Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ qua trò chơi dân gian

GD&TĐ -  Nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lao động ngày càng trở nên cấp thiết. Để có nguồn lao động đáp ứng được yêu cầu xã hội, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Giáo dục hết sức nặng nề. 

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ qua trò chơi dân gian

Bên cạnh thành tựu to lớn ngành GD - ĐT đạt được từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương hai (khóa VIII), vẫn còn tồn tại những hạn chế, trong đó vấn đề giáo dục kĩ năng sống (GDKNS) cho trẻ được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Coi trọng cả dạy chữ lẫn dạy người

Việc trang bị kiến thức và rèn luyện KNS để trẻ có thể đối phó với các tệ nạn xã hội, áp lực cuộc sống, thích ứng và làm chủ hoàn cảnh sống, trang bị hành trang vào đời cho các em ngày càng trở nên cấp bách ở các trường phổ thông.

Trong thực tế thì lâu nay của chúng ta thường chỉ coi trọng dạy chữ, ít dạy người (nhất là KNS), nặng về lí thuyết, nhẹ về thực hành mà ít có những hoạt động ngoại khóa, qua đó để HS được “học mà chơi, chơi mà học”, được “xung đột”, “va chạm” với những tình huống cụ thể từ đó rèn luyện KNS. Bên cạnh những hành vi như: Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, trầm cảm, thậm chí tự tử… mà nguyên nhân được cho là thiếu KNS thì trong cuộc sống, trẻ thường thiếu tự tin khi giao tiếp với người lạ, ngại va chạm, không dám trình bày chính kiến của mình trước đám đông chiếm một tỉ lệ rất lớn, nhất là ở vùng nông thôn. Nhiều HS học giỏi, điểm số cao nhưng KNS lại rất yếu.

Trong thực tế thì nhiều trẻ khi còn trong trường học không giỏi, thậm chí còn nghịch ngợm, nhưng lại thành đạt trong cuộc sống và được giải thích là do có KNS tốt. Nhiều công trình nghiên cứu cũng đã chỉ ra điều này.

Những năm gần đây, ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều chuyên đề về GDKNS cho HS phổ thông, nhiều trường cũng đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên kết quả còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân còn thiếu sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình trong việc “dạy người” cho trẻ.

Vừa học vừa chơi mà hiệu quả thật

Để giải quyết các vướng mắc trên, xin được giới thiệu một cách làm hiệu quả mà ít tốn kém đã được áp dụng thành công trong thực tế, đó là GDKNS thông qua tổ chức trò chơi dân gian. Điều này không mới, trong Chỉ thị 40 của Bộ GD&ĐT về xây dựng trường học thân thiện trẻ tích cực cũng đã nêu. Vấn đề là làm sao cho hiệu quả.

Để đẩy mạnh GDKNS, ngoài việc các em được GDKNS, nhiều trường cũng như các gia đình đã coi trọng hoạt động thực tiễn, với những hình thức phù hợp, sáng tạo để thu hút các em như: Tổ chức chuyên đề “GDKNS cho HS qua hoạt động giáo dục ngoài giờ”, tổ chức biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian; mời cựu chiến binh nói chuyện về anh bộ đội cụ Hồ, thăm viếng quét dọn nghĩa trang liệt sĩ, hoạt động về nguồn, tổ chức phát thanh “Măng non” tạo điều kiện cho HS rèn luyện kĩ năng quan sát, phân tích, tổng hợp… thành lập và tạo điều kiện cho trẻ tham gia các CLB như: CLB Em yêu dân ca, CLB Em yêu văn thơ, CLB Em yêu môn Toán…

Cốt lõi của vấn đề là làm sao để việc vui chơi trở thành nhu cầu của trẻ, thường xuyên trong năm, qua đó để GDKNS một cách thường xuyên, liên tục theo đúng bản chất của vấn đề này. Nhưng làm như thế nào để đông đảo HS vào cuộc và chơi thường xuyên, nhà trường nên “tổ chức thi trò chơi” (mỗi năm 2 lần) để kích thích HS luyện tập. Lâu nay các em đã chơi, nay chơi nhiệt tình hơn, đông đảo hơn để giành thứ hạng cao trong thi đấu.

Cuộc thi “trò chơi dân gian” phải trở thành ngày hội lớn nhất trong năm cho HS toàn trường hoạt động. Tất cả tạo nên một luồng sinh khí mới cho thầy và trò, khiến mọi người thêm yêu lớp, yêu trường. KNS của các em được rèn luyện thường xuyên và nâng lên rõ rệt, trẻ thêm yêu trường lớp và gia đình; mối quan hệ bạn bè, thầy trò, con cái và cha mẹ được cải thiện rõ rệt, nhiều trẻ vốn nhút nhát nay thêm phần tự tin.

Việc GDKNS cho trẻ là “tổng hòa” nhiều biện pháp, tổ chức trò chơi dân gian chỉ là một cách làm nhỏ, nhưng hi vọng sẽ góp phần làm phong phú thêm biện pháp thực hiện mà các trường đang tiến hành, nhằm đào tạo nên lớp người lao động mới “vừa hồng, vừa chuyên”.