Ôn tập vào lớp 10: Học đâu, chắc đó

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tại TPHCM sẽ diễn ra vào đầu tháng 6/2023 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Anh. 

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Để giúp học sinh đạt kết quả tốt, ngay từ đầu học kỳ II, các trường THCS đã đẩy mạnh ôn tập, củng cố kiến thức cho trò.

Linh hoạt kế hoạch giảng dạy

Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024, ngay từ đầu học kỳ II, Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) đã tăng mỗi tuần 1 - 3 tiết đối với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để giáo viên có thời gian ôn tập sâu cho học sinh.

“Để học sinh đạt điểm cao trong đợt thi tuyển vào lớp 10, nhà trường đã chọn giáo viên nhiều kinh nghiệm phụ trách ôn luyện. Trong quá trình ôn tập, vừa hệ thống lại kiến thức, giáo viên kiêm luôn việc ổn định tâm lý, giúp các em tiếp thu bài nhanh và hiệu quả hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng có kế hoạch dịp 26/3 sẽ cho học sinh đi trải nghiệm tại Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút (Bến Tre). Đây là dịp để các em giải toả căng thẳng, chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng tốc ôn tập, củng cố kiến thức để tự tin bước vào kỳ thi”, cô Hiếu chia sẻ.

Theo chia sẻ của Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Minh Hiếu, toàn trường có 10 lớp 9 với 364 học sinh. Ngay sau Tết Nguyên đán, để giải toả áp lực cho học sinh, nhà trường chỉ đạo các giáo viên bộ môn không cắt xén chương trình giảng dạy nhưng “nhẹ nhàng” hơn để các em tập trung môn thi tuyển vào lớp 10.

Cũng theo cô Hiếu, từ tháng 2, nhà trường sắp xếp lại thời khoá biểu cho học sinh và tăng tốc ôn tập. Với 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10, các em học đến đâu, giáo viên sẽ ôn tập và giúp nắm chắc kiến thức đến đó; sau khi hoàn thành kiểm tra học kỳ II, giáo viên tập trung vào giải đề tham khảo.

Theo thầy Nguyễn Hồng Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp), được chủ động thiết kế theo chủ đề dạy học, do đó nhà trường đã xây dựng lại thời khoá biểu hợp lý để có khoảng thời gian dài ôn tập cho học sinh.

“Không phải đợi đến ngày hoàn tất chương trình học lớp 9 mới ôn tập, nhà trường vừa dạy, vừa ôn tập suốt chiều dài của năm học để học sinh chủ động nắm bắt, với phương châm dạy đơn vị kiến thức nào thì cho học sinh nắm chắc kiến thức đó”, thầy Đức giải thích và cho biết thêm: Sang học kỳ II, buổi 1 dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT, còn buổi 2, trường bố trí tiết hỗ trợ thêm cho học sinh. Giáo viên sẽ chỉ dẫn cho các em kỹ năng làm bài cũng như tổ chức ôn luyện vừa sức.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của tại một buổi tư vấn hướng nghiệp cuối tháng 2/2023.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của tại một buổi tư vấn hướng nghiệp cuối tháng 2/2023.

Lựa chọn đúng nguyện vọng

Cùng với ôn tập, trang bị kiến thức, các trường THCS cũng tăng cường tư vấn, định hướng cho học sinh và phụ huynh lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực học tập của con em mình.

Theo cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), điểm mới của năm nay là 100% học sinh đăng ký nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến. Hình thức này rất thuận lợi, bởi giáo viên chủ nhiệm đã quen từ năm học trước nên dễ dàng hướng dẫn học sinh. Ngoài ra, từ cuối tháng 2, nhà trường đã tổ chức cho các em đi tham quan các trường THPT để nắm rõ hơn về Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10, đặc biệt là việc lựa chọn tổ hợp môn.

“Tỷ lệ đậu vào lớp 10 công lập của trường năm trước khoảng 95%. Những em trượt công lập đa phần do đăng ký sai nguyện vọng, chọn trường có điểm quá cao hoặc phụ huynh mong đợi, kỳ vọng quá nhiều về sức học của các con. Các năm trước nhà trường tổ chức họp phụ huynh đại trà để tư vấn chọn nguyện vọng cho học sinh, riêng năm nay chúng tôi sẽ tổ chức họp phụ huynh với hình thức 1 - 1 (1 giáo viên, 1 phụ huynh). Tổ chức họp riêng 5 - 10 phút giúp phụ huynh nắm rõ sức học của con và chọn nguyện vọng cho đúng. Hình thức này dù giáo viên có phần vất vả, nhưng hy vọng sẽ hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh lựa chọn đúng với sức học của con em mình”, cô Trang chia sẻ.

Tại Trường THCS Nguyễn Trãi, ban giám hiệu cũng như giáo viên chủ nhiệm luôn chú trọng công tác tư vấn, định hướng học sinh khối 9 không nên đăng ký trường quá xa nhà, hoặc trường có điểm chuẩn chênh lệch với sức học của bản thân; hay lựa chọn 3 trường có mức điểm trúng tuyển hàng năm tương đương nhau. Như vậy sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển. Nhà trường cũng lưu ý học sinh có thể đưa ra quyết định dựa trên tư vấn của giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh hay tham khảo kết quả kiểm tra học kỳ II hoặc qua việc tự giải, tự chấm điểm các đề thi lớp 10 những năm trước.

“Chúng tôi thường xuyên chia sẻ với học sinh rằng, nếu căng thẳng trước một vấn đề nào đó bởi chuẩn bị chưa tốt và thiếu tự tin, từ đó nảy sinh ra những lo lắng. Vì vậy, để tránh rơi vào tình trạng trên, học sinh phải xác định được định hướng của bản thân sau THCS.

Chẳng hạn mình muốn vào trường nào thì phải tìm hiểu trường đó cũng như các yêu cầu đặt ra; có thể tham khảo hệ thống trường lớp, nghe tư vấn tuyển sinh của Sở GD&ĐT TPHCM cũng như các thầy cô trong trường. Từ đó, các em mới biết được trường mình chọn cũng như hướng đi phù hợp hay không. Khi có hướng đi phù hợp, các em sẽ đủ bản lĩnh để chuẩn bị, kỳ thi vì thế đỡ căng thẳng hơn”, thầy Nguyễn Hồng Đức cho biết thêm.

“Giáo viên chủ nhiệm đã có định hướng cho học sinh lựa chọn nguyện vọng ban đầu. Đến cuối tháng 3, nhà trường tổ chức họp phụ huynh và tư vấn kỹ. Thực tế trong công tác phân luồng, hướng nghiệp, khó nhất là tư vấn cho phụ huynh chọn trường, nghề cho con em mình. Đối với em có năng lực học tập yếu, nhiều phụ huynh khi được tư vấn qua trường nghề lại không đồng ý, mà muốn cho con mình thi thử. Vì vậy, khi có danh sách học sinh không đỗ vào lớp 10 công lập, nhà trường sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh lên tư vấn một lần nữa để các em chuyển hướng”, cô Hiếu thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