Ổn định tâm lý giúp học sinh ôn thi tốt nghiệp

GD&TĐ - Trước nhiều tác động ảnh hưởng đến tâm lý học sinh 12, hiện các nhà trường đang nỗ lực bổ sung 'sức đề kháng' để các em sẵn sàng bứt tốc ôn thi.

Học sinh lớp 12, Trường THCS - THPT Quài Tở.
Học sinh lớp 12, Trường THCS - THPT Quài Tở.

Mỗi trò một nỗi lo

Hiện nay, các nền tảng số, như: Google, Facebook, Tiktok, Instagram,… không chỉ đáp ứng nhu cầu về giải trí và giao tiếp mà còn trở thành lựa chọn hàng đầu trong việc tra cứu thông tin.

Cũng như nhiều học sinh cuối cấp, thời gian này em Trần Văn Việt lớp 12C1, Trường THPT Thanh Chăn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) thường xuyên lên mạng tra cứu thông tin phục vụ học tập và giải trí. Đặc biệt, em quan tâm nhiều hơn tới các tin tức xoay quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác ôn tập, chọn trường, ngành nghề…

Việt thừa nhận, trước rất nhiều nguồn thông tin khác nhau tràn lan trên các trang mạng xã hội, đôi lúc em cảm thấy hoang mang và không biết lựa chọn thông tin nào.

“Ở thời điểm hiện tại, phần đa các thông tin về trường và nghề em đều tìm hiểu qua mạng. Cũng một ngành nghề nhưng có nhiều trường khác nhau nên em hơi khó khăn khi đưa ra lựa chọn phù hợp”, Việt chia sẻ.

Còn em Lò Văn Thắng, lớp 12C3, Trường THCS - THPT Quài Tở, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) nuôi ước mơ trở thành bộ đội từ nhỏ. Suốt những năm theo học THPT, Thắng đầu tư học tập và theo đuổi khát vọng thi vào trường quân sự.

Một giờ học của cô và trò lớp 12C2, Trường THCS - THPT Quài Tở.

Một giờ học của cô và trò lớp 12C2, Trường THCS - THPT Quài Tở.

Với mục tiêu đặt ra, em không chỉ học tập trên lớp, ở nhà mà còn tự mua các gói học online, bài giảng điện tử trên mạng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi tìm hiểu thông tin cụ thể về điều kiện vào học tại các trường quân sự, em lại trở nên hoang mang hơn.

“Em có người chú mắc tệ nạn xã hội. Đọc nhiều nguồn thông tin khác nhau, có chỗ nói là như vậy thì không được vào công an, bộ đội. Nhưng nơi khác lại bảo là họ hàng xa không xét. Em rất buồn và có thời điểm bị mất mục tiêu học tập. May mà có thầy cô động viên, định hướng kịp thời”, Thắng bộc bạch.

Cùng lớp với Thắng, em Bạc Cầm Thái cũng từng có thời điểm nảy sinh ý định bỏ học. Theo Thái chia sẻ, thì hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Bố mẹ chia tay, em sống cùng ông, bà. Không chỉ thiếu đi tình yêu thương, sự chăm sóc, Thái còn nỗi lo về kinh tế khi ông bà đều già yếu, không đủ sức lao động.

Từ sau Tết Nguyên đán vừa qua, Thái nuôi ý định nghỉ học đi làm kiếm tiền. Đặc biệt là khi áp lực ôn tập nhiều hơn. Trong khi những thông tin tuyển dụng lao động với các điều kiện hết sức dễ dàng lại tràn lan trên mạng xã hội.

“Chủ yếu là họ tuyển công nhân đi lao động tay chân, làm phụ hồ… Vừa có thu nhập luôn lại không cần phải bằng cấp, giấy tờ. Nhưng khi nghe cô giáo chủ nhiệm phân tích, hỗ trợ thì em phần nào hiểu ra và cam kết sẽ tập trung ôn thi tốt nghiệp xong thì sẽ tính tiếp”, Thái giãi bày.

Giờ ôn tập môn Toán của cô và trò lớp 12C1, Trường THPT Thanh Chăn.

Giờ ôn tập môn Toán của cô và trò lớp 12C1, Trường THPT Thanh Chăn.

