Ngâm rượu... “hung thần”
Anh Nguyễn S. (35 tuổi, ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM) là chủ nhân của hũ rượu ngâm cặp rắn lục đuôi đỏ. Rượu ngâm cặp rắn này có xanh lè trông rất hãi.
S. cho biết anh đập chết cặp rắn này cách đây 2 tuần ở công viên gần nhà: “Thấy chúng uốn éo trên cây, tôi dùng một cành cây dài gần 2 mét phang tới tấp. Mọi bận phang xong là tôi vứt sọt rác, nhưng mới đây có ông anh họ nói rắn lục đuôi đỏ rất bổ nên tôi ngâm rượu để dành lai rai”.
Khu bờ sông thuộc địa phận phường Thạnh Lộc, là nơi có nhiều người bắt gặp, đập chết và đem ngâm rượu rắn lục đuôi đỏ. Bà Nguyễn Thị Mỹ Ái (46 tuổi) là một trong số đó.
Lúc được hỏi thăm, bà Ái chạy vào nhà lấy ra hũ nhựa bên trong lổn ngổn mấy "hung thần" đuôi đỏ bị đập bẹp đầu. Hỏi về tác dụng, bà phán ngay: “Nghe nói ngâm đúng 100 ngày là dùng được. Uống trị nhức mỏi hay lắm!”.
Rắn lục đuôi đỏ là loài độc nhất trong họ rắn lục gồm rắn lục núi, rắn lục mũi hếch, rắn lục tre. Nếu như 3 giống rắn lục trên đẻ trứng ấp nở con, nọc độc không gây chết người, phạm vi phân bố hẹp thì rắn lục đuôi đỏ hoàn toàn trái ngược.
Rắn lục đuôi đỏ hung dữ, nguy hiểm là vậy. Thế nên việc người dân thận trọng và chủ động tiêu diệt để loại trừ hiểm họa là điều cần khuyến khích. Nhưng liệu có nên dùng loại rắn này ngâm rượu? Có không ít người tỏ ra nghi ngại.
Đâu là sự thật
Y sinh Tuệ Lâm (Trường y học cổ truyền Lê Hữu Trác tại TPHCM) cho biết: như các loài rắn lục khác, rắn lục đuôi đỏ cũng có giá trị dược liệu và được ngành y học cổ truyền dùng để chữa nhiều chứng bệnh: “Bộ phận dùng của rắn lục đuôi đỏ gồm thịt, da, mật, mỡ. Thịt rắn lục có vị ngọt mặn, được dùng trị chứng bế kinh. Mật rắn lục dùng trị chứng lang ben, mỡ trị bỏng. Riêng da rắn được dùng chữa viêm da thần kinh, ghẻ ngứa, bệnh nhiệt thán”.
Chứng bệnh nhiệt thán được đề cập chính là... bệnh than. Tiến sĩ sinh học Võ Văn Chi trong “Từ điển Động vật và khoáng vật” cũng đề cập đến các tác dụng chữa trị trên của rắn lục đuôi đỏ. Không những thế, tiến sĩ Chi còn ghi thịt rắn lục đuôi đỏ chữa các chứng “khó đẻ, tắc mạch máu, viêm phổi, đau nóng vùng ngực”.
Trò chuyện với một số thầy thuốc y học cổ truyền khác, chúng tôi cũng ghi nhận được tác dụng chữa trị trên của rắn lục đuôi đỏ. Tuy nhiên, lương y Nguyễn Trọng Bá (tỉnh Đồng Nai) lưu ý, khi dùng rắn làm thuốc phải bỏ nội tạng, xác rắn trước khi ngâm rượu phải phơi khô chứ không ngâm tươi.
Về việc uống rượu ngâm rắn lục đuôi đỏ để được “sung lực”, các lương y cho biết thông tin trên không chuẩn xác, phi thực tế. Khi tra cứu nhiều y văn đề cập đến việc dùng rắn lục chữa bệnh, chúng tôi cũng không ghi nhận tác dụng chữa trị này.
“Rắn lục đuôi đỏ là vị thuốc và vì là thuốc nên khi không rõ rành, khi không đau bệnh, mọi người tuyệt đối không tự ý sử dụng mà phải có sự tham vấn của các thầy thuốc chuyên môn” - y sinh Tuệ Lâm lưu ý.