Ở đâu có quyết tâm, ở đó có ánh sáng của tri thức

GD&TĐ - Vượt qua núi cao, qua suối sâu, những lớp học xóa mù chữ ở xã Thiện Thuật, tỉnh Lạng Sơn vẫn đều đặn sáng đèn mỗi tối.

Các lớp xoá mù chữ được triển khai đều đặn mỗi tuần 5 buổi, từ 19h30 đến 21h30.
Các lớp xoá mù chữ được triển khai đều đặn mỗi tuần 5 buổi, từ 19h30 đến 21h30.

Gieo chữ giữa gian khó

Khi ánh nắng cuối ngày khuất dần sau những ngọn đồi trập trùng, cũng là lúc tiếng bước chân người dân vang vọng trên những con đường đất đỏ, len lỏi qua các khe suối, hướng về lớp học đặc biệt tại tại xã Quang Trung, huyện Bình Gia, nay là xã Thiện Thuật, tỉnh Lạng Sơn.

Năm 2024, xã đã tổ chức thành công 3 lớp xóa mù chữ, gồm 1 lớp giai đoạn 1 và 2 lớp giai đoạn 2, với tổng số 90 học viên. Các lớp được triển khai đều đặn từ tháng 3 đến tháng 12, mỗi tuần 5 buổi, từ 19h30 đến 21h30. Học viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ở độ tuổi từ 30 đến 56, có người chưa từng cầm bút, có người chỉ nhớ lơ mơ mặt chữ.

Điểm học đặt tại các thôn Nà Tèo, Pác Giắm và Mò Mè những địa bàn đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở. Nhiều học viên không có phương tiện đi lại, phải đi bộ hàng cây số, thậm chí lội qua suối để đến lớp. Mỗi khi mưa lớn, nước dâng cao, không ít buổi học buộc phải tạm hoãn.

Thế nhưng, khó khăn không làm nhụt ý chí học tập. “Tôi đi học vì muốn biết chữ, để sau này đọc được tên thuốc, biết viết giấy tờ. Có chữ mới tự tin đi chợ, đi bệnh viện,” chị Lâm Thị Êm (sinh năm 1981, dân tộc Nùng, thôn Nà Tèo) bộc bạch.

Còn chị Lê Thị Nhọi (sinh năm 1979, thôn Đình Cam) thì chia sẻ chân thành: “Lúc đầu tôi ngại lắm, vì tuổi đã lớn. Nhưng giờ thấy học có ích quá, mình viết được tên con, đọc được tin nhắn, lòng vui không tả xiết.”

xoa-mu-chu-2.jpg
Xóa mù chữ không chỉ là nhiệm vụ của ngành Giáo dục, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Những người "gieo chữ không mỏi"

Phía sau thành công của các lớp học là sự nỗ lực thầm lặng nhưng phi thường của đội ngũ giáo viên. Họ là những thầy cô từ Trường PTDTBT Tiểu học Quang Trung (nay thuộc xã Thiện Thuật) tình nguyện đứng lớp mỗi tối, không quản đường xa, không ngại khó nhọc.

Cô Nông Thị Mai Chuyên – giáo viên trực tiếp giảng dạy tại lớp Mò Mè và Pác Giắm chia sẻ: “Có những hôm trời mưa, đường trơn trượt, có đoạn phải dắt xe gần 3 cây số. Học xong đã gần 10 giờ đêm, có hôm chồng phải đi đón. Nhưng thấy học viên mong học, mình lại có động lực. Càng dạy càng thương họ.”

Cô Mai Chuyên cho biết, để phù hợp với đối tượng học viên lớn tuổi, trình độ không đồng đều, giáo viên luôn linh hoạt trong cách truyền đạt. Mỗi bài giảng đều được điều chỉnh cho phù hợp, có học viên tiếp thu chậm thì được phụ đạo riêng, học viên khá hơn được giao thêm nhiệm vụ kèm bạn. Không khí lớp học luôn nhẹ nhàng, cởi mở, coi trọng sự tiến bộ chứ không đặt nặng thành tích.

“Chúng tôi luôn ghi nhận nỗ lực của từng học viên, đôi khi chỉ cần học viên tiến bộ dù chỉ là viết đúng tên mình, hay đọc được dòng chữ đầu tiên cũng đã là thành công rồi,” cô nói.

Để duy trì được các lớp học xóa mù chữ, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và Trung tâm học tập cộng đồng là yếu tố then chốt. Các lớp học được tổ chức trong điều kiện đầy đủ về cơ sở vật chất, có phòng học, bàn ghế, ánh sáng tốt. Học viên được hỗ trợ sách giáo khoa, vở, bút, cặp, những điều tưởng nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn đối với bà con vùng cao.

Phong trào xóa mù chữ ở Thiện Thuật không chỉ đơn thuần dừng ở việc biết đọc, biết viết. Xa hơn, đó là hành trình thay đổi nhận thức, mở ra cánh cửa đến với tri thức, giúp người dân chủ động hơn trong cuộc sống, trong sản xuất, chăm sóc sức khỏe và xây dựng gia đình, bản làng văn minh.

“Nhiều người học xong đã tự viết được đơn xin vay vốn, ghi chép sổ sách trong chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Trẻ con thấy bố mẹ đi học cũng có động lực học tập hơn. Đây là hiệu ứng lan tỏa rất tích cực,” cô Mai Chuyên chia sẻ.

Dù còn không ít khó khăn, nhất là điều kiện đi lại, phương tiện cá nhân, một số học viên lớn tuổi gặp vấn đề về thị lực nhưng với sự kiên trì và đồng hành của giáo viên, chính quyền và cộng đồng, các lớp học xóa mù chữ tại Thiện Thuật đã và đang tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng xã hội học tập vùng cao.

Cuối khóa học 100% học viên đều đạt Hoàn thành chương trình lớp học, được trao giấy chứng nhận kết thúc Chương trình lớp học.

Xóa mù chữ không chỉ là nhiệm vụ của ngành Giáo dục, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Ở những vùng khó khăn như Thiện Thuật, mỗi lớp học được mở ra là một bước tiến của niềm tin, là minh chứng rằng: Ở đâu có quyết tâm, ở đó có ánh sáng của tri thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