Tăng “sức đề kháng” cho tâm lý

Với kinh nghiệm chủ nhiệm khối 12 nhiều năm, thời gian này cô giáo Lò Thanh Mùi, Trường THCS - THPT Quài Tở, huyện Tuần Giáo chọn cách đồng hành cùng học sinh trong mọi hoạt động. Cô Mùi cho hay: Cả lớp có 44 học sinh thì 44 hoàn cảnh khác nhau. Trong đó, có đến 50% là bố mẹ đi làm ăn xa, khoảng 20% có kinh tế đặc biệt khó khăn…

“Ở thời điểm này, tâm lý một số em dễ dàng dao động, xáo trộn. Phần vì hoàn cảnh gia đình, sự thiếu quan tâm của bố mẹ, cùng với áp lực trong học tập. Chính vì vậy, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì chúng tôi càng phải tăng cường theo sát, trấn an, ổn định tâm lý cho học sinh”, cô Mùi chia sẻ.

Để làm được điều này, cô Mùi thường xuyên trò chuyện cùng học sinh nhằm kịp thời nắm bắt mọi thay đổi về tâm lý. Đồng thời phối hợp nhịp nhàng cùng các giáo viên bộ môn, thông qua nhóm zalo của lớp. Dựa trên những nguồn thông tin này, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, cô sẽ gặp gỡ riêng học sinh hoặc tìm đến tận nhà để chia sẻ, tháo gỡ.

“Với học sinh xa bố mẹ, chủ yếu là tôi dành thời gian quan tâm, sẻ chia để các em được động viên về tinh thần. Còn những trường hợp khó khăn về kinh tế thì sẽ tìm cách kết nối các nguồn hỗ trợ, đồng hành. Riêng lớp tôi chủ nhiệm năm nay có 4 học sinh khó khăn được hỗ trợ hàng tháng với mức 900 nghìn đồng/em. Còn lại đa phần là các đồ dùng thiết yếu…”, cô Mùi cho hay.

Cô giáo Lò Thanh Mùi, Trường THCS - THPT Quài Tở gặp gỡ, chia sẻ, ổn định tâm lý cho học sinh lớp 12C3.

Cô giáo Lò Thanh Mùi, Trường THCS - THPT Quài Tở gặp gỡ, chia sẻ, ổn định tâm lý cho học sinh lớp 12C3.

Theo cô Mai Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thì đây là chủ trương chung được ban giám hiệu quán triệt đến từng giáo viên. Đặc biệt là các thầy cô làm công tác chủ nhiệm.

“Sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm và bộ môn trong việc nắm bắt kịp thời tâm lý học sinh. Từ đó, có sự trao đổi, chia sẻ, tháo gỡ phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững tâm lý cho các em ở giai đoạn đặc biệt này”, cô Hương nói.

Tại Trường THPT Thanh Chăn, huyện Điện Biên năm nay có hơn 270 học sinh lớp 12. Trong đó, chỉ có trên 30 em xác định theo tổ hợp khối Khoa học tự nhiên.

Cô giáo Nguyễn Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Phần đa các em đều ổn định tâm lý theo đuổi khối ngành đã lựa chọn. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp dao động do tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau.

“Những nội dung này có thể sẽ khiến học sinh chênh vênh, mất phương hướng hoặc ảnh hưởng đến thời gian ôn luyện. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn tâm lý giữa lựa chọn của các em ở hiện tại và quyết định đã được xem xét cẩn thận trong thời gian dài trước đó. Đứng trước vấn đề này, không chỉ nhà trường mà cả gia đình cần đồng hành để hỗ trợ, định hướng cho các em. Về phía nhà trường, nhiều năm nay chúng tôi đã duy trì phối hợp với các trường chuyên nghiệp để tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh”, cô Thủy cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên: Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đã được ngành chủ động xây dựng bài bản ngay từ khâu thông tin, truyền thông cho đến xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học, ôn tập…

“Tháng 5 và đầu tháng 6 tới là thời điểm vàng để thầy trò cùng tăng tốc ôn luyện. Tuy nhiên, chủ trương của chúng tôi không tạo ra áp lực mà mang đến cho các em sự tự tin hơn. Bằng việc hệ thống lại kiến thức đã học, thuần thục ứng biến với các dạng đề trong chương trình, các dạng đề nâng cao. Bên cạnh đó là động viên, tháo gỡ mọi khó khăn để học sinh ổn định tâm lý, bình tĩnh, tránh mệt mỏi, hoang mang về tâm lý để yên tâm bước vào kỳ thi quan trọng”, ông Đoạt cho hay.

Năm học này, Điện Biên có hơn 6.000 học sinh lớp 12. Thống kê qua các lần thi thử, hơn 4,3% học sinh THPT, 15,2% học viên giáo dục thường xuyên có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Dựa trên việc phân tích kết quả này, ngành Giáo dục Điện Biên và các đơn vị nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập, phù đạo hợp lý cho từng đối tượng. Trong đó, chú trọng ổn định tâm lý để các em không quá lo lắng về kết quả và yên tâm rèn luyện, ôn tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.