Nuôi dạy con song ngữ: Xu thế hội nhập

GD&TĐ - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trở nên thông dụng hơn bao giờ hết.

Gia đình anh Nguyễn Hải Đăng nuôi dạy cả 2 con theo phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ”.
Gia đình anh Nguyễn Hải Đăng nuôi dạy cả 2 con theo phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ”.

Do đó, nhiều bậc phụ huynh đã quan tâm đến việc cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ từ rất sớm. Thậm chí, nhiều gia đình còn hướng tới việc dạy con bằng hai ngôn ngữ.

“Trẻ hoá” độ tuổi học ngoại ngữ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý, khi được 18 tháng tuổi, trẻ đã có thể nói được trung bình khoảng 50 từ. Việc cho trẻ tiếp thu 2 ngôn ngữ cùng một lúc sẽ làm tăng tư duy cho bộ não, đồng thời giúp trẻ nói được nhiều từ hơn so với trẻ chỉ tập nói tiếng mẹ đẻ. Hơn thế, nhu cầu nói của trẻ ở giai đoạn này là rất lớn (giai đoạn đỉnh cao là khi 2 tuổi), ngôn ngữ phát triển một cách đột phá. Từ 2 đến 2 tuổi rưỡi là thời kì quan trọng nhất, đây cũng là thời điểm tối ưu, mẫn cảm với ngôn ngữ nhất trong suốt cả cuộc đời.

Chính vì vậy, việc các bậc cha mẹ giới thiệu ngoại ngữ cho trẻ trong giai đoạn này giống như miếng bọt biển hút các thông tin, âm thanh của các ngôn ngữ xung quanh, giúp các bé dễ bắt chước các cách phát âm khác nhau hơn. Việc khám phá và học hỏi nhiều ngôn ngữ khác nhau trong cùng một thời điểm sẽ giúp trẻ phát triển não bộ một cách tốt nhất.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, bộ não của trẻ nhỏ có thể học lên đến ba ngôn ngữ một cách dễ dàng. Nhưng khi chúng lớn lên, khoảng từ 6 tuổi, não bộ sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc hiểu và phát âm cho đúng âm thanh mới.

Là một trong nhiều bậc phụ huynh theo đuổi phương pháp dạy con song ngữ, anh Trần Huy Hiếu (36 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, bất cứ ai từng học ngoại ngữ đều biết cách thức học là phải nhớ được từ vựng, tìm hiểu quy tắc ngữ pháp mới và bắt chước giọng người bản xứ. Tuy nhiên, đối với người lớn ở độ tuổi trưởng thành, việc bắt “nhại” giọng và ghi nhớ thường khó khăn hơn trẻ nhỏ.

Đối với trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo chưa bị thói quen ngôn ngữ mẹ đẻ chi phối, có nghĩa là chúng vẫn có sự linh hoạt để học ngôn ngữ mới mà không gặp trở ngại bởi chính tiếng mẹ đẻ. Theo quan điểm của vợ chồng anh Hiếu, học ngôn ngữ thứ hai là một bài thể dục tốt cho não. Ngoài việc cải thiện trí nhớ, trẻ được tiếp cận hai ngôn ngữ có khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề tốt hơn so với các trẻ khác đồng trang lứa nói một ngôn ngữ.

Chính vì vậy, vợ chồng anh Hiếu đã cho con tiếp cận cả tiếng Việt và tiếng Anh ngay từ khi bé mới chỉ 5 tuổi. Không chỉ anh Hiếu, nhiều bậc phụ huynh thời kỳ 4.0 cũng có cùng quan điểm rằng việc sử dụng thành thạo đa ngôn ngữ sẽ là bước đệm giúp con trở thành công dân toàn cầu.

nuoi day con song ngu (2).jpg
Kênh YouTube “AlexD Music Insight” với gần 1 triệu người theo dõi của anh Nguyễn Hải Đăng.

