Ôn tập Hóa học tốt nghiệp THPT: Luyện đề chỉ hiệu quả khi nắm chắc lý thuyết

GD&TĐ - Tất cả bài thi Hóa học, dù là đánh giá năng lực hay tốt nghiệp Trung học phổ thông đều đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc lý thuyết.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn Hóa học thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy Đặng Xuân Chất, giáo viên Trường trung học phổ thông Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm vững kiến thức lý thuyết.

Thầy Đặng Xuân Chất cho rằng: Các câu hỏi lý thuyết chiếm phần lớn điểm của bài thi và là cơ sở để học sinh có thể làm các bài tập khó hơn.

Ví dụ, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ cần làm hết các câu lý thuyết và các câu tính toán ở mức đơn giản, các thí sinh đã có thể dễ dàng đạt được mức điểm 7, 8.

Thầy Đặng Xuân Chất, giáo viên Trường THPT Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội.
Thầy Đặng Xuân Chất, giáo viên Trường THPT Ban Mai - Hà Đông, Hà Nội.

Cùng với ôn lý thuyết, thầy Đặng Xuân Chất cũng lưu ý thí sinh ôn tập kỹ các câu hỏi về thí nghiệm.

Lý do: Đề thi những năm gần đây luôn có câu hỏi về thí nghiệm thuộc nhóm câu hỏi vận dụng và vận dụng cao; trong khi số thí nghiệm chương trình phổ thông không có nhiều nên đây có thể coi là câu hỏi học sinh ôn tập kỹ để giành điểm.

Tuy nhiên để hiệu quả, học sinh nên hiểu về bản chất của các thao tác thí nghiệm, hay vai trò của các chất trong thí nghiệm đó thay vì học thuộc từng câu.

Với luyện đề, theo thầy Đặng Xuân Chất, là điều cực kỳ cần thiết với thí sinh nếu muốn có kết quả thi tốt. Nhưng việc luyện đề chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi học sinh đã có một lượng kiến thức nhất định. Nếu chưa chắc kiến thức, học sinh không nên luyện đề mà nên tổng ôn lại một lần nữa.

Bên cạnh đó, khi luyện đề học sinh cần có sổ luyện để theo dõi các lỗi sai của bản thân và điểm số mà mình đạt được. Phải làm các đề từ nguồn uy tín và tham khảo thêm các đề đánh giá năng lực hay kiểm tra tư duy mẫu của các trường mà mình dự kiến nộp hồ sơ.

Để thực hiện hiệu quả việc ôn tập các nội dung như trên, học sinh phải chuẩn bị một thời gian biểu rõ ràng, khoa học; từ đó bảo đảm được kế hoạch đề ra và sức khỏe cho đến khi kỳ thi diễn ra.

Do hiện nay có nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau vào các trường đại học, như xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp, dựa vào điểm thi tốt nghiệp,… Nên trước tiên, thí sinh phải xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của bản thân, dự kiến thi trường nào từ đó mới có thể đưa ra các kế hoạch ôn thi hiệu quả.
Thầy Đặng Xuân Chất

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