Ôn thi tốt nghiệp THPT, trường học triển khai nhiều phương pháp 'vực' HS yếu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công tác ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM được các trường triển khai từ học kỳ 2 của năm học 2022-2023.

Tiết học Địa lý của học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây.
Tiết học Địa lý của học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây.

Mỗi giáo viên có phương pháp ôn tập riêng phù hợp với từng đối tượng, giúp các em nắm vững kiến thức và tự tin trong kỳ thi quan trọng sắp tới.

Vừa dạy vừa ôn tập

Nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, các trường, trung tâm có học sinh lớp 12 trên địa bàn TPHCM đang tăng cường công tác ôn tập. Giáo viên các bộ môn cũng đã định hướng và đưa giải pháp hỗ trợ học sinh học tập, ôn luyện hiệu quả nhất trong thời gian còn lại, trước khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra.

Theo cô Lê Phan Phương Ngọc, giáo viên môn Toán Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), ngay từ đầu năm học, cô Ngọc cũng như các giáo viên bộ môn trong trường đã nhắc nhở học sinh khối 12 cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập đối với từng môn học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Đồng thời hướng dẫn học sinh xây dựng sổ tay tóm tắt các kiến thức trọng tâm và tiếp tục cập nhật dần trong quá trình học tập các nội dung tiếp theo. Từ đầu học kỳ 2, trong quá trình dạy các giáo viên trong tổ Toán cũng tranh thủ luyện tập giải đề (cuốn chiếu từ phần học kỳ 2 trước) cho học sinh.

“Với môn Toán, trên cơ sở những kiến thức giáo viên truyền đạt, học sinh cần nắm chắc bản chất vấn đề, các khái niệm, định nghĩa, định lý trọng tâm trước để làm đúng các câu hỏi mức nhận biết, thông hiểu. Từ đó mới mở rộng luyện tập thêm những câu hỏi, bài tập yêu cầu vận dụng, vận dụng cao”, cô Ngọc chia sẻ.

Tương tự, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) bắt đầu tăng tiết thêm cho giáo viên để ôn tập kiến thức cho học sinh. Đến tháng 5 của học kỳ 2 là bắt đầu tăng tốc ôn thi. Theo chia sẻ của cô Trần Thị Hải, Tổ trưởng tổ Sử-Địa, với môn Địa lý nội dung đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu tập trung ở lớp 12. Việc giành điểm cao ở môn Địa là điều không khó, nhưng học sinh cần có phương pháp đúng đắn, nhất là trong giai đoạn học kỳ 2 này.

“Ngoài kiến thức lớp 12, việc ôn tập kiến thức lớp 11 được tăng cường vào cuối học kỳ 2. Trong quá trình dạy học có những bài liên hệ hay kiến thức trước đó thì tôi sẽ xen kẽ và từ đó nhắc lại bài. Chẳng hạn như dạy về kinh tế của Việt Nam thì so sánh với nền kinh tế các nước Đông Nam Á có những đường lối gì, từ đó nhắc lại chương trình khối 11. Cuối tháng 5 tôi dành mỗi tuần một tiết ôn về kiến thức lớp 11”, cô Hải cho hay.

Chú trọng bồi dưỡng học sinh yếu

Hiện nay, kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đang được các trường học triển khai. Trong đó, nhà trường đặc biệt chú trọng rà soát phân chia học sinh theo năng lực để có giải pháp phù hợp, phân công giáo viên theo dõi, động viên, hỗ trợ kịp thời khi học sinh gặp khó khăn.

Từ tháng 5 của học kỳ 2, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An bắt đầu tăng tốc ôn tập cho học sinh.
Từ tháng 5 của học kỳ 2, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An bắt đầu tăng tốc ôn tập cho học sinh.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) có 6 lớp 12 với 262 học sinh 12. Từ đầu năm học, trung tâm đã lên kế hoạch chi tiết để ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp. Theo đó, bước vào tháng 3/2023 trung tâm sẽ tổ chức hội nghị toàn thể giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn khối 12 để lên phương án phân chia từng nhóm học sinh theo năng lực, từ đó lên kế hoạch chi tiết cho việc ôn tập cho từng đối tượng học sinh.

Theo thầy Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, ngoài hình thức ôn tập chung trên lớp, các thầy cô sẽ chú ý ôn tập riêng cho từng nhóm học sinh theo năng lực học tập. Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 4, giáo viên tại trung tâm sẽ vừa dạy và ôn tập kiến thức học kỳ 2 cho học sinh. Sau khi hoàn thành kiểm tra học kỳ 2, tháng 5 và tháng 6 học sinh bắt đầu tăng tốc ôn thi.

“Chất lượng đầu vào của học sinh không cao, đó là một trong những khó khăn của trung tâm. Trong giai đoạn tăng tốc ôn tập, giáo viên sẽ giúp các em ôn tập kiến thức cơ bản, luyện các dạng bài tập và giải đề.

Tuy nhiên, nhờ số lượng học sinh ít, giáo viên có thể trực tiếp kèm cặp, sâu sát từng em. Nhìn chung, học sinh có tinh thần trách nhiệm cao trong việc lên lớp, phối hợp khá tốt với giáo viên trong ôn tập. Nhờ đó mà hàng năm tỉ lệ đậu tốt nghiệp tại trung tâm luôn trên 95%”, thầy Hoàng cho hay.

Còn theo chia sẻ của cô Trần Thị Hải, đối với các em có năng lực học tập môn Địa lý còn yếu, giáo viên thường dạy kiến thức cơ bản và nhờ những học sinh trong lớp nắm bắt bài nhanh hướng dẫn, dìu dắt. Sau đó giáo viên sẽ rèn và khảo bài thêm. Đối với những học sinh này, cô Hải cũng ra dạng đề phù hợp và khích lệ học sinh bằng điểm số, sau đó sẽ nâng kiến thức lên từ từ.

“Khi giáo viên truyền đạt kiến thức, trong lớp có 45 học sinh, có những em sẽ không tiếp thu kịp. Đặc biệt, trong quá trình ôn tập tôi cũng thường nhắc nhở học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Thời gian còn lại, học sinh tìm hiểu những kiến thức bên ngoài thực tế, cũng như thư giãn đầu óc, không nên tạo áp lực cho bản thân”, cô Hải chia sẻ.

“Trong quá giảng dạy hay ôn tập để tạo bớt căng thẳng cho học sinh, tôi thường tổ chức các trò chơi lồng ghép kiến thức vào, đó từ đó giúp trò giải tỏa áp lực như: Đuổi hình bắt chữ, đường lên đỉnh Olympia,… Ngoài ra tôi cũng cho học sinh hùng biện về một vấn đề nào đó, khi hùng biện thì đã tìm hiểu sâu và yêu thích hơn, tổ chức dạng bài này thì học sinh hứng thú”, cô Hải chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.