Tạo môi trường học tập trong gia đình

Mong muốn con trẻ được tiếp cận ngoại ngữ từ sớm, nhiều bậc phụ huynh tìm đến các trung tâm tiếng Anh để tham khảo các khoá học. Song, không phải gia đình nào cũng đủ khả năng kinh tế để đăng ký cho con.

Chị Trần Thị Hoài (33 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, giá một khoá học giao tiếp cho trẻ ở một trung tâm tiếng Anh nổi tiếng tại Hà Nội lên đến 20 triệu đồng/3 tháng. Với mức lương chỉ “đủ ăn, đủ mặc”, gia đình chị Hoài không thể cho con theo học tại trung tâm. Thực tế, đây cũng là vấn đề chung của nhiều bậc phụ huynh. Bởi vậy hiện nay, nhiều cha mẹ đã tìm hiểu các phương pháp để tự dạy con song ngữ tại nhà.

Anh Nguyễn Hải Đăng (32 tuổi), chủ kênh YouTube “AlexD Music Insight” với gần 1 triệu người theo dõi là một trong những người đầu tiên tạo ra trào lưu nuôi dạy con song ngữ tại Việt Nam. Con gái của anh là bé Annie được cộng đồng mạng biết đến với biệt danh “cô bé song ngữ”. Cô bé 7 tuổi này có khả năng chuyển ngữ khiến nhiều người bất ngờ. Bé có thể tự tin trò chuyện cùng bố bằng tiếng Anh. Và chỉ sau đó vài giây là có thể nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt và ngược lại.

Vốn là người làm việc trong công ty đa quốc gia nên anh Đăng có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài rất nhiều. Vì vậy, dù chưa từng đi nước ngoài, song anh nhận ra xu thế trẻ em được học ngoại ngữ thứ hai rất phổ biến trên thế giới.

Khi bắt đầu tìm hiểu, anh Đăng nhận thấy, bạn bè của anh cho con đi học tại các trung tâm song rất tốn kém, số tiền đầu tư cho con lên đến 200 - 300 triệu đồng. Tuy nhiên khi học xong, các cháu vẫn ngơ ngác không biết giao tiếp thế nào. Khi gặp người nước ngoài, họ hỏi vài câu đơn giản nhưng các bé cũng chưa trả lời được. Điều này khiến anh vô cùng băn khoăn và đi tới quyết định tự mình dạy con bằng phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ” (one person, one language/ OPOL).

Hiện nay, “mỗi người một ngôn ngữ” được biết đến là một trong những phương pháp phổ biến nhất đang được áp dụng để dạy một em bé biết nói song ngữ. Với phương pháp này, người cha sẽ luôn dùng một ngôn ngữ với trẻ và người mẹ dùng một ngôn ngữ khác. Ví dụ, muốn trẻ nói được song ngữ Anh - Việt. Cha mẹ sẽ phân chia, ai tốt tiếng Anh sẽ luôn nói tiếng Anh với con, còn người còn lại sẽ luôn dùng tiếng Việt với con.

“Thời điểm 7 năm trước, khi tôi bắt đầu dạy con song ngữ, phương pháp này còn khá xa lạ ở Việt Nam. Ban đầu, tôi đăng các video nói chuyện với bạn nhỏ Annie (khi đó mới gần 1 tuổi) với mục đích lưu giữ lại kỉ niệm cho con và chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh. Bất ngờ, các video của tôi lại nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều bình luận cho biết họ muốn xem và học hỏi kinh nghiệm đồng hành cùng con của tôi”, chủ kênh YouTube nổi tiếng cho biết.

Để đạt được thành quả như ngày hôm nay, anh Đăng đã phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu các phương pháp giáo dục cả trong và ngoài nước. Anh cho rằng, việc tập trung quá nhiều vào từ ngữ hay câu chuyện sẽ không mang lại hiệu quả cao đối với trẻ nhỏ.

