Trong những ngày cuối tháng 8, chất lượng không khí đo được tại Hà Nội đều cho kết quả trong ngưỡng kém và xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đặc biệt, ngày 26/8, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nội thành Hà Nội đo bằng các ứng dụng như Air Visual hay Pam Air đều ở ngưỡng 151-200 (mức độ không khí không lành mạnh).
Tổng cục Môi trường vừa có thông báo giải thích về hiện tượng chất lượng không khí xấu đi đột ngột này.
Theo Tổng cục Môi trường, các tháng mùa hè là mùa mưa, thường là lúc chất lượng không khí tốt nhất trong năm. Tuy nhiên, vẫn có những thời điểm điều kiện khí tượng bất thường làm cho nồng độ bụi tăng cao.
Kết quả quan trắc cho thấy vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi. Các thông số khác như SO2, NO2, CO, O3 về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép (trừ một số vị trí cục bộ nằm gần đường giao thông thông số NO2 đã có dấu hiệu ô nhiễm).
"Trong ngày 26/8, nồng độ bụi PM 2.5 tăng cao đột biến, chỉ số chất lượng không khí ở mức kém tại các trạm quan trắc không khí tại Hà Nội. Chỉ số AQI ngày 26/8 cao nhất là 145 tại trạm Hàng Đậu, thấp nhất là 102 tại trạm Tân Mai", thông báo nêu.
Giải thích về việc này, Tổng cục Môi trường cho rằng thời điểm nồng độ bụi PM 2.5 lên cao nhất là đêm và rạng sáng ngày 26/8, có thể do thời gian này tương đối lặng gió, làm hạn chế việc luân chuyển chất ô nhiễm lên tầng cao.
"Nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM 2.5) tăng cao đột biến", Tổng cục Môi trường cho hay.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới.
Nghịch nhiệt xảy ra hầu như ở tất cả các thời điểm khác nhau của năm, thường xảy ra với tần suất cao vào mùa đông khi không khí ổn định, đêm kéo dài và có không khí lạnh tràn về.