Ôm “Giấc mơ sông Thương” trở lại văn đàn

GD&TĐ - “Vắng bóng” trên văn đàn hơn 20 năm, đầu năm 2018 này, Tổng Giám đốc Công ty Taxi tải Thành Hưng bất ngờ “tái xuất” văn đàn bằng tập “Tuyển văn Nguyễn Phúc Lộc Thành” và trình làng 3 tập thơ lục bát “Giấc mơ sông Thương” được coi là mới lạ và ám ảnh.  

18 bức tranh minh họa cho “Giấc mơ sông Thương” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
18 bức tranh minh họa cho “Giấc mơ sông Thương” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Người tài với những danh xưng

Nhiều người bảo không biết nên gọi Nguyễn Phúc Lộc Thành là gì cho đầy đủ? Nhà văn? Nhà thơ? Doanh nhân?

Có thể nhiều người biết đến anh qua thương hiệu Taxi tải Thành Hưng với vai trò là người sáng lập và ông chủ của thương hiệu này. Nhưng giờ đây, sau hơn 20 năm vật lộn với thương trường, ông chủ hãng Taxi tải Thành Hưng gác lại việc kinh doanh, rời vị trí tổng giám đốc để toàn tâm với con đường văn chương mà anh đã nuôi khát vọng từ thời trai trẻ.

Theo dõi Facebook của anh trong một năm qua, nhiều bạn văn, bạn nghề ngạc nhiên, thán phục trước sự sáng tạo và nguồn thi hứng tràn trề của anh. Người mẫn cảm đã nhìn thấy được tính tất yếu trong sự trở lại của anh và coi đó như một cái duyên không dứt với nghiệp văn thơ, với bản ngã đã ăn sâu trong con người anh.

Giám đốc NXB Hội Nhà văn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều - người có biệt tài viết báo, làm thơ, vẽ tranh đã nhìn thấy trong những bài thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành sức sáng tạo đột phá. “Khi đọc những bài thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành, những bài thơ đầu tiên trong quyển 1 của Giấc mơ sông Thương, tôi đã dừng công việc sáng tác tập thơ về làng Chùa lại.

Tôi cảm giác rằng những bài thờ lục bát của mình đã trở thành cũ mèm trước những bài thơ tinh khôi, mới mẻ, đa sầu đa cảm của Nguyễn Phúc Lộc Thành”. Trong dòng sông cảm xúc dâng đầy từ câu từ, tứ thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành vây bủa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tự nguyện vẽ 18 phụ bản minh họa cho tập thơ… Và sự cộng hưởng của hai người đã đưa những sáng tạo hội họa của Nguyễn Quang Thiều lên một tầm cao mới, được nhiều họa sĩ thừa nhận chứ không chỉ đóng vai trò là minh họa thơ.

Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
  • Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Độc, lạ và ám ảnh

“Những điều mà Nguyễn Phúc Lộc Thành làm cho chúng ta đều hiển lộ trong tập thơ của anh. Tôi nghĩ không còn cách biểu đạt nào hơn nữa rằng thi ca thay ta nói những điều tốt đẹp nhất. Giới thiệu tập thơ này, chúng tôi muốn minh chứng một điều thi ca không bao giờ rời bỏ con người, cho dù có lúc, chúng ta phải sống trong tăm tối, trong niềm thất vọng thậm chí tuyệt vọng của đời sống mà chúng ta đang sống…” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Cũng là lục bát, nhưng không phải là lục bát truyền thống. Lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành mang hơi thở cuộc sống đương đại vô cùng mới mẻ với cách ngắt nhịp hoàn toàn sáng tạo.

Nguyễn Phúc Lộc Thành đã trình làng một thể lục bát mới lạ trong cách ngắt nhịp, nhả chữ với thi ảnh, ngôn từ “độc, lạ, ám ảnh”.

  • Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành sinh năm 1964 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 5 Trường ĐH Viết văn Nguyễn Du (1993 - 1997). Tác giả từng ghi được dấu ấn trên văn đàn với các tác phẩm văn xuôi “Cõi nhân gian” (tiểu thuyết, 1994), “Táo vàng tục lụy” (tập truyện ngắn,1996), “Tuyển văn Nguyễn Phúc Lộc Thành” (2018).
  •  
  • Nhà thơ đã được tặng các giải thưởng như: Giải Nhất cuộc thi viết truyện ngắn của Hội Văn học nghệ thuật tại Liên Xô năm 1990, Chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 1994 cho tiểu thuyết “Cõi nhân gian”.

Mỗi tập trong “Giấc mơ sông Thương” anh chỉ viết trong thời gian vài tháng. Điều đó khiến nhiều nhà thơ lớn, các nhà phê bình nổi tiếng cũng vô cùng ngạc nhiên, thán phục. Nhưng càng đọc kỹ, độc giả và người yêu thơ càng nhận thấy được rằng tập thơ là kết quả của một quá trình dài lao động trí óc nghiêm khắc đầy tính kỷ luật và bằng cái tâm đau đáu tình người, tình đời của những trải nghiệm vô giá.

Chắc chắn trong thời gian tới, “Giấc mơ sông Thương” của Nguyễn Phúc Lộc Thành sẽ được dư luận trong giới và người yêu văn chương trong cả nước quan tâm và phân tích, lật xới từ nhiều góc độ tiếp cận của thi pháp và nhiều trường cảm xúc khác nhau.

“Giấc mơ sông Thương” mang dấu ấn sáng tạo rất riêng, đặc sắc, là tiếng nói góp mặt trở lại văn đàn đầy ngoạn mục của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành sau 20 năm gác bút mưu sinh. Làng văn đang đặt kỳ vọng về một sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa từ bút lực Nguyễn Phúc Lộc Thành ở những sáng tác tiếp nối.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