các thầy cô khác ở Trường Đại học Sư phạm giảng dạy. Trong quá trình học, học sinh không chỉ được học các kiến thức, kinh nghiệm để đi thi mà còn được học mở mang kiến thức, bồi đắp thêm tình yêu, sự say mê đối với môn học. Ngoài ra, các thầy cô còn chú ý chăm sóc học sinh cả về sức khỏe và tâm lí.

Bạn đọc

Bạn tunganh2k5@…:

Em nghe nói, thành viên các đội tuyển chỉ tập trung cho môn chuyên để đi thi. Vậy, liệu các anh chị đó có bị coi là “học lệch” không ạ?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Theo thầy, “lệch” hay không còn tuỳ thuộc vào mỗi người. Quả thực, vào giai đoạn tập trung cao độ nhất để luyện và thi, các anh chị trong đội tuyển phải chấp nhận học nhiều hơn vào môn đi thi, nhưng trước và sau đó, các anh chị có thể học trước hoặc học bổ sung. Với cái đầu “ngon lành” cùng với sự giúp đỡ của các thầy cô bộ môn, các anh chị ấy vẫn toàn diện, “cân đối” như thường em nhé.

Bạn đọc

Bạn Trần Mạnh Tùng, Hải Phòng:

Năm nay, tất cả các đội tuyển đều có cơ hội tham dự các kì thi Olympic quốc tế, và đều đoạt giải, trừ đội tuyển Vật lí. Bạn có buồn vì điều này không?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Tuy kì thi Olympic Vật lí quốc tế cùng thời điểm các kì thi Olympic quốc khác bị hủy nhưng cuối cùng, kì thi Olympic Vật lí quốc tế lại được tổ chức lại vào đầu tháng 12/2020. Tại kì thi này, việc tổ chức cũng được tổ chức trực tuyến và thể lệ, cấu trúc đề thi cũng giống như kì thi mọi năm. Năm nay, đoàn Việt Nam tiếp tục đạt giải cao tại kì thi này với 4 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.

Em nghĩ rằng nếu được thi thì tốt, còn nếu không thì em vẫn sẽ vui vẻ tiếp tục học Vật lí.

Bạn đọc

Bạn Mỹ Anh - Quảng Ninh:

Từ lâu em rất ngưỡng mộ các anh chị trong đội tuyển thi Olympic quốc tế. Vậy xin thầy cho biết, để có tên trong danh sách đi thi, các anh chị phải trải qua các vòng tuyển lựa thế nào?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Trước hết, các em phải trải qua một kì tuyển chọn của các Sở GD-ĐT hoặc của các trường ĐH có trường THPT Chuyên. Các đội tuyển được thành lập để thi chọn học sinh giỏi Quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đạt được ngưỡng điểm theo quy định, các em mới có cơ hội thi vòng 2 chọn các đội tuyển đi thi Olympic quốc tế và khu vực. Phải vượt qua rất nhiều “cao thủ” trong cả nước mới được ghi tên vào danh sách thi quốc tế.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Mạnh Dũng, Hà Nam:

Bạn có thể chia sẻ về kì thi Olympic Vật lý châu Âu năm nay được không? Khi không phải ra nước ngoài thi đấu thì có những thuận lợi và khó khăn gì?
Em Nguyễn Khắc Hải Long

Em Nguyễn Khắc Hải Long

Đội tuyển Olympic Tin học thi trực tuyến.
Đội tuyển Olympic Tin học thi trực tuyến.

Kì thi Olympic Vật lý châu Âu năm nay dự kiến được tổ chức tại Rumani, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thi trực tuyến tại từng nước. Đoàn Việt Nam có 5 bạn tham gia đến từ 5 trường chuyên khác nhau trên cả nước.  Về thể thức thi, bài lí thuyết giống như mọi năm gồm có 3 bài làm trong 5 giờ, bài thi thực hành làm bằng phần mềm thí nghiệm ảo. Phần mềm được làm mới nhưng khá dễ sử dụng, thầy trò đều không bỡ ngỡ.

Em nghĩ, khi không phải ra nước ngoài thì sẽ tiết kiệm chi phí đi lại. Ở Việt Nam thi và sinh hoạt sẽ thoải mái hơn, tâm lí làm bài cũng thoải mái hơn. Nhưng khi không được ra nước ngoài sẽ không có điều kiện giao lưu, mất đi một phần ý nghĩa của kì thi.

