Ôn thi môn Vật lý: Không chủ quan mất điểm đáng tiếc vì cấu trúc quen thuộc

GD&TĐ - Việc ôn thi Tốt nghiệp THPT môn Vật lý trước hết cần bám sát đề thi tham khảo để nhận biết sự phân bố câu hỏi, mức độ kiến thức. Dù cấu trúc đề quen thuộc, thí sinh cũng không chủ quan dẫn đến mất điểm đáng tiếc.

Trong giai đoạn nước rút, học sinh lớp 12 tập trung luyện đề để vừa rèn kỹ năng làm bài, vừa hệ thống kiến thức.
Trong giai đoạn nước rút, học sinh lớp 12 tập trung luyện đề để vừa rèn kỹ năng làm bài, vừa hệ thống kiến thức.

Ôn tập bám sát đề thi tham khảo

Thời điểm này, hầu hết trường THPT tại Nghệ An đang hoàn thành chương trình năm học cho lớp 12, chuẩn bị cho giai đoạn ôn thi nước rút. Vì vậy, học sinh đã tương đối được phủ kín kiến thức cơ bản. Thời gian ôn thi không còn nhiều nên các em tập trung luyện đề theo hình thức “học đến đâu làm đề đến đấy”, vừa hệ thống lại kiến thức theo từng lĩnh vực, vừa rèn kỹ năng làm bài thi.

Theo thầy Nguyễn Công Trung – GV Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An, việc ôn tập cho học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT đối với môn Vật Lý và cả những môn thi khác, trước hết phải bám sát vào đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Năm nay, cấu trúc đề thi tham khảo môn Vật Lý có mức độ phân hóa tốt, kiến thức phù hợp và có yếu tố giảm tải đối với năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid.

Học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An trong giờ ôn tập
Học sinh Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An trong giờ ôn tập

Cụ thể, về phân bố kiến thức, có 4 câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11 (không có phần giải toán 11) tập trung vào phần điện gồm: điện tích, điện trường; dòng điện không đổi; dòng điện trong các môi trường và cảm ứng điện từ. Các câu hỏi còn lại đều nằm ở kiến thức lớp 12.

Có 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, đọc kỹ lý thuyết, không học tủ là có thể làm bài tốt. Còn lại  20% câu hỏi ở mức độ vận dụng và 10% câu hỏi là vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải hiểu bản chất Vật lý và mở rộng, nâng cao hơn từ kiến thức cơ bản

Thầy Nguyễn Công Trung cho biết, cấu trúc đề thi như trên khá quen thuộc qua nhiều năm tổ chức kỳ thi THPT. Vì vậy, khi tiếp nhận đề thi tham khảo năm nay, học sinh không có nhiều bất ngờ. Tại Trường THPT số 2 Nghệ An, qua thi thử, học sinh làm bài tương đối tốt, có nhiều em đạt từ 7 – 9 điểm. Đây là tín hiệu mừng, giúp học sinh có tâm lý tự tin trước kỳ thi. Tuy nhiên, không vì vậy mà các em chủ quan, lơ là. Thực tế nhiều năm qua, không ít thí sinh giỏi lại làm mất điểm ở những câu lý thuyết hoặc câu dễ.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Giải bài tự luận để chắc chắn khi làm trắc nghiệm

Theo thầy Nguyễn Công Trung, môn Vật lý là một môn thành phần của bài thi tổ hợp KHTN chứ không phải là môn thi bắt buộc chung cho tất cả thí sinh. Đây là môn được thí sinh lựa chọn thi phù hợp với năng lực, mục tiêu của mình. Trong đó tỷ lệ lớn học sinh chọn thi tổ hợp KHKT để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH. Vì thế, bản thân đề thi Vật lý đã có tính phân loại sẵn ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, đề thi thật cơ bản đảm bảo cấu trúc đã công bố nhưng mức độ phân loại trong mỗi câu hỏi có thể sẽ điều chỉnh.

Học sinh khối 12 Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam (Nghệ An) vừa học văn hóa thi tốt nghiệp THPT vừa học thực hành
Học sinh khối 12 Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam (Nghệ An) vừa học văn hóa thi tốt nghiệp THPT vừa học thực hành

Theo nhiều giáo viên dạy Vật Lý tại Nghệ An, kiến thức của 3 chương đầu của lớp 12: Dao động cơ, sóng cơ và sóng âm, giao thoa sóng, dòng điện xoay chiều... thường được sử dụng nhiều trong đề thi ở mức độ dễ. Học sinh cần tập trung đọc kỹ đề, không đọc lướt, trả lời nhanh nhưng phải chính xác, tránh bị câu hỏi đánh lừa.

Các câu trong các chương Dao động và sóng điện từ, Sóng ánh sáng, Lượng tử ánh sáng, Hạt nhân nguyên tử thường ra ở mức độ vận dụng. Vì vậy, học sinh cần nắm chắc lý thuyết, ghi nhớ công thức là có thể giải được bài dựa vào dữ liệu đã cho của đề.

Còn câu vận dụng cao thường là các câu liên quan đến ứng thực tiễn, câu hỏi khai thác đồ thị về dao động cơ và dòng điện xoay chiều. Để làm được phần kiến thức phân hóa này, học sinh cần bổ sung kiến thức liên hệ thực tế đời sống và kĩ thuật, thí nghiệm thực hành, các hiện tượng vật lí, bản chất vật lí của câu hỏi. Bên cạnh đó, kết hợp linh hoạt các công thức vật lí các lớp và kiến thức toán học để xử lý câu hỏi.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Trong quá trình ôn tập, những câu nhận biết, thông hiểu và vận dụng bình thường, học sinh có thể rèn luyện thao tác nhanh, thậm chí tính toán trên máy tính để cho ra đáp án. Nhưng với phần kiến thức nâng cao, học sinh cần chú ý làm thêm một số bài tập tự luận. Khi làm bài tự luận, đặt bút ra xử lý, các em sẽ hiểu được bản chất Vật lý của câu hỏi.

Ngoài ra, việc tìm nhiều cách giải cho 1 bài tập, giúp học sinh nhớ lâu. Khi thi thật, gặp dạng đề tương tự, các em sẽ không mất quá nhiều thời gian để cho ra đáp án. Bởi với 50 phút trả lời 40 câu trắc nghiệm sẽ tương đối căng thẳng, học sinh không có nhiều thời gian cho mỗi câu hỏi.

* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.