Con trai chị giờ đã học cấp hai. Một lần vui chuyện bé bảo: “Con thích mẹ lúc này hơn”. Chị hỏi lại: “Thế mẹ lúc con không thích là khi nào?”. “Hồi đó mẹ hay quát mắng vô cớ” – con đáp.
Chị ngẩng người ra. Bấy lâu nay chị không nghĩ nhiều về điều đó, cũng có khi nhận ra mình hay nổi nóng với con cái nhưng rồi chị cũng cho qua. Một ngày, có bao nhiêu mệt mỏi từ việc cơ quan đến chuyện nhà.
Mẹ chăm hai con mọn có bao giờ ngơi tay, thong thả. Con mải chơi game không chịu tắm rửa ăn cơm, chị quát. Con đi học về thấy điểm kém, chị mắng. Con không chịu ngủ sớm hay xem tivi chị cũng rầy la. Nói chung, không ngày nào chị không lớn tiếng với bé. Thành thói quen.
Có nhiều điều chỉ khi con nói ra ba mẹ mới giật mình nhận ra mình đã không để tâm đến cảm xúc của con. |
Thế nhưng, chị không ngờ rằng điều đó vô tình ảnh hưởng đến tâm lý con nhỏ. Bé sợ mẹ mắng đến mức có những hôm đi học bị bạn bè bắt nạt về nhà cũng không dám nói. Có lần bị bạn đánh trầy tay, sợ mẹ la nên về đến nhà thằng bé lật đật ôm cặp vào nhà tắm, bôi…kem đánh răng lên (không biết ai bày), tắm rửa xong lấy áo dài tay mặc dù ngày trời nóng. Mãi đến bây giờ con mới nói cho chị biết hồi đó rất sợ mẹ.
“Ở trường cô mắng bạn đánh về nhà mẹ lại hay quát. Con có dám nói gì đâu” – giọng con trai hồn nhiên mà chị nghe xong cứ ngồi lặng đi. “Giờ nghĩ lại mới thấy, mình cái gì cũng lo cho con chu toàn mà sao việc trò chuyện để thấu hiểu con lại không để tâm. Hối hận cũng đã muộn, bé đã lớn hơn nhiều rồi, tâm lý cũng vững vàng hơn, đến trường đã không còn để cho bạn bè bắt nạt. Nhưng cứ nghĩ cảnh con ngày xưa một mình chịu đựng mọi thứ mà muốn rớt nước mắt” – chị tâm sự.
Cha mẹ cần lắng nghe con cái để giúp trẻ xây dựng sự bình an và lòng tin vào cha mẹ. |
Bây giờ, chị dành thời thủ thỉ với các con mỗi đêm. Chị học cách ghìm mình lại, có không vui gì ở công việc cũng không mang về nhà. Không đổ lỗi vì mình quá tất bật mỗi ngày mà thiếu quan tâm chia sẻ với con cái.
“Trẻ nhỏ luôn phản ánh đúng tính cách của người lớn, chỉ có điều chúng rất ít khi nói ra. Có lần tôi hỏi con: sau này lớn lên con muốn trở thành một người như thế nào? Con trả lời: "Con muốn được thông minh giống ba, cái gì cũng biết nhưng không phải là người làm biếng. Đi làm về nhất định không nằm dài coi tivi đọc báo hay cầm điện thoại bấm bấm. Mai mốt lấy vợ con cũng chọn người nào nấu ăn ngon giống mẹ nhưng đừng thường xuyên mắng mỏ la hét con cái vô cớ” – chị kể. Nghe lời con trẻ vừa buồn cười vừa phải giật mình nhìn lại.
Cha mẹ có bao giờ biết mình có điểm gì không tốt trong mắt trẻ thơ mà tìm cách khắc phục không?
Sự đồng hành của ba mẹ là món quà tuyệt vời giúp con trưởng thành. |
Diễn viên Hoàng Mập từng kể, anh luôn tìm cách trò chuyện để biết tâm tư con gái như thế nào. “Tâm lý trẻ đôi khi rất khó nắm bắt, nhưng chỉ cần mình tạo sự tin cậy an toàn cho con là các con sẽ tự nguyện chia sẻ mọi vấn đề vướng mắc với mình” – Hoàng Mập nói.
Bằng cách này, anh đã luôn hiểu được những khó khăn con gặp phải ở trường, những mong ước ở độ tuổi trưởng thành. Thấu hiểu để biết cách giúp con dung hòa và biết cách giải quyết được những vấn đề xung quanh.
“Hồi đó ba mẹ đều bận rộn đi làm, tôi đi học bị bắt nạt về nhà cũng không có ai để méc. Suýt nữa trở thành trẻ tự kỷ. Thật ra, trẻ con cũng có những vấn đề “lớn” mà với người trưởng thành đó chỉ là chuyện nhỏ xíu. Nhưng nếu không được giải tỏa, tâm lý trẻ sẽ rất dễ bị tổn thương” – diễn viên trẻ Thùy Dương chia sẻ. Rút kinh nghiệm bản thân, giờ "mẹ Dương" luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu con gái nhỏ.
Cha mẹ đừng bao giờ bỏ quên cảm xúc của con. Hãy luôn cố gắng trò chuyện với con sau những buổi tan trường hay thủ thỉ cùng con trước khi đi ngủ. Thấu hiểu con cái để giúp trẻ sớm vượt qua được những vấn đề riêng - điều này cần cho suốt quá trình con trẻ trưởng thành.