“Nút thắt” đầu tư công là cơ chế chính sách

GD&TĐ - Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), đầu tư công giải ngân rất chậm. Khu vực gì liên quan đến công cũng không giải ngân được, thậm chí càng ngày càng giảm xuống trong khi đầu tư tư nhân lại rất nhanh. Một trong những nút thắt chính là vướng mắc ở cơ chế chính sách.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường ngày 22/10
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường ngày 22/10

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, đầu tư công giải ngân rất chậm. Trong khi đầu tư công là nguồn vốn hết sức quan trọng để tạo ra những yếu tố phát triển cốt lõi hạ tầng.

Do huy động được đầu tư của xã hội rất lớn cho nên tổng thu hút đầu tư chúng ta chiếm tỷ trọng cao, chiếm gần 33,8%. Như vậy, nếu như không huy động được đầu tư tư nhân thì không thể có được tăng trưởng như trên.

Nhưng nếu như chỉ có đầu tư tư nhân mà không có đầu tư của Nhà nước là đầu tư cốt lõi thì rất khó tạo được sự tăng trưởng bền vững dài hạn, cho nên đây là một thách thức lớn.

Ông Cường đặt câu hỏi, tại sao khu vực gì liên quan đến công cũng không giải ngân được, thậm chí càng ngày càng giảm xuống trong khi đầu tư tư nhân lại rất nhanh? Các công trình phát triển nhanh trong thời gian vừa qua hầu hết đều là công trình tư nhân, còn công trình công thì không có?

Theo ông Cường, có thể nhìn thấy một điều, cải cách về mặt thể chế đã bắt đầu có tác dụng là tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư và tạo được niềm tin cho khu vực tư. Nhưng đã tạo được thực sự mở cho cơ chế phát triển hay chưa thì rõ ràng có thể đang còn những nút thắt, đặc biệt là những nút thắt ở khu vực công.

Và một trong những nút thắt đó chính là vướng mắc ở trong những vấn đề về cơ chế chính sách.

Tuy nhiên, dù có vướng mắc, nếu như thực sự dám nghĩ, dám làm và có thể bỏ qua một số những ràng buộc thì vẫn có thể thực hiện được.

Nhưng ngược lại nếu như cứ căn ke có theo đúng các quy định hay không thì khó có thể sẽ tiến hành được.

“Bộ máy nhà nước có dám năng động sáng tạo hay không, có dám vượt rào không, hay cứ phải tuân thủ các quy trình, quy định một cách khắt khe? Nhất là trong bối cảnh 4.0 có rất nhiều hoạt động kinh tế, đòi hỏi xã hội phát sinh mà chưa có quy định nào phù hợp”, ông Cường đặt câu hỏi.

Theo ông Cường, vấn đề cốt cõi nếu chúng ta muốn đẩy nhanh vấn đề công lên và tạo cơ sở cho khu vực khác phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo thì mấu chốt phải đổi mới sáng tạo trong khu vực quản lý nhà nước.

Phải làm sao những người thực hiện có chức trách nhiệm vụ liên quan tới khu vực công dám làm, dám nghĩ. Và nếu đổi mới sáng tạo có thể vượt qua các quy chuẩn, quy trình, quy định nhưng hiệu quả mang lại cao thì cần được đánh giá. Chứ không thể soi trở lại nói rằng vi phạm vào quy trình, quy chuẩn và bị xử lý thì có thể sẽ không ai dám làm gì.

“Đã đến lúc ta phải đưa tiêu chuẩn đánh giá là ở kết quả, hiệu quả chứ không nên bám vào việc tuân thủ đúng các quy định hay không thì mới tháo gỡ được những vấn đề cho phát triển”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...