Odense - “Thủ đô cổ tích” của thế giới

GD&TĐ - Nhà văn Hans Christian Andersen đã viết những câu chuyện làm say mê trẻ em thuộc nhiều thế hệ. Các tác phẩm của ông vẫn được thể hiện trên sân khấu và màn ảnh rất lâu sau khi chúng được sáng tạo vào thế kỷ 19.

Khu vực Bảo tàng HC Andersen’s Hus.
Khu vực Bảo tàng HC Andersen’s Hus.

Ngày nay, những dấu ấn của ông vẫn còn in đậm nét nơi thành phố Odense, “thủ đô cổ tích” của thế giới.

Bảo tàng cổ tích

Sau nhiều năm xây dựng với dự án đầy tham vọng, một bảo tàng trị giá 64 triệu USD đã được mở cửa tại thành phố Odense, Đan Mạch, quê hương của nhà văn Hans Christian Andersen.

Sự hấp dẫn của nó, như Giám đốc sáng tạo Henrik Lübker của bảo tàng nói, không phải là bia tưởng niệm cho thời đại đã qua của Andersen, mà là “sự tôn kính của thế giới đương đại đối với các câu chuyện cổ tích”.

Khai trương vào ngày 30/6, HC Andersen’s Hus, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Nhật Kengo Kuma, đã thể hiện các câu chuyện cổ tích của nhà văn, thông qua một loạt các cấu trúc, âm thanh, ánh sáng phức tạp cả trong và ngoài.

Lübker nói: “Thế giới cổ tích không phải là tuyến tính, mà là một đường cong, nó che giấu mọi thứ với bạn. Đó là cách bảo tàng thể hiện, thông qua những không gian và đường cong bí mật để bạn phải luôn đoán”.

Trong một tác phẩm sắp đặt nhắc lại việc “Nàng tiên cá” khao khát được trở thành một phần của thế giới bên trên, du khách nhìn lên bầu trời qua một bể nước trong suốt. Ở tầng trên cùng của bảo tàng, mọi người có thể tạo ra ma dược, biểu diễn múa rối, xây tổ thiên nga hoặc đội tóc giả do thợ cắt tóc trong vai nhân vật cổ tích thực hiện.

Tuy nhiên, tham vọng thực sự của bảo tàng là truyền niềm tin vào trí tưởng tượng. Dame Marina Warner, một tiểu thuyết gia, nhà thần thoại học và là Chủ tịch của Hiệp hội Văn học Hoàng gia cho biết: “Truyện cổ tích mở ra khả năng biến đổi trong thế giới thực của người đọc. Những điều tồi tệ xảy ra nhưng luôn được khắc phục. Có sự khích lệ lớn lao trong chính câu chuyện cổ tích”.

Một góc thành phố Odense.
 Một góc thành phố Odense.

Dấu ấn trong thành phố

Với trung tâm thành phố sôi động, những khu cây xanh, nhiều cộng đồng năng động, và nhờ chính sách thúc đẩy tăng trưởng đầy tham vọng của mình, Odense - nơi sinh sống của 200 nghìn dân đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố thông minh, “thủ đô cổ tích” của thế giới.

Sinh năm 1805, Andersen lớn lên ở Odense, cách Copenhagen hai giờ lái xe về phía Tây. Những con phố ở đây đã truyền cảm hứng cho ông sáng tạo những tác phẩm vĩ đại. Khi băng qua một quảng trường hoặc tham dự một lễ hội ở thành phố lớn thứ ba này của Đan Mạch, trí tưởng tượng của bạn sẽ được khơi dậy.

Đó là sự thể hiện hoàn hảo của một “thành phố giả”, với những tháp chuông hình mũ phù thủy, những con đường quanh co, những ngôi nhà phố màu phấn, những khu vườn thượng uyển và một cung điện trắng như tuyết.

Câu chuyện về Odense, nằm trên đảo Fyn, đọc giống như một chuyện cổ tích Bắc Âu. Fyn là nơi có khoảng 123 lâu đài và trang viên, bao gồm cả Lâu đài Egeskov 450 năm tuổi, một công trình yêu thích của Andersen vì những mê cung có hàng rào hình học của nó.

Theo truyền thuyết, thành phố thời Viking là quê hương của Odin, vị thần của trí tuệ, chiến tranh, thơ ca và ma thuật. Dọc theo các bờ sông có các thành lũy, pháo đài được xây dựng nhằm bảo vệ thành phố chống lại những kẻ xâm lược từ ngoài biển.

Tàn tích của những pháo đài này nằm bên dưới thành phố, cũng như hài cốt của vị vua Viking cuối cùng của Đan Mạch, Canute IV, người đã bị sát hại tại Nhà thờ St. Alban của thành phố vào thế kỷ 11.

Đi theo những con đường rải sỏi nơi ghi đậm dấu ấn tuổi thơ của Andersen, bạn sẽ khám phá Eventyrhaven (nghĩa đen là Khu vườn Cổ tích), với hàng rào được cắt tỉa, giàn dây leo và những cây cầu. Hoa  violet, hoa tulip tím, hoa chuông và hoa ban trắng bao phủ cả khu vườn.

Gần đó, một con đường điêu khắc lấy cảm hứng từ truyện cổ tích của Andersen bắt đầu với tượng đồng của nhà văn bên sông Odense, trước khi uốn lượn với các tác phẩm trong quá khứ của một chiếc thuyền giấy, những con bướm bảy sắc cầu vồng, những con thiên nga hoang dã, một con ngựa biển, người chăn cừu, quét ống khói, và một nàng tiên cá nhỏ nhắn. Theo một nghĩa nào đó, thành phố hoạt động như một tập bản đồ các nhân vật tưởng tượng của Andersen.

Lướt nhanh qua một sân nhỏ với hình giống cái phễu quá khổ màu đỏ sẽ đưa bạn đến Tinderbox, một trung tâm nghệ thuật văn hóa, nơi trẻ em có thể sống lại những câu chuyện cổ bằng cách trở thành nhân vật yêu thích. Đèn neon chiếu sáng các sân khấu bằng gỗ, mang đến cho thế giới trở nên sống động với trang phục, đạo cụ và đồ trang điểm.

Điểm dừng tiếp theo là Sortebrødre Torv (Quảng trường của người lính đen), nơi những người nông dân tụ tập để bán nông sản vào mỗi thứ Tư và thứ Bảy hằng năm.

Người ta có cảm giác thành phố nhỏ ở miền Nam Đan Mạch này đã pha trộn thực tế với tưởng tượng một cách hoàn hảo, đến mức cư dân của nó dường như tồn tại ở cả hai thế giới.

“Nhiều du khách nghĩ rằng đây chỉ là những mô hình đầy màu sắc”, một cư dân địa phương chia sẻ khi được hỏi về những ngôi nhà như trong truyện cổ tích. “Trên thực tế, đây là khu dân cư, nơi mọi người  sinh sống”.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.