Cô giáo Huỳnh Thị Thanh Hương - Tổ trưởng tổ chuyên môn Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) đã chia sẻ những nội dung chính về ôn tập môn Hóa học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Từ đó, có thể giúp các em học sinh đạt điểm cao trong kỳ thì sắp tới.
Theo cô Hương, khi ôn tập, học sinh cần nhớ một nguyên tắc là “Trăm hay không bằng tay quen”, lặp lại thông tin càng nhiều ký ức càng sâu, càng dễ hồi tưởng. Vì vậy, làm càng nhiều bài tập càng tốt. Khi làm bài phải có sự liên hệ kiến thức, rút ra điểm hay, kĩ năng cần áp dụng cho mỗi dạng bài; trao đổi tư liệu với bạn bè, thầy cô.
“Đối với các bài học về lý thuyết chủ đạo, các em cần nắm vững định nghĩa, khái niệm, hiểu được bản chất của định nghĩa, khái niệm đó và biết cách vận dụng để giải quyết các câu hỏi liên quan. Đối với bài học về chất, các em cần phải nắm vững tên gọi, tính chất, mối quan hệ giữa cấu tạo và tính chất, ứng dụng thực tế”, cô Hương thông tin.
Cô Hương cho rằng, để giải bài tập hóa học trước hết các em học sinh cần nắm vững lý thuyết, sau đó rèn luyện thêm kĩ năng vận dụng lý thuyết vào các bài tập cụ thể, kĩ năng phân tích đề, kĩ năng sử dụng các thủ thuật tính toán…
Cụ thể, cô Hương cho hay, trong lớp 12, ở phần Đại cương về kim loại, đây là dạng lý thuyết, các học sinh phải nắm rõ về tính chất vật lí: Dẫn nhiệt, dẫn điện, tính cứng, nhiệt độ nóng chảy, ... cao nhất, thấp nhất, tốt nhất, kém nhất. Xác định tính khử mạnh, yếu nhất của các kim loại, tính oxi hóa mạnh, yếu nhất của các ion kim loại. Tính chất hóa học: Phản ứng được với phi kim, nước, dung dịch muối.
"Bên cạnh đó phải nắm nguyên tắc, phương pháp điều chế, xác định kim loại được điều chế/không được điều chế bằng phương pháp thủy luyện, nhiệt luyện, điện phân", cô Hương nói.
Về phần kim loại kiềm và hợp chất, học sinh phải nắm cơ bản công thức, tên gọi của kim loại kiềm, hợp chất của kim loại kiềm. Tính chất hóa học, các chất hoặc dung dịch phản ứng được với kim loại kiềm và hợp chất giải phóng khí, tạo kết tủa,...
Kim loại kiềm thổ và hợp chất, công thức của và tên gọi của kim loại kiềm thổ và hợp chất, ứng dụng (lưu ý các hợp chất của Ca). Tính chất hóa học: Các chất hoặc dung dịch phản ứng được với kim loại kiềm thổ và hợp chất giải phóng khí, tạo kết tủa, ... Nước cứng và chất làm mềm nước cứng.
Cô Hương cho biết, ở phần Nhôm và hợp chất, nhôm và hợp chất tác dụng được với chất, dung dịch chất nào giải phóng khí, tạo kết tủa, ... Tên gọi, công thức của hợp chất nhôm, ứng dụng. Đây là mức độ nhận biết trong chương trình lớp 12.
“Về phần này, bài tập chính là xác định kim loại nhôm, hợp chất của nhôm, tính toán lượng chất phản ứng, tạo thành, trừ dạng phản ứng tạo thành và hòa tan kết tủa”, cô Hương cho hay.
Sắt và hợp chất, cần xác định số oxi hóa, hóa trị của sắt trong hợp chất. Công thức, tên gọi của hợp chất sắt, ứng dụng. Tính chất hóa học: Tác dụng được với chất nào, tạo kết tủa, giải phóng khí, ...
Crom và hợp chất, xác định số oxi hóa của crom trong hợp chất. Công thức, tên gọi của hợp chất crom. Sự thay đổi màu sắc của dung dịch muối cromat, đicromat trong môi trường axit, môi trường kiềm.
Cô Hương thông tin: "Sự điện li Phân loại chất điện li mạnh, yếu; pH của dung dịch, tính bazơ, axit; Phản ứng trao đổi ion trong dung dịch. Đây là nội dung ở lớp 11 ở mức độ nhận biết".
