Theo cấu trúc đề minh họa môn tiếng Anh do Bộ GD&ĐT công bố, số lượng câu hỏi là 50 câu. Trong đó, 70% là câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 30% câu hỏi ở mức vận dụng, vận dụng cao. Học sinh trung bình khá có thể đạt 5-6 điểm nếu làm tốt phần câu hỏi nhận biết, thông hiểu.
Cô Trang cho biết nắm được cấu trúc của đề thi là một trong những bước cơ bản nhất để biết cách phân bố thời gian ôn luyện cũng như thời gian làm bài sao cho hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy, trong thời gian ôn tập, thí sinh cần bám sát ôn luyện theo đề minh hoạ do Bộ GD&ĐT công bố.
Một số dạng bài thí sinh có thể làm được ngay gồm câu hỏi ngữ pháp, sửa lỗi sai, viết lại câu, nối câu, phát âm, trọng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa. Khi nhận đề thi, các em nên làm dạng bài dễ lấy điểm trước rồi chuyển sang dạng bài khó .
Dạng bài liên quan đến từ vựng, thí sinh cần tích luỹ kiến thức mới mỗi ngày. Cô Trang gợi ý buổi sáng là thời điểm thích hợp cho việc học thuộc, ghi nhớ từ vựng. Ngoài từ vựng trong sách giáo khoa, học sinh có thể xem các chương trình, phim truyền hình có phụ đề song ngữ.
Trong quá trình xem, hãy ghi chú lại những từ các em chưa biết và học thêm ít nhất 1 từ đồng nghĩa và trái nghĩa với từ mới. Nhờ vậy, các em có thể tích luỹ lượng lớn từ vựng bổ trợ cho quá trình làm bài thi, đặc biệt trong dạng bài tìm từ đồng, trái nghĩa.
Dạng bài sửa lỗi sai, viết lại câu và nối câu cũng tương đối dễ kiếm điểm vì những câu hỏi trong phần thi này đa phần liên quan đến kiến thức về ngữ pháp. Trong quá trình ôn tập, các em không nên bỏ qua các kiến thức ngữ pháp cơ bản gồm dạng cấu trúc đảo ngữ, giả định, điều kiện, mệnh đề quan hệ, cấu trúc bị động, trực tiếp, gián tiếp, vận dụng các liên từ theo các mối quan hệ đẳng lập hoặc chính phụ, nguyên nhân – kết quả… Khi đọc câu hỏi, thí sinh hãy chú ý đến ngữ pháp được sử dụng trong câu.
Bên cạnh đó, cô Trang nhận xét dạng bài phát âm, trọng âm cũng là “cơ hội” giành điểm trong bài thi. Khi học từ mới, thí sinh hãy luyện cách phát âm, nhấn nhá và chú ý các quy tắc đánh trọng âm. Nếu làm được điều đó, thí sinh hoàn toàn có thể bứt phá ở dạng bài này trong thời gian ôn luyện cấp tốc.
Ngoài ra, hãy học các mẹo làm bài cho từng phần thi. Đặc biệt chú trọng ngữ pháp bởi học sinh đã được tích lũy kiến thức trong suốt quá trình học phổ thông nên có thể điểm tuyệt đối.
Trong quá trình ôn tập, thí sinh nên lập thời gian biểu cho việc tự luyện môn tiếng Anh. Dành thời gian ôn tập cho môn học này và chia nhỏ thời gian đó cho những chủ điểm kiến thức khác nhau.
Ví dụ, nếu học sinh dành ra 3 tiếng mỗi ngày cho việc học tiếng Anh, hãy chia nhỏ thành 60 phút luyện đề, 30 phút chữa đề, 30 phút học từ mới và 60 phút để làm thêm các bài tập của các phần kiến thức mình hay sai khi làm đề (như từ vựng hoặc ngữ pháp). Tùy thuộc vào điểm yếu và điểm mạnh của bản thân, việc chia nhỏ thời gian ôn luyện cũng nên được điều chỉnh phù hợp với cá nhân học sinh.
Trong quá trình làm bài, học sinh cần đọc đề cẩn thận, tránh những lỗi sai không đáng có, hoàn thành phần dễ lấy điểm trong thời gian nhanh nhất có thể. Từ đó, các em có thể tiết kiệm thời gian cho những dạng bài khó hơn. Ở phần câu hỏi vận dụng, vận dụng cao, các em cần học kỹ về giới từ, từ vựng, các thì,… Nếu dịch được hết các câu, cơ hội đúng sẽ còn cao hơn nữa.