Bạn đọc

Bạn myanhxinh@…:

Với những thành tích đã đạt được là lợi thế, bước đệm vững chắc giúp cô phát triển hơn trong sự nghiệp và hứa hẹn sẽ có nhiều HS đạt giải cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Cô có thể chia sẻ về lộ trình cụ thể trong kế hoạch ôn luyện, đào tạo đội tuyển?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy (phải) trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy (phải) trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ

Như đã trao đổi, thực hiện chỉ đạo của nhà trường, tôi luôn có kế hoạch giảng dạy cụ thể, đặc biệt với việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi. Từ lộ trình vạch sẵn sẽ giúp cô trò thực hiện việc học tập, ôn luyện khoa học, vừa có thời gian tiếp thu tri thức mà vẫn đảm bảo sức khỏe.

Bạn đọc

Bạn toloan2k@…:

Thưa thầy, em đang học lớp 9 ở một trường ngoại tỉnh. Liệu em có thể trở thành học sinh của trường được không ạ?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Chào em. Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm tuyển sinh toàn quốc. Em hoàn toàn có thể trở thành HS của trường chuyên, với điều kiện tham gia dự thi gồm: Hạnh kiểm Tốt, học lực khá, điểm TBM môn chuyên từ 7 trở lên. Sau khi nộp hồ sơ, em tham gia kì thi do trường ĐHSP tổ chức vào thời điểm tháng 6 hàng năm tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 136 Xuân Thuỷ- Cầu Giấy. Trong đó, 2 môn: Toán và Văn là môn điều kiện, môn chuyên tính hệ số 2. Ngoài ra, nếu em đoạt giải Nhất của kì thi HSG của tỉnh thành, em còn có cơ hội được xét tuyển thẳng vào trường sau khi được xét duyệt.

Chúc em đạt được nguyện vọng của mình.

Bạn đọc

Bạn vanhabn123@…:

Để học trò có được những giải cao trong các cuộc thi quốc tế, một phần không thể thiếu đó là sự đồng hành, ủng hộ của phụ huynh học sinh. Cô giáo tranh thủ sự ủng hộ này từ phía cha mẹ HS như thế nào?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Nhà trường thì sự đồng hành, ủng hộ của phụ huynh đối với công tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn là vô cùng quan trọng. Việc ôn luyện HSG không phải ngày một, ngày hai mà đó là kết quả của cả quá trình từ lựa chọn “hạt giống”, ươm mầm, gieo trồng, vun xới đến ngày hái quả. Ở mỗi giai đoạn, tôi luôn thông tin, trao đổi và cùng phụ huynh bàn bạc, định hướng cho từng bước đi của học trò, vì thế phụ huynh tin tưởng đồng hành.

Bạn đọc

Bạn Quang Minh - huyện Vũ Thư - Thái Bình:

Gương những HS giỏi, GV sẽ làm lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tô thắm truyền thống hiếu học, khẳng định trí tuệ đỉnh cao của con người đất Cảng nói riêng và Việt Nam nói chung trên đấu trường quốc tế. Cô có thể chia sẻ những bí quyết giúp trò chăm ngoan, học giỏi, giữ vững vị trí là ngôi trường tốp đầu TP Hải Phòng về số lượng, chất lượng các giải quốc gia, quốc tế?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy và học trò.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy và học trò.

Hãy yêu nghề bằng chính cái tâm của người làm nghề và phấn đấu không ngừng, nỗ lực hết mình vì học trò chắc hẳn sẽ có “hoa thơm, trái ngọt”, tôi tin tưởng như vậy.

Bạn đọc

Bạn thaiha78@…:

Hải Phòng có thế mạnh về bồi dưỡng HS mũi nhọn, dưới mái trường Trần Phú có nhiều học sinh đạt giải cao, thành danh. Để có được những thành tích ấy, vai trò của những “người lái đò” vô cùng quan trọng, cô nhận định thế nào?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Trên con đường chiếm lĩnh tri thức của học trò, thầy cô giáo đóng một vai trò quan trọng. Dưới sự truyền đạt, hướng dẫn, dìu dắt của thầy cô, học trò sẽ đi đúng hướng và tiếp cận kiến thức một cách tốt nhất.

