Ngoài việc tạo điều kiện cho HS làm quen với cách làm bài thi, đặc biệt là bài thi tổ hợp, kết quả của kỳ thi thử cũng là căn cứ để các trường THPT điều chỉnh phương pháp, cách thức ôn tập cũng như định hướng lại nội dung ôn tập trước khi kỳ thi chính thức.
Cơ sở điều chỉnh nội dung ôn tập
Với quan điểm “muốn thả HS xuống nước thì phải dạy các em bơi thật tốt”, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tổ chức cho HS khối 12 kiểm tra, đánh giá chất lượng. Thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: “Đề thi thử bám sát cấu trúc của đề thi THPT quốc gia năm 2019, trong đó có 10 – 15% kiến thức của chương trình lớp 11, phần còn lại sẽ là kiến thức của học kỳ I lớp 12. Cùng với bài thi học kỳ I, kết quả bài thi thử sẽ là căn cứ để giáo viên tư vấn cho HS chọn môn thi, khối thi”.
Theo kế hoạch, Trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) cũng tổ chức kiểm tra, đánh giá cho HS khối 12 ngay sau khi HS nghỉ Tết Nguyên đán. “Trên cơ sở phân tích kết quả của đợt thi thử này, nhà trường tăng cường tổ chức bồi dưỡng thêm cho những HS có học lực trung bình - yếu. Trong đó, ngoài việc củng cố, hệ thống lại kiến thức, giúp cho các em nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên phải dành thời gian hướng dẫn cho HS phương pháp học, làm bài” – cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng thông tin. Thông thường, đến khoảng cuối tháng 4, HS Trường THPT Tôn Thất Tùng có 2 đợt thi thử để sang tháng 5, sẽ có một đợt thi thử nữa do Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức với quy mô và cách thức tổ chức tương tự như Kỳ thi THPT quốc gia.
Thầy Nguyễn Quang Hưng trao đổi: Nhà trường tổ chức thêm một kỳ thi thử vào cuối tháng 4 để HS có cơ hội đổi tổ hợp môn thi trước khi hoàn thành hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Đây cũng là dịp để HS quen dần với cách thức, không khí thi cử cũng như kỹ năng làm bài thi, từ cách phân tích đề, trình bày bài làm, kỹ thuật làm bài trắc nghiệm, cách phân bố thời gian làm bài, làm quen với cấu trúc đề thi…
Theo kinh nghiệm của nhiều cán bộ quản lý các trường THPT, việc tổ chức các kỳ thi thử là cần thiết bởi HS chưa hình dung hết được về đề thi cũng như quy mô, cách thức tổ chức thi. Theo đó, phần lớn HS chỉ mới quan tâm nhiều đến hồ sơ xét tuyển nên GV và nhà trường, ngoài cung cấp kiến thức, còn phải chuẩn bị tốt về tâm lý cho HS. Trước đây, còn có kỳ thi tốt nghiệp để “tập dượt” nhưng với việc sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh ĐH, nếu HS không được chuẩn bị kỹ càng là “vấp” ngay.
Những năm gần đây, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đều tổ chức thi thử với quy mô toàn thành phố cho HS khối 12. Để kỳ thi thử gọn nhẹ và sớm có kết quả thi, HS thi ngay tại trường THPT đang học. Nhà trường chịu trách nhiệm việc lên số báo danh và tổ chức coi thi, quy cách như Quy chế thi THPT quốc gia với mỗi phòng thi có 24 thí sinh. Cấu trúc đề thi như đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố. Sở cũng sử dụng mẫu phiếu, chương trình chấm do Bộ GD&ĐT cung cấp.
Chính vì vậy, mặc dù là kỳ thi thử nhưng Sở GD&ĐT vẫn quán triệt tinh thần phải tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế với ban ra đề thi, sao in đề thi, ban chấm thi… Các môn thi trắc nghiệm sẽ được chấm tập trung, riêng môn Ngữ văn, Tiếng Pháp và Tiếng Nhật, nhà trường sẽ tự tổ chức chấm.
Các giáo viên có kinh nghiệm dạy ôn tập đều có nhận xét chung rằng, tâm lý HS thường tập trung ôn tập những vấn đề lớn, trong khi Bộ GD&ĐT ra đề theo hệ thống kiến thức để xem mức độ nắm vững cũng như kỹ năng vận dụng của HS thế nào, nếu như học tủ sẽ khó có điểm. Chính vì vậy, kết quả của các kỳ thi thử sẽ được các trường THPT phân tích kỹ để điều chỉnh phương pháp, cách thức ôn tập cũng như định hướng lại nội dung ôn tập trong thời gian còn lại trước kỳ thi.
Chờ ngày đi học trở lại
Cô Trần Thị Kim Vân nói mà như than: “Giờ nhà trường gần như chỉ tập trung làm sao để 100% học sinh lớp 12 theo học các giờ học trực tuyến cũng như những bài giảng mà Sở GD&ĐT tổ chức dạy học qua truyền hình. Dù nhà trường đã phân công tổ trưởng bộ môn, GV chủ nhiệm và GV bộ môn theo dõi và kiểm tra HS học qua truyền hình đối với từng môn, sau đó giao nội dung ôn tập, sửa, chấm trả bài tập… nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn”.
Qua nhiều kênh thông tin, nhà trường cũng giới thiệu đề minh họa các môn thi THPT quốc gia để HS tham khảo, nhưng do không bị khống chế về thời gian làm bài nên GV khó có thể nắm được mức độ hoàn thành bài của trò.
Gần như các trường không thể tổ chức kiểm tra trực tuyến cho toàn bộ HS lớp 12 vào một khung giờ được ấn định trước trong điều kiện HS không đến trường như hiện nay.
Thầy Nguyễn Quang Hưng chia sẻ: “Chúng tôi chưa có kế hoạch gì cho việc tổ chức thi thử cho HS và thực sự cũng chưa sốt ruột lắm về vấn đề này. Bộ GD&ĐT đã lùi thời gian tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2020 nên nếu trong tháng 6, HS trở lại thì các trường vẫn có điều kiện tổ chức thi thử nhằm giúp HS hệ thống lại kiến thức, làm quen với tâm lý cũng như không khí thi cử”.