Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến 80% dân số toàn cầu

GD&TĐ - Một nghiên cứu mới nhất cho thấy, hơn 80% dân số thế giới đang sống dưới bầu trời bị ô nhiễm ánh sáng. Các nhà khoa học công bố nghiên cứu trên Tạp chí Tiến bộ Khoa học (Science Advances) sau khi sử dụng phương pháp phân tích ảnh chụp từ vệ tinh để tạo ra một bản đồ về ánh sáng nhân tạo trên toàn cầu.

Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến 80% dân số toàn cầu

Kết quả cho thấy người dân tại Singapore, Kuwait và Qatar chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ một bầu trời đêm có quá nhiều ánh sáng nhân tạo. Ngược lại, những người sống tại Chad, Cộng hòa Trung Phi và Madagascar ít bị ảnh hưởng nhất từ ô nhiễm ánh sáng.

TS Christopher Kyba, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa cầu tại Potsdam (Đức) cho biết: “Ánh sáng nhân tạo ngày nay trong cuộc sống con người đến từ nhiều nguồn khác nhau… Đèn đường là một yếu tố chính gây ra ô nhiễm ánh sáng, ngoài ra, sự ô nhiễm này còn đến từ đèn pha xe hơi hay những biển quảng cáo được chiếu sáng hàng đêm”.

Bản đồ thế giới đo cường độ sáng cho thấy rằng 83% dân số thế giới, 99% người châu Âu và người Mỹ, sống dưới bầu trời mà ánh sáng tự nhiên sáng hơn 10% so với bầu trời sao tự nhiên. Tại một số nơi ánh sáng tự nhiên còn lớn hơn nữa, TS Kyba cho biết thêm.

“Khoảng 14% dân số thế giới thậm chí không bao giờ thấy bầu trời thực sự vào mỗi đêm” - ông giải thích – “Ánh sáng nhân tạo quá sáng và nhiều màu sắc làm cho việc quan sát bầu trời tự nhiên tại các thành phố rất khó khăn”.

Tại Singapore, toàn bộ dân số đang phải sống trong tình trạng ánh sáng nhân tạo vào mỗi đêm, và vấn đề này cũng đang ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới. “20% dân số ở châu Âu và 37% số người ở Mỹ không bao giờ được tận hưởng bầu trời đêm thực sự” - TS Kyba nói - “Đây là một con số thực sự rất lớn”. Ông cho biết thêm, tại Anh, 26% số người dân chỉ nhìn thấy ánh sáng đầy màu sắc từ đèn đường, đèn pha ô tô hay biển quảng cáo, thay vì thấy một bầu trời đêm thực sự.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, nếu đêm có ánh sáng nhiều hơn lúc hoàng hôn sẽ ảnh hưởng đến động vật ăn đêm, trong khi đó nó làm cho con người có xu hướng mắc chứng rối loạn giấc ngủ và các bệnh liên quan khác.

TS Kyba nói rằng trong khi ánh sáng có vai trò quan trọng cho sự phát triển và vấn đề an toàn, nhưng các công nghệ cần phải được cải tiến. “Có rất nhiều đèn trên đường phố không được thiết kế tốt” - ông giải thích – “Chúng ta chiếu ánh sáng vào những khu vực không cần thiết - ví dụ, chiếu lên bầu trời, thực sự nó không hữu ích cho bất kỳ ai…

Có một sự khác biệt lớn giữa một đường phố đủ ánh sáng - có nghĩa là tất cả mọi người có thể nhận biết mọi thứ xung quanh thực sự dễ dàng, và một con đường sáng rực rỡ - có nghĩa có quá nhiều ánh sáng và nó không giúp đỡ bất cứ ai điều gì”.

Báo cáo gợi ý rằng những bóng đèn nên được che chắn, có thể làm mờ hoặc tắt khi không sử dụng, có thể giúp làm giảm ô nhiễm ánh sáng cũng như tiết kiệm năng lượng. Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng, tình trạng ô nhiễm ánh sáng còn gây trở ngại cho các nhà thiên văn học: Khoảng 1/3 diện tích trên thế giới không thể nhìn thấy thiên hà Milky Way do tác động của ánh sáng nhân tạo lên bầu trời quá lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.