Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: Quan tâm dạng đề phân tích một đoạn trích

GD&TĐ - Để đạt điểm cao môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì việc ôn luyện kiến thức sao cho đầy đủ, phù hợp là hết sức cần thiết, nhất là với thí sinh chọn môn này để xét tuyển đại học- cao đẳng.

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, chất lượng.
Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, chất lượng.

Nắm vững kỹ năng, phương pháp làm bài

Trước tiên, để không lúng túng khi tiếp cận đề thi, các em cần nắm vững tác phẩm. Nếu là thơ, cần nắm vững thể thơ; phát hiện cảm hứng chủ đạo, mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, các biện pháp nghệ thuật chủ yếu...Nếu là văn xuôi, phải nắm vững cốt truyện, tình huống và các nhân vật; phát hiện và cảm nhận các chi tiết quan trọng góp phần bộc lộ chủ đề của tác phẩm.

Những hiểu biết về vị trí của tác giả trong nền văn học, phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn; hoàn cảnh sáng tác, không gian nghệ thuật (bối cảnh) của tác phẩm cũng là những điểm các em cũng cần phải nắm vững.

Chất liệu để các em làm bài chính là nội dung bài giảng trên lớp. Bài giảng giúp các em xác định các kiến thức trọng tâm cơ bản, nắm bắt cách thầy cô khai thác, phân tích các tình huống, chi tiết, ngôn từ, hình ảnh... để làm rõ nội dung. Thế nên các em không được chủ quan bỏ qua.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Đến giai đoạn ôn tập, việc tự học với học sinh cũng hết sức cần thiết. Các em cần đọc lại bài giảng để thu nhận chắc chắn những kiến thức thầy cô truyền đạt.

Lập sơ đồ tư duy để hệ thống và ghi nhớ những kiến thức cơ bản của bài. Hãy gạch dưới những ý chính được thầy cô lưu ý nhiều trong bài. Ý chính nằm ở giữa, các ý phụ ý nhỏ hơn sẽ là những nhánh cây đâm ra. Văn học là môn thiên về cảm xúc nhưng nếu bài viết của em rất tình cảm mà lại thiếu ý cũng khó được điểm cao. Sơ đồ cây sẽ giúp bài viết của các em đi đúng hướng.

Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: Quan tâm dạng đề phân tích một đoạn trích ảnh 2
Click vào ảnh để xem chi tiết.

Các em có thể đọc các tư liệu tham khảo nhằm tìm hiểu những cách khai thác khác nhau cho cùng một vấn đề, làm phong phú thêm những cái hay của tác phẩm. Tuy nhiên, trước khi đọc các bài tham khảo, các em hãy viết một bài văn theo suy nghĩ, cảm nhận của. Cách này sẽ giúp các em bổ sung thêm được nhiều ý mới bên cạnh những ý các em đã triển khai từ trước và giúp cho cuốn sách tham khảo trở nên “có ích” hơn rất nhiều.

Lưu ý ngữ liệu ở phần đọc hiểu

Dựa trên cấu trúc đề thi hàng năm ít thay đổi của Bộ GD&ĐT, các em cần nắm vững kỹ năng làm phần đọc hiểu. Ngữ liệu đọc hiểu thường là một đoạn trích có thể thuộc bất cứ loại văn bản nào, phổ biến là kiểu văn bản nghị luận hoặc văn bản nghệ thuật. Câu hỏi ở phần này có 4 câu với các mức độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao.

Để đạt điểm cao cho phần này không khó, các em cần đọc kĩ câu hỏi để xác định câu trả lời cho trúng, đúng, đủ với mức độ của từng câu hỏi. Câu trả lời chỉ cần hỏi gì đáp nấy. Tuy nhiên để đạt điểm tối đa các em cần chú ý diễn đạt rõ ràng với câu văn hoàn chỉnh, đủ ý, tránh lan man, dài dòng.

Lưu ý, với 3 điểm cho phần đọc hiểu, các em cần căn giờ, làm trong khoảng 30 phút.

Nắm chắc phần ngữ liệu đọc hiểu, các em sẽ dễ dàng chinh phục phần nghị luận xã hội. Bởi câu nghị luận xã hội có mối quan hệ với phần đọc hiểu. Câu lệnh hướng học sinh bàn luận về một bình diện nào đó của vấn đề nêu trong phần đọc hiểu, có thể là một vấn đề, hiện tượng xã hội hoặc một tư tưởng đạo lý, lối sống... Và nếu tinh ý, các em có thể thấy ngữ liệu ở phần đọc hiểu nhiều khi có những gợi ý giúp chúng ta bàn luận.

