'Nuôi heo' giúp bạn nghèo

GD&TĐ - “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo” là mô hình các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM thực hiện nhiều năm nay. Việc làm ý nghĩa này góp phần nâng cao ý thức của học sinh trong việc quan tâm, giúp đỡ để cùng nhau vươn lên trong học tập.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ hào hứng tham gia mô hình “Nuôi heo đất”.
Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ hào hứng tham gia mô hình “Nuôi heo đất”.

Học sinh hào hứng tham gia

Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng học sinh nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã biết học theo tính tiết kiệm của Bác qua mô hình “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo”. Việc làm này không chỉ phát huy đức tính tiết kiệm mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm, tình yêu thương, chia sẻ với bạn bè.

Tại Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11), mô hình “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo” từ lâu đã trở thành một trong những hoạt động thường xuyên. Hàng năm, tại Lễ khai giảng năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường đều phát động mô hình ý nghĩa này. Cụ thể, mỗi lớp sẽ nhận nuôi một chú heo đất, hàng tuần, học sinh nào có điều kiện thì sẽ tiết kiệm tiền để cho “heo ăn”, việc ủng hộ hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi học sinh.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt, việc thực hiện phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo” tại cơ sở giáo dục này nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh và các em học sinh. Sau khi nhận heo đất, vào các ngày trong tuần, học sinh các lớp sẽ dùng số tiền mình tiết kiệm từ tiền bán giấy vụn, vỏ lon hoặc tiền ăn sáng, tiền ông bà, bố mẹ thưởng để “nuôi heo lớn”. Đến tháng 5 hàng năm Liên đội trường sẽ tổ chức “Ngày hội thu heo đất” để lấy tiền giúp đỡ các bạn nghèo tại trường và trong lớp mình.

Là một trong những học sinh tích cực trong việc tham gia phong trào và thường xuyên vận động các bạn trong lớp cùng tiết kiệm nuôi heo, em Chung Minh Khoa, Trường Tiểu học Phú Thọ chia sẻ: “Hằng tuần, để có tiền “nuôi heo”, em tiết kiệm từ tiền tiêu vặt bố mẹ cho. Mặc dù tiền tiết kiệm không nhiều, nhưng em thấy rất vui vì đã góp một phần nhỏ bé giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường…”.

Cô Huỳnh Thi Thuý Phi, giáo viên Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Phú Thọ cho biết: “Trong những năm học qua, phong trào nuôi heo đất tại nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh. Với số tiền tiết kiệm từ 1.000- 2.000 đồng từ tiền tiêu vặt hoặc bán phế liệu, các em sẽ cùng nhau “nuôi heo” để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Khi sắp kết thúc năm học các lớp sẽ đập heo, bình quân mỗi lớp thu được khoảng từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng tiền tiết kiệm để giúp đỡ các bạn khó khăn trong lớp. Dù giá trị khoản tiền tiết kiệm nuôi heo đất không lớn nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương của học sinh trong trường”.

Còn theo cô Văn Ngọc Tường Vy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1.4 Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), năm nay do dịch bệnh, hơn 1 học kỳ học sinh học trực tuyến nên khi trở lại học trực tiếp nhà trường mới phát động mô hình này. “Đến tháng 5/2022, Liên đội trường đã tổ chức hội thu heo đất, riêng lớp 1.4 tiết kiệm được hơn 600 ngàn. Cả lớp đã quyết định trích 150 ngàn gửi về trường, phần còn lại đã mua sách, tâp viết tặng 2 em khó khăn trong lớp”, cô Vy chia sẻ.

Trường Tiểu học Lê Văn Việt tổ chức hội thi heo đất vào cuối năm học 2021 - 2022.

Trường Tiểu học Lê Văn Việt tổ chức hội thi heo đất vào cuối năm học 2021 - 2022.

Nâng cao ý thức tiết kiệm

Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ cho hay, thời gian qua nhà trường thường xuyên vận động, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào và truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam cho các học sinh. Từ đó giúp các em có ý thức tiết kiệm và tinh thần giúp đỡ bạn nghèo vượt khó. Thông qua các hình thức tuyên truyền đã giúp các bậc phụ huynh và học sinh nhiệt tình hưởng ứng phong trào.

“Mô hình “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo” thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực. Đặc biệt là trong việc giúp học sinh sớm hình thành ý thức tiết kiệm, hiểu được truyền thống tốt đẹp của dân tộc về tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rành. Các em biết thương yêu, đoàn kết, biết chia sẻ giúp đỡ bạn bè, nhất là đối với những em có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh vừa qua”, cô Hương cho hay.

Còn theo chia sẻ của cô Phạm Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Việt, từ ý nghĩa thiết thực của mô hình “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo”, các bậc cha mẹ có con học tại trường rất đồng tình ủng hộ. Để tham gia mô hình này, một số học sinh xin phụ huynh, nhiều em khác sẽ làm việc nhà phụ giúp ba mẹ để có được tiền công bỏ vào heo hay mua báo nhi đồng, rùa vàng được thối tiền thừa sẽ lấy đó bỏ vào heo. Thậm chí những dịp trường tổ chức lễ hội dân gian, thay vì các bé lấy tiền ba mẹ cho để mua tượng tô, tranh cát thì cùng bạn chơi một món đồ, còn lại tiết kiệm để “nuôi heo”.

“Những tập thể có số tiền tiết kiệm được nhiều nhất và các bạn học sinh tham gia tích cực nhất sẽ được nhà trường tuyên dương. Số tiền thu được sau mỗi năm học từ mô hình “Nuôi heo đất giúp đỡ bạn nghèo” tuy chưa nhiều nhưng điều quan trọng nhất là từ hoạt động giàu tính giáo dục này đã giúp các em học sinh biết chia sẻ, giúp đỡ người khác, góp phần giáo dục nhân cách cho thế hệ măng non…”, cô Lan cho hay.

Em Phạm Trần Minh Khang, Trường Tiểu học Lê Văn Việt nói: “Mô hình “nuôi heo đất giúp bạn nghèo” rất có ý nghĩa, do vậy, em và các bạn đều tham gia thực hiện. Thông qua mô hình, chúng em có thể học được cách tiết kiệm, quan tâm sẻ chia với những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Mong rằng, với số tiền chúng em tích góp được trong quá trình “nuôi heo đất” có thể giúp đỡ được các bạn vươn lên vượt qua khó khăn, phấn đấu học tập thật tốt”.

“Mọi năm, Liên đội trường phát động vào đầu năm học và tổ chức hội thu để chăm lo cho các em vào dịp Tết. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh học sinh phải học trực tuyến thời gian dài, tuy nhiên phong trào này ở các lớp vẫn phát huy sôi nổi. Nhiều học sinh được chăm lo, giúp đỡ phương tiện học trực tuyến, sách giáo khoa, Bảo hiểm Y tế... Ban giám hiệu cũng như các thầy cô trong Trường Tiểu học Phú Thọ cảm thấy vui mừng khi các em hiểu được ý nghĩa và thực hiện hiệu quả phong trào này”, cô Hương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