Bạn đọc

Bạn Cẩm Trung- Quảng Ninh:

Nhiều người cho rằng, HS Trường THPT Chuyên Trần Phú đều là HS giỏi tốp đầu của TP Hải Phòng, việc các em đạt giải cao trong các đấu trường quốc tế là đương nhiên. Quan điểm của cô giáo về vấn đề này?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Điều này không hẳn đúng bởi mọi thành quả có được đều phải có quá trình rèn luyện, phấn đấu. HS vào được THPT chuyên Trần Phú đa phần các em đều học tốt nhưng đó chỉ là bước đệm, kiến thức nền giúp các em tiếp cận kiến thức và thử sức các cuộc thi một cách thuận lợi hơn. Quá trình học tập, ôn luyện, ngoài tố chất sẵn có nếu HS không chịu khó rèn luyện, tìm tòi, học hỏi thì khó thể đạt được thành tích cao.

Bạn đọc

Bạn Lương Đan- Hải Dương:

Kinh nghiệm của cô giáo trong việc phát hiện, bồi dưỡng HSG quốc gia, quốc tế? Học sinh vào đội tuyển quốc gia cần trải qua các bước tuyển lựa như thế nào ạ?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

HS được vào lớp chuyên Hóa đều là những em học tốt và có tố chất bộ môn. Quá trình dạy học, dựa vào khả năng lĩnh hội tri thức và tư duy của học trò đáp ứng kiến thức môn học, chúng tôi sẽ lựa chọn và bồi dưỡng.

Bạn đọc

Bạn Đông Nhi- Quán Toan- Hải Phòng:

Được biết, trước đây cô giáo có nhiều HS đạt giải cao trong các kỳ thi. Xin cô chia sẻ thêm về những thành tích dẫn dắt đội tuyển mà cô từng tham gia đến thời điểm này?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Quá trình giảng dạy lớp chuyên Hóa, ôn thi HSG, tôi có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi HSG các cấp như: 1 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc Olympic Quốc tế; với 5 khóa học sinh chuyên Hóa tôi đã may mắn có trên dưới 40 giải Quốc gia;  7 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng Duyên hải Bắc bộ và rất nhiều giải HSG Thành phố.

Bạn đọc

Bạn Minh Hảo- Lê Chân- Hải Phòng:

Hải Phòng có nhiều chính sách đặc thù trong việc đãi ngộ nhân tài, cảm xúc của cô giáo khi được lãnh đạo TP biểu dương, tặng thưởng? Cô có góp ý kiến gì thêm trong việc khuyến khích động viên học sinh đạt thành tích tốt?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Lãnh đạo TP Hải Phòng biểu dương khen thưởng cô trò Trường THPT chuyên Trần Phú.
Lãnh đạo TP Hải Phòng biểu dương khen thưởng cô trò Trường THPT chuyên Trần Phú.

Trong lễ biểu dương, khen thưởng mà thành phố Hải Phòng tổ chức ngày 1/8, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành có chia sẻ: Thành tích của Lý Hải Đăng rất có ý nghĩa, không chỉ cho riêng cá nhân HS, gia đình, nhà trường mà còn rất có ý nghĩa đối với ngành giáo dục và thành phố, với 3 năm liên tục thành phố có học sinh đạt Huy chương Vàng quốc tế.

Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp rất biết ơn sự quan tâm, động viên của lãnh đạo thành phố. Đó là động lực để chúng tôi phấn đấu và cống hiến cho sự phát triển của ngành Giáo dục.

Bạn đọc

Bạn Minh Hà- Hưng Yên:

Cô có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất khi ôn thi HSG quốc tế môn Hóa học?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi có lẽ là một kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế đặc biệt trong diễn biến dịch bệnh phức tạp. Dù khó khăn nhưng đoàn Olympic Hóa học Việt Nam đã gặt hái được thành tích đáng tự hào. Hải Đăng với vai trò là thành viên chính thức của đoàn Việt Nam và người con của thành phố Cảng cũng như học sinh Chuyên Trần Phú đã xuất sắc đạt 96,75/100 điểm, số điểm cao nhất của đoàn Việt Nam, góp phần giúp đoàn Việt Nam là một trong 2 đoàn (cùng Mỹ) có 4/4 học sinh đạt Huy chương Vàng.

Bạn đọc

Bạn Bùi Trọng Hường- Tiên Lãng- Hải Phòng:

Xin cô chia sẻ cảm xúc khi em Lý Hải Đăng đạt Huy chương Vàng Hóa học trong kỳ thi Olympic quốc tế do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức từ ngày 25/7 đến ngày 30/7/2020?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy và học trò Lý Hải Đăng.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy và học trò Lý Hải Đăng.

