Bác sĩ cứu thầy mo!
Trạm y tế xã Gary (Tây Giang, Quảng Nam) tuy chỉ là dãy nhà gỗ lụp xụp, nhưng luôn có đông người dân vùng biên giới hai nước Việt – Lào đến khám và chữa bệnh. Bríu Kim - 36 tuổi, người dân tộc Cơ Tu là bác sĩ đầu tiên ở xã vùng biên nghèo này.
Năm 2007, Kim tốt nghiệp Đai học y khoa Huế và về quê nhận công tác. Được đào tạo bài bản, Kim và cán bộ trạm đã cứu sống, chữa trị nhiều ca bệnh hiểm nghèo cho dân làng.
Câu chuyện bác sĩ Bríu Kim trực tiếp cứu chữa cho một thầy mo ở Gary vẫn còn lưu truyền đến nay. Đầu năm 2008, một thầy mo ở thôn Da Zing lên cơn đau bất ngờ.
Gia đình tổ chức cúng bái linh đình hơn 1 ngày nhưng thầy mo vẫn không hết đau. Hay tin, Kim lặn lội tìm đến, thuyết phục mãi gia đình mới đồng ý cho khám.
Qua thăm khám và chẩn đoán, Bríu Kim xác định thầy mo bị viêm dạ dày cấp. Anh vận động gia đình đưa thầy mo lên trạm y tế xã để điều trị.
Hơn một tuần sau, thầy mo khỏe mạnh về làng trong ngạc nhiên của mọi người. Người dân Gary chuyền tai nhau về việc Kim đuổi được “con ma” cho thầy mo nên nhiều người tin tưởng và tìm đến trạm nhiều nhiều hơn.
A Lăng Thương năm này tròn 18 tuổi, là thiếu nữ xinh đẹp nhất thôn Glao. Nhưng ít ai biết, cách đây 3 năm, vì gia đình cấm đoán việc yêu đương nên Thương đã ăn lá ngón tự tử. Gia đình phát hiện, đem ngâm em ở khe suối.
Hay tin, bác sĩ Kim không quản đường xa mang theo trang thiết bị y tế để kịp thời cứu sống Thương. Nhắc lại chuyện cũ, Thương ngại ngùng: “Lúc đó em còn nhỏ dại quá. Ăn lá ngón vào ruột gan như lửa đốt, may mà có bác Kim nên em mới được sống”.
“Người dân mình là thế, chỉ khi mắt thấy tai nghe rồi mới tin vào bác sĩ. Chỉ tiếc rằng cơ sở vật chật còn nghèo nàn quá, nhiều ca bệnh nếu có đủ trang thiết bị thì đã có thế cứu sống được rồi!” - Bác sĩ Briu Kim tâm sự.
Một trạm y tế quân dân y kết hợp đang được xây dựng kề bên, Kim và mọi người hy vọng rồi đây sẽ có nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho người dân vùng biên giới này.
Bác sĩ Bríu Kim khám bệnh cho người dân vùng biên. |
Kỳ tích đỡ đẻ bé nặng 4,5 kg
Đối với Đại úy Huỳnh Văn Ngọc - Bác sĩ Trạm trưởng Trạm y tế Quân dân y kết hợp A Xan (tuyến biên giới Việt - Lào), thuộc các xã A Xan và Gary kỉ niệm đáng nhớ nhất là lần đỡ đẻ kịp thời cho một sản phụ Lào.
Hôm đó, sản phụ Tơ Ngôn Dí ở bản Bưn (xã Tà Vàng, huyện Klừm, tỉnh Xê Kông, Lào) được đưa đến trạm trong tình trạng vỡ ối, thai nhi quá lớn, nằm ngược và dây rốn quấn cổ. Đại úy Ngọc quyết định mổ để cứu sống hai mẹ con.
Ca phẫu thuật thành công, mẹ tròn con vuông. Cháu bé nặng 4,5 kg ra đời trong niềm vui hân hoan của gia đình.
“Trường hợp này là ca khó trong sản khoa, phải ở các trung tâm y tế lớn đủ trang thiết bị mới có thể xử lý được. Nếu chuyển tuyến sẽ không kịp vì đường xá cách trở. Không quyết đoán trong tình huống thì sẽ nguy kịch cho cả mẹ lẫn con” - Đại úy Ngọc nói. Vợ chồng sản phụ đã lấy tên Ngọc đặt tên cho con mình.
Hôm chúng tôi đến, các y, bác sĩ của Trạm đang tập trung cứu chữa cho một trường hợp bệnh nhi nước bạn Lào. Cháu là con vợ chồng anh Khăm Son - chị Avô Hiêm ở thôn Palê (xã Tà Vàng). Anh Khăm Son kể: Sáng hôm đó, vợ chồng anh thấy con khóc liên hồi, rồi co giật từng cơn.
Hoảng quá, hai vợ chồng ôm con băng rừng qua trạm để bác sĩ Việt Nam cứu chữa. Từ nhà đến trạm, vợ chồng Khăm Son phải đi bộ hơn nửa ngày. Khi đến trạm, họ bơ phờ và đói lả trong nỗi lo tột cùng về tình trạng của con.
Cháu bé được các y, bác sỹ Trạm y tế Quân dân y khẩn trương cấp cứu. Hai vợ chồng Khăm Son cũng được nhân viên trạm tìm áo mới để thay, rồi lo chỗ ăn, chỗ ngủ trong thời gian cháu bé điều trị. Con khỏe lại, hai vợ chồng nghèo, ríu rít cảm ơn bác sĩ Việt Nam.
Theo Đại úy Ngọc, năm 2013 trạm tiếp nhận và cứu chữa 184 bệnh nhân người Lào, trong đó có nhiều ca nguy kịch.
Mới đây, ngày 23/12/2013, cháu bé Zơ râm Mứ (6 tuổi) ở bản Keo (xã Tà Vàng) ăn phải quả độc. Khi vào trạm, người cháu đã tím tái. Nhờ được các y, bác sĩ của trạm cứu chữa, hơn 1 tuần sau, cháu bé khỏe mạnh và xuất trạm về Lào.
Tơ Ngôn Bưng - 45 tuổi, cán bộ trạm y tế kiêm phiên dịch cho các bệnh nhân Lào - kể lại: Không chỉ tận tình cứu chữa, nhiều trường hợp anh em trạm phải còn hỗ trợ tiền, thức ăn, áo quần cho bệnh nhân vì họ quá nghèo.