Hãy cho phép con buồn một ngày

GD&TĐ - Sử dụng mạng xã hội để lắng nghe, kết nối với HS, một số trường THCS, THPT mở diễn đàn “confession” (thú nhận), tạo không gian để HS chia sẻ, tâm sự với bạn bè cùng trang lứa (có người quản lý là GV, cán bộ Đoàn trường). Ghi nhận sau những ngày công bố kết quả điểm thi vào lớp 10 vừa qua, nhiều diễn đàn confession “chan” nước mắt HS xen tâm trạng ngổn ngang, buồn bã...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một nữ sinh chia sẻ: “Không biết có ai như em không? Điểm thi của em rất kém, nói chung là trượt thẳng. Bố mẹ em lúc biết điểm thì mắng với đánh em, rồi bảo con A, con B được điểm cao như này như nọ, tại sao em không bằng được bọn nó. Bố mẹ liên tục so đo em với các bạn khác, mặc dù em đã cố hết sức rồi, thi xong cũng check lại rồi kỳ vọng, nhưng không ngờ cuối cùng điểm lại kém đến thế. Bố mẹ em hỏi bạn thân em bao nhiêu điểm định để so tiếp. Em bảo: Điểm con bố mẹ biết rồi, trượt thì cho con học trường dân lập, học nghề. Sao bố mẹ cứ ép con phải điểm cao? Giờ trách con cũng không thay đổi được gì… Sau khi nói xong thì em bị vả 3 cái, choáng váng cả đầu, má phải đỏ rát…”.

Nam sinh khác viết: “Bố mẹ còn không quan tâm tớ chọn trường gì hay định làm gì. Khi tớ chọn trường thấp xuống thì lại bắt lấy trường cao hơn, trong khi từ đầu bố mẹ không hề nói với tớ câu nào. Biết điểm rồi thì cứ thở ngắn than dài. Tớ biết sức mình nên ngay từ đầu đã chọn trường vừa sức, nhưng bố mẹ không nghe, nằng nặc không được, trường đó không danh giá, phải trường này cơ. Bây giờ trượt thì tớ lại là người có lỗi. Thi thoảng cái sĩ diện của bố mẹ lại đặt trước con cái…”.

Đọc vài chia sẻ đã thấy giật mình khi có không ít bậc cha mẹ đang trùm lên con tình yêu thương áp đặt. Hàng ngày, họ lên Facebook, vào các diễn đàn trao đổi việc học thêm ở đâu thì tốt; luyện thi cho con từ lớp mấy để đến cấp 2, cấp 3 vào trường chuyên/lớp chọn... Ở đâu có thi tuyển, thấy đông đông là cũng cố bon chen, chở con đến đăng ký thi bằng được. Con thi trượt thì buồn than như trời sắp sập, con thi đỗ nhiều trường cũng đau đầu hỏi han xem nên học trường nào cho tốt. Các ông bố, bà mẹ cứ bàn luận rôm rả với nhau, đặt kỳ vọng lên con nhưng lại quên hỏi con mong muốn gì.

Mấy ai dừng lại, hỏi con rằng: Con thích học trường nào? Tại sao con đăng ký nguyện vọng 1 thế này? Con muốn đi học thêm không? Hè này con định làm gì, có cần bố mẹ giúp gì không?... Nhà trường, thầy cô tìm mọi cách để giảm áp lực cho HS, nhưng dường như một số bậc cha mẹ đang “lên đồng” vì thành tích, muốnsống hộ cuộc đời của con cái. Họ coi việc học tập của con như tem mác tạo danh tiếng. Cái mà không ít ông bố, bà mẹ nghĩ là tình yêu thương, là lo lắng cho con cái đang trở thành tình yêu bức ép.

Câu chuyện của một bà mẹ ứng xử khi con gái thi trượt vào lớp 10 đã khiến nhiều người phải nhìn lại mình: “Con gái tôi thi xong cũng hy vọng và tự tin là đỗ. Khi biết kết quả, con gái nhắn tin: Mẹ ơi, 40,5 điểm con có đỗ được không? Con buồn quá… Đọc tin nhắn mà tôi thương con không nói được thành lời. Vội cầm điện thoại gọi thì con không nghe máy, chắc lúc đó con buồn quá nên đang khóc một mình. Nhắn tin lại cho con rằng: Đối với mẹ, chuyện con thi đỗ vào trường nào không quan trọng. Điều mẹ quan tâm nhất là con khỏe mạnh, ngoan, luôn ý thức được việc con đang làm, sẽ làm. Con cố gắng sống tốt, sống có ích là mẹ vui rồi… Phải 10 phút sau, con gái mới nhắn tin lại: Vâng…”.

Kỳ thi nào cũng vậy, con thi không như ý, cha mẹ nào cũng buồn. Nhưng hãy hiểu con còn buồn hơn gấp nhiều lần. Một bài toán có nhiều cách giải. Tại sao những người lớn đã trải qua va vấp lại không thể dạy con chấp nhận việc thi trượt bằng cách đơn giản hơn, bình thản hơn?Hãy cho phép con buồn một ngày, ngày mai kết quả có ra sao, hãy động viên để con vui vẻ, hồn nhiên đúng với tuổi của mình!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.