Đến giờ tôi vẫn không quên cảm giác vỡ òa hạnh phúc khi em Lý Hải Đăng đạt điểm cao nhất đoàn Việt Nam và đứng top 5 thế giới giành về Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 52. Đó là món quà vô giá mà nghề dạy học mang lại cho tôi.

Bạn đọc

Bạn Minh Thái - Nam Định:

Kỳ thi Olympic Hóa học lần thứ 52 diễn ra dưới hình thức trực tuyến, điều này có khó khăn gì cho cô và trò? Theo cô, thi trên sân nhà có phải là lợi thế lớn với các học sinh?.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô trò không gặp nhiều khó khăn khi bước vào kỳ thi. Nếu được tham dự kỳ thi trực tiếp, HS sẽ có cơ hội được giao lưu, học hỏi và trải nghiệm nhiều hơn. Nhưng do dịch bệnh nên kỳ thi diễn ra trực tuyến. Dù bị tác động của dịch Covid-19, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc, tổ chức thi theo đúng quy định của Ban tổ chức, các thí sinh dự thi được quản lý, theo dõi trực tuyến qua hệ thống camera với chế độ thời gian thực của Ban Tổ chức các kỳ thi Olympic quốc tế 2020.

Bạn đọc

Bạn Minh Hà - Thái Bình:

Xin thầy cho biết, trường THPT chuyên có chương trình học khác các trường thường như thế nào?
Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường

Thầy Phạm Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm.
Thầy Phạm Sỹ Cường - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm. 

Chào bạn. Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội nói riêng và hệ thống các trường Chuyên trên toàn quốc nói chung, như tên gọi, đã tự nói lên rằng, trước hết trường chuyên vẫn có khung chương trình cơ bản như các trường THPT khác, tuy nhiên trường chuyên có hệ thống chuyên đề nâng cao do Bộ GD - ĐT quy định. Trên cơ sở này, nhà trường, tổ bộ môn cũng cân đối, xây dựng chuyên đề phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ đào tạo tài năng của HS Chuyên ĐHSP. Chương trình sẽ rất lý thú với HS có năng khiếu.

Bạn đọc

Bạn Hoàng Hà- Vĩnh Bảo- Hải Phòng:

Là GV dạy chuyên Hóa tại Trường THPT Chuyên Trần Phú - ngôi trường có bề dày thành tích về bồi dưỡng HSG quốc gia, quốc tế, bản thân cô giáo là HS cũ của trường, quá trình giảng dạy, ôn luyện HSG của cô có thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Tôi là cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú, ngôi trường có nhiều thành tích dạy tốt, học tốt. Tôi yêu và chọn nghề dạy học bởi tôi yêu chính ngôi trường mình từng học. Lòng kính trọng, biết ơn các thầy cô giáo đã từng dạy dỗ mình nên người, sự quan tâm tin tưởng của phụ huynh, sự chăm ngoan học giỏi của các em HS là động lực giúp tôi phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Qua mỗi năm học, thực hiện chỉ đạo của nhà trường, bám sát nhiệm vụ được giao, tôi luôn đưa ra mục tiêu phấn đấu với kế hoạch cụ thể và thực hiện từng bước, tôi không cảm thấy áp lực với công việc mà chỉ có áp lực để hoàn thiện bản thân.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Huyền - Miếu Hai Xã - Hải Phòng:

Hải Phòng là địa phương 3 năm liên tục có HS đạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế. Xin cô cho biết, đóng góp của các thầy cô giáo có vai trò như thế nào trong việc đem vinh quang về cho TP Hải Phòng?
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy

Ngành Giáo dục Hải Phòng luôn giữ vững vị trí tốp đầu các tỉnh, thành phố về công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia. Năm học 2019-2020 với 79/112 HS tham gia đoạt giải, Hải Phòng cũng là địa phương duy nhất trong cả nước 24 năm có HS đoạt giải quốc tế. Trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 52 tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ theo hình thức thi trực tuyến từ ngày 25-30/7, tôi vinh dự có học trò là em Lý Hải Đăng (lớp 12 chuyên Hóa năm học 2019 – 2020) đoạt Huy chương Vàng. Thành tích này của Lý Hải Đăng nối dài chuỗi thành tích 3 năm liền Hải Phòng có Huy chương Vàng Olympic quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