Học sinh Trường THPT Hoàng Long ôn luyện khi chưa dừng đến trường.
Học sinh Trường THPT Hoàng Long ôn luyện khi chưa dừng đến trường.

Câu nghị luận xã hội chỉ yêu cầu viết đoạn văn với số chữ qui định khoảng 200 chữ, tương đương 2/3 trang giấy thi trong khoảng thời gian 25 phút. Các em vận dụng phương pháp nghị luận về một hiện tượng đời sống hoặc một tư tưởng đạo lí để phân tích bàn luận. Nên nhớ chỉ viết đủ theo yêu cầu, đừng lan man ảnh hưởng tới thời gian dành cho các phần khác.

Phần nghị luận văn học có nhiều dạng đề. Có thể là dạng đề phân tích một hình tượng thiên nhiên (hình tượng Sông Đà trong tùy bút Người lái đò Sông Đà), hình tượng nhân vật (nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa), tình huống truyện (Tình huống truyện Vợ nhặt)…; có thể là dạng đề so sánh, ngữ liệu có thể là hai đoạn thơ hoặc hai đoạn văn xuôi trong hai tác phẩm khác nhau hoặc trong cùng một tác phẩm. Tuy nhiên chúng ta nên quan tâm dạng đề phân tích có định hướng một đoạn trích trong tác phẩm thơ hoặc văn xuôi như đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

Theo đề minh họa năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kĩ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi yêu cầu “phân tích hình ảnh sông Hương” trong một trích đoạn ngữ liệu ngắn gọn – đoạn văn miêu tả thủy trình của sông Hương khi đã ra khỏi những cánh rừng đại ngàn, trôi chảy giữa ngoại vi thành Huế - sau đó là yêu cầu nhận xét về tính trữ tình trong bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Với cấu trúc của câu nghị luận văn học, thí sinh sẽ xác định rất rõ ràng các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có ý thức gắn kết giữa nội dung và nghệ thuật trong quá trình phân tích. Một trích đoạn ngắn làm ngữ liệu nghị luận không làm khó cho học sinh trong quá trình làm bài.

Khi làm nghị luận văn học, các em cần thực hiện các bước sau:

Xác định yêu cầu của đề: Vấn đề cần nghị luận; thao tác lập luận cần vận dụng; phạm vi kiến thức của đề và các loại kiến thức khác cần huy động

Lập dàn ý, dựa trên công thức chung cho từng dạng bài nghị luận văn học, các em cần xác định hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng cần trình bày.Tổ chức, sắp xếp các ý một cách hợp lý, logic.

Khi viết bài, các em cần đảm bảo cấu trúc 3 phần: Mở bài và kết bài,mở bài nêu vấn đề, kết bài đánh giá vấn đề. Hai phần này cần diễn đạt ngắn gọn, đầy đủ, nội dung chính xác, lời văn hấp dẫn.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Phần thân bài tập trung giải quyết vấn đề đã nêu ra ở mở bài bằng các luận điểm, luận cứ, luận chứng. Hệ thống luận điểm, luận cứ cần được thể hiện bằng các đoạn văn có liên kết, có chuyển ý.

Lưu ý thời gian làm bài cho câu nghị luận văn học chỉ khoảng 60 phút, nên cần làm chủ thời gian và kiến thức, viết đủ là được, tránh ôm đồm, lan man dẫn đến không hoàn thành bài viết hoặc thiếu cân đối giữa các ý.

Thời điểm bước tới kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn dài. Ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 khiến các em phải chuyển sang hình thức học online. Đây là một khó khăn lớn của toàn ngành Giáo dục, cũng là lúc các em cần phát huy tinh thần tự giác học tập, tự khắc sâu kiến thức, thành thạo các kỹ năng làm bài, chuẩn bị tâm lí và tâm thế để bước vào kỳ thi quan trọng của đời học sinh.

Ngữ văn thực sự là một môn học quan trọng cho những em đang tiến tới cánh cửa đại học, ngoài ra nó cũng rất hữu ích cho công việc của các em sau này.

Chúc các em học và ôn thi môn Ngữ văn đạt kết quả như mong đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