Ô nhiễm không khí ở mức báo động, người dân Hà Nội nên làm gì để bảo vệ sức khỏe?

GD&TĐ - Theo công bố mới nhất từ Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), chất lượng không khí ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang ở mức báo động. 

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng toàn diện sức khỏe.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng toàn diện sức khỏe.

Ngay trong ngày 17/9, không chỉ Hà Nội mà cả miền Bắc, thậm chí ở những tỉnh ven biển, chỉ số AQI trên Pam Air - ứng dụng tra cứu chỉ số chất lượng không khí đều ở mức xấu.

Ô nhiễm không khí tác hại thế nào?

Theo PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An - nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (hiện là Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt) cho biết: “Lâu nay, nhiều người thường lầm tưởng ô nhiễm không khí chủ yếu ảnh hưởng đến phổi và hệ hô hấp. Nhưng theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, không khí ô nhiễm có thể gây tổn tại cho hầu hết nội tạng trong cơ thể người.

Nó là tác nhân cơ bản gây nên một số bệnh như nhiễm trùng hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi, bệnh trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều nhất là tình trạng của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới".

“Sở dĩ, đường hô hấp trên thường xuyên tiếp xúc với không khí bên ngoài, không khí bên ngoài ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống niêm mạc, tế bào đường hô hấp trên.

Nếu đường hô hấp trên bị nhiễm khuẩn sẽ tạo ra viêm xoang, viêm tai giữa và sâu hơn nữa là các nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gây ra các bệnh về phổi, phế quản.

Nếu một người hít phải khí CO của khói bếp than tổ ong trong một thời gian dài, cộng thêm các yếu tố ô nhiễm không khí khác sẽ gây ung thư phổi. Như vậy, ô nhiễm không khí sẽ làm gia tăng các bệnh ung thư như ung thư phổi, thanh khoản, mũi xoang”, PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An phân tích.

“Các hạt sooty và oxit nitơ thải ra từ xe hơi, nhà máy sản xuất và nhà máy điện có thể tạo thành một hỗn hợp khí ô nhiễm vô cùng nguy hiểm. Khi hít vào, chúng sẽ di chuyển trong khắp cơ thể bạn thông qua đường máu, đặc biệt nguy hiểm khi các bụi này là hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng... có thể gây nhiễm độc, ung thư, hen...

Thậm chí không khí ô nhiễm còn làm tổn thương các mô do các hạt bụi mịn và siêu mịn dễ dàng đi vào trong máu và tiếp cận với hầu hết cơ quan. Chúng còn là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng viêm toàn thân và làm phức tạp thêm những căn bệnh đã có từ trước.”, PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An cho biết thêm.

Nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất là người cao tuổi, phụ nữ có thai (có thể gây ảnh hưởng bào thai), trẻ em, người có sẵn các bệnh lý mạn tính… Việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong giai đoạn sớm nhất của cuộc đời có liên quan đến các tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức.

Các nhà nghiên cứu cho hay, trẻ em hít phải không khí độc hại có thể có nguy cơ lớn lên bị rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Những nghiên cứu cho thấy rằng những thanh niên sống ở khu vực ô nhiễm cao của Thượng Hải có nguy cơ phát triển bệnh ASD cao hơn 86%.

Ngày 17/9, chỉ số cảnh báo ô nhiễm không khí toàn miền Bắc hiện thị màu "đỏ rực". (Ảnh: https://www.baogiaothong.vn).
 Ngày 17/9, chỉ số cảnh báo ô nhiễm không khí toàn miền Bắc hiện thị màu "đỏ rực". (Ảnh: https://www.baogiaothong.vn).

Làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Theo PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là từ khói bụi chất thải từ nhà máy, khí CO từ khói bếp than tổ ong, khói của các phương tiện giao thông. Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đã chỉ ra Hà Nội là một trong những nơi có mức độ ô nhiễm không khí nặng nề nhất thế giới.

Trước vấn nạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng như hiện nay, các nước tiên tiến trên thế giới có nhiều biện pháp khác nhau. Họ tiến hành di chuyển các nhà máy ra khỏi khu dân cư để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí với sức khoẻ con người.

PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An - nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (hiện là Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt).
PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An - nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (hiện là Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt).

Ngoài ra, lượng rất lớn các khí thải từ các phương tiện giao thông là nguồn ô nhiễm không khí mà không dễ đưa ra các biện pháp giải quyết. Vì vậy các nhà nghiên cứu đã tạo ra các loại khẩu trang giúp bảo vệ con người khỏi ô nhiễm không khí và các bệnh về hô hấp.

PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An cho rằng, màng lọc của khẩu trang chỉ hạn chế bớt không khí bẩn chứ không làm không khí sạch tuyệt đối.

Tuy nhiên, khi đi ra ngoài đường mọi người vẫn nên đeo khẩu trang đặc biệt là trẻ em. Còn khi về nhà nên rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý làm sạch đường hô hấp trên. Với các gia đình, ở trong nhà có thể đóng kín cửa, bật máy lọc không khí để giảm bớt nồng độ ô nhiễm.

“Chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng cơ bản nhất để cơ thể tạo sức đề kháng tốt cho cơ thể. Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả, sữa chua để cung cấp đầy đủ các loại vitamin, yếu tố vi lượng. Đồng thời đa dạng hoá các bữa ăn, tạo một chế độ ăn uống hợp lý đầy đủ năng lượng”, PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An đưa ra khuyến nghị

Khi có sức đề kháng tốt, toàn bộ hệ thống niêm mạc của đường hô hấp trên hoạt động tốt như một hệ thống phòng ngự. Tất cả các vi khuẩn qua hệ thống phòng ngự đã bị diệt khá nhiều, không khí đi xuống đường hô hấp dưới hầu như là sạch. Người lớn và trẻ em sẽ hạn chế được các bệnh về nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới đặc biệt là với trẻ em.

Với môi trường ô nhiễm không khí nặng như hiện nay, bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An cũng khuyên mọi người việc đi khám sức khoẻ thường xuyên là rất cần thiết. Việc khám sức khoẻ thường xuyên sẽ phát hiện sớm các bệnh do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đặc biệt sẽ tầm soát được các loại bệnh ung thư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.