Este và chất béo, phần lý thuyết nên nhớ tên gọi của este đơn giản từ 2C - 4C. Công thức, tên gọi của chất béo; công thức muối thu được khi thủy phân chất béo.
“Ở phần bài tập vận dụng và vận dụng cao, học sinh chú ý bài tập về hỗn hợp este, hỗn hợp hai este của ancol, hoặc của phenol tham gia phản ứng thủy phân, đốt cháy; tính lượng chất phản ứng, tạo thành. Bài tập về chất béo và axit béo: Tính toán lượng chất thông qua phản ứng thủy phân và đốt cháy hỗn hợp. Bài tập về hỗn hơp este: Xác định công thức, tính lượng chất thông qua 2, 3 loại phản ứng”, cô Hương nhấn mạnh.
Cacbohiđrat, ở mức độ nhận biết, học sinh lưu ý thành phần cấu tạo như: Số nguyên tử C, H, O. Phân loại (mono, đi, polisaccarit). Công thức phân tử, tính chất hóa học. ở mức độ thông hiểu xác định cacbohiđrat dựa vào trạng thái tự nhiên, điều chế, ứng dụng. Xác định phát biểu đúng/sai về tính chất vật lý, hóa học.
Phần bài tập Cacbohiđrat, đốt cháy hỗn hợp cacbohiđrat Cn(H2O)m (lưu ý đặc điểm số mol O2 phản ứng bằng số mol CO2 tạo thành); phản ứng tráng gương, lên men, cộng hiđro, thủy phân, phản ứng với HNO3.
Amin, amino axit, peptit, Môi trường của dung dịch amin, amino axit (làm quỳ tím hóa đỏ, hóa xanh). Tính chất hóa học; Cấu tạo phân tử: Số nguyên tử, số nhóm, số liên kết petit. Phần bài tập là xác định amin, amino axit, tính lượng chất phản ứng, tạo thành.
Polime và vật liệu polime, xác định polime được điều chế bằng phản ứng trùng hợp, trùng ngưng. Nhận diện được polime tổng hợp, nhân tạo, thiên nhiên. Xác định số polime có những điểm chung như phân loại (thiên nhiên, tổng hợp, nhân tạo), phương pháp điều chế (trùng hợp, trùng ngưng), cấu tạo (polieste, poliamit, mạch nhánh, không nhánh, mạng không gian).
Hiđrocacbon, ancol, phenol, anđehit, axit cacboxxylic, xác định hiđrocacbon làm mất màu dung dịch brom, tác dụng được với H2, AgNO3/NH3, ... Tính chất của các hợp chất hữu cơ từ hiđrocacbon đến axit cacboxylic: Phản ứng với Na, AgNO3/NH3, NaOH, ... Thí nghiệm hóa hữu cơ 11.
Theo cô Hương, ngoài ra còn có Tổng hợp kiến thức về kim loại: đại cương về kim loại, tính chất của kim loại và hợp chất. Bài tập về kim loại kiềm thổ, kiềm thổ: Xác định kim loại, tính toán lượng chất phản ứng, tạo thành.
Tổng hợp kiến thức về hóa hữu cơ: Xác định số phát biểu đúng/sai về este; cacbohiđrat; amin, amino axit, peptit, polime liên quan đến kiến thức thực tế.
Tổng hợp kiến thức hóa vô cơ: Xác định số phát biểu đúng/sai về phản ứng hóa học, tỉ lệ mol các chất tham gia, tạo kết tủa, khí, chất rắn, ...
Bài tập gồm Hỗn hợp kim loại, oxit, muối: Xác định chất, tính lượng chất thông qua hai giai đoạn phản ứng; khử oxit kim loại; sự biến thiên lượng kết tủa BaCO3, CaCO3 được biểu diễn bằng đồ thị; phi kim phản ứng với axit nitric...
Bài tập tổng hợp kiến thức vô cơ: Trong đó có dạng bài nhiệt phân muối: Xác định công thức muối, tính thành phần nguyên tố, lượng chất phản ứng, tạo thành.
Bài tập tổng hợp kiến thức về chất hữu cơ: Hỗn hợp chất hữu cơ axit, ancol, amin, ... tham gia các phản ứng thủy phân, đốt cháy, tính lượng chất phản ứng.”, đây là các dạng bài tập mức độ vận dụng cao trong hóa học.