Nuôi dưỡng tình yêu nghề bằng trái ngọt giáo dục

GD&TĐ - Từng đảm nhiệm cương vị từ giáo viên cho đến quản lý ở nhiều trường học trên địa bàn, ở đâu cô Nguyễn Thị Nguyệt Quế, Hiệu trưởng Trường THCS Cao Thắng, TP Hạ Long, Quảng Ninh cũng luôn tâm niệm: Hãy làm việc với tất cả tình yêu nghề. Thế nên, đối với nhà giáo, không gì vui bằng những thành quả giáo dục kết thành hoa thơm, trái ngọt. 

Cô Nguyễn Thị Nguyệt Quế và các em HS. Ảnh: T.G
Cô Nguyễn Thị Nguyệt Quế và các em HS. Ảnh: T.G

Dành tất cả tình yêu cho nghề

Gần 40 năm gắn bó với nghề, cô giáo Nguyệt Quế đúc rút ra một điều làm nghề nào thì cũng phải gắn bó, đặc biệt với nghề giáo, tình yêu và sự gắn bó phải lớn hơn nhiều vì sản phẩm mà họ tạo nên là con người. Ở cương vị giáo viên cô Quế hết lòng hết sức với học sinh, ở cương vị quản lý cô luôn yêu cầu GV của mình phải đổi mới phương pháp dạy học. Chỉ đạo nhà trường thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong giáo viên, học sinh để tạo bứt phá trong nâng cao chất lượng.

Cô Quế tâm sự: Đã xác định là GV thì ai cũng tâm huyết và muốn gắn bó với nghề. Học sinh chính là sản phẩm do mình làm ra, các em học giỏi thì thầy cô nào cũng vui. Với tất cả kinh nghiệm dạy - học tôi muốn truyền lửa cho GV của mình để các bạn trưởng thành và có những đóng góp cho sự nghiệp. Mừng là đến nay, Trường THCS Cao Thắng không chỉ là địa chỉ dạy tốt, học tốt được phụ huynh và học sinh tin yêu mà còn đi đầu trong hợp tác quốc tế đã được Hội đồng Anh công nhận.

Ở Trường THCS Cao Thắng, những ngày đến trường với các em học sinh thực sự là một ngày vui. Trường rất linh hoạt trong dạy – học và các hoạt động như đổi mới nội dung hình thức giờ chào cờ bằng sinh hoạt chủ điểm. Các giờ giáo dục kĩ năng sống thật sự vui tươi và hấp dẫn, giúp các em tìm hiểu về kĩ năng nghiên cứu thông tin, hoạt động nhóm, tổ chức, điều hành, thuyết trình trước đám đông… Những hoạt động đổi mới này đã giúp học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, hiểu biết về những vấn đề liên quan để hội nhập trong lứa tuổi của mình, đồng thời chỉ ra những điều cần thiết để các bạn cùng hướng tới có thể trở thành công dân toàn cầu.

Ươm hoa chờ ngày kết trái

Những nỗ lực và cố gắng của cô Quế và tập thể nhà trường đã ươm hoa và đến ngày kết trái ngọt. Chất lượng học sinh giỏi các cấp trong 2 năm học vừa qua trường đều có những khởi sắc. Năm học 2017 – 2018 và 2018 – 2019, kết quả học sinh giỏi của nhà trường được giữ vững. Trường có 19 giải học sinh giỏi cấp TP Hạ Long và 8 giải cấp tỉnh.

Năm học 2018 – 2019, cùng tham gia đề tài khoa học công nghệ cấp thành phố với chủ đề “Giáo dục cho học sinh thành phố Hạ Long về phẩm chất năng lực của người làm du lịch, dịch vụ”, học sinh nhà trường có một sân chơi trí tuệ, trải nghiệm thực tế. Các em được thể hiện tài năng của mình, bản lĩnh và sự tự tin, kĩ năng sống cũng được rèn luyện thêm.

Điều mà tôi vô cùng hài lòng là việc giáo dục truyền thống, văn hóa dân tộc Việt Nam và các quốc gia trên thế giới qua công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Với mục tiêu giáo dục để học sinh trở thành công dân toàn cầu, công dân tích cực phụng sự Tổ quốc, nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới để hoạt động dạy – học tốt hơn, đặc biệt trong việc đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông sẽ được triển khai tới đây, cô Quế chia sẻ.

Từ thực tế dạy học cũng như làm quản lý, cô Nguyệt Quế đưa ra bài học kinh nghiệm: Các trường học nên có kế hoạch và nỗ lực tạo được sự đồng thuận trong giáo viên, học sinh và phụ huynh, thu hút họ vào cuộc một cách tích cực và tự nguyện trong các hoạt động chung.

Đặc biệt trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng dạy – học, GV phải luôn biết tự làm mới mình, cập nhật thông tin bổ sung những kỹ năng cần thiết giúp cho việc dạy – học hiệu quả hơn. Cuối cùng là việc làm thế nào để học sinh cảm nhận mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học thực sự hạnh phúc – muốn vậy các thầy cô phải cùng các em nỗ lực trải nghiệm, sáng tạo, đưa ra những không gian học mà chơi – chơi mà học thực sự hấp dẫn, bổ ích đối với học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