Thay vào đó, anh Đăng tập trung hình thành ngôn ngữ cho bé qua hình ảnh và âm thanh. Đó chính là lí do ngay từ khi Annie còn vài tháng tuổi, anh đã thường xuyên đàn và hát bằng tiếng Anh cho bé nghe. Có thể ban đầu khi nghe, não của bé chưa thể hiểu hết được ngôn ngữ mới. Nhưng việc làm này sẽ giúp não bộ của trẻ dần tiếp thu và đón nhận ngôn ngữ này.

Khi lên 9 tháng tuổi, bé Annie biết nhại theo bố qua những âm điệu cảm thán cơ bản nhất. 12 tháng tuổi, Annie đã biết bật ra nói từng chữ cái đơn. Chẳng hạn như có thể nói theo bố bài hát bảng chữ cái A, B, C. 14 tháng tuổi, anh Hải Đăng đã rèn cho con khả năng phản xạ đơn giản. 6 tháng sau đó, bé Annie đã có thể làm theo những chỉ dẫn của bố bằng tiếng Anh. Khi bé bắt đầu có ý thức và vào quá trình tập nói, anh sẽ tập trung hơn vào các bài hát, câu thơ, câu chuyện với độ khó tăng dần.

Nhờ vậy, mới 2 tuổi, Annie cùng với bố có thể hát hoàn chỉnh một bài hát bằng tiếng Anh. Lúc này, bé đã có khả năng phản xạ nhanh với nhiều chủ đề khác nhau.

nuoi day con song ngu (3).jpg
Bé Annie được cộng đồng mạng biết đến với biệt danh “cô bé song ngữ” với khả năng giao tiếp thành thạo 2 thứ tiếng ngay từ nhỏ.

Kiên trì đồng hành cùng trẻ

Theo quan điểm cá nhân, nhiều phụ huynh trẻ cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là cần dành nhiều thời gian để có thể thực hành cùng trẻ. Nếu chỉ cho bé nghe hoặc tiếp xúc với tiếng Anh thì trẻ không thể nói thành thạo được. Bởi vậy, mỗi ngày, cha mẹ nên dành 30 - 60 phút để xem các chương trình truyền hình tiếng Anh và học cùng con.

Điều này giúp con trẻ vừa có thể giải trí, vừa học tập được từ vựng, ngữ pháp. Sau đó, cha mẹ sẽ cùng bé rút ra các từ vựng và tập nói theo những từ đó. Việc làm này giúp trẻ ghi nhớ rất nhanh mà không gây cảm giác buồn chán khi học tập.

“Nhiều bậc phụ huynh cũng rất thích thú khi thấy bé nhà mình có thể thành thạo cả 2 thứ tiếng và nhờ mình chia sẻ kinh nghiệm dạy con. Song khi nghe chia sẻ thì họ lại e ngại. Bởi quỹ thời gian có hạn, mỗi ngày phải đi làm 8 - 10 tiếng, cha mẹ dành thời gian ngồi chơi với con còn khó.

Khi mình có lý do đủ lớn, đủ quyết tâm thì mình sẽ tìm mọi cách để thực hiện. Mỗi ngày chỉ cần 10 - 15 phút thôi chứ không nhất thiết phải cả ngày, cả buổi. Khi tôi quyết định hoàn toàn sẽ giao tiếp với con bằng tiếng Anh cũng chính là lúc gia đình gặp khó khăn về kinh tế.

Vì vậy, tôi phải làm đủ công việc để kiếm tiền, thời gian chất lượng dành cho con cũng không có nhiều. Nhưng đã có mục tiêu thì sẽ phải hoàn thành, dù có chậm một chút nhưng cuối cùng tôi cũng đã thành công”, anh Đăng tự hào chia sẻ.

Anh Hải Đăng khẳng định: “Việc rèn cho trẻ môi trường tiếng Anh tại nhà là không hề đơn giản. Nhất là với một gia đình 100% là người Việt. Vì vậy, với phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ”, điều đầu tiên trong việc dạy tiếng Anh ở nhà cho trẻ là cần có 2 người cùng tham gia.

Và 2 người phải hoàn toàn tách biệt: Một người dạy tiếng Anh và một người dạy tiếng Việt. Đặc biệt, cần phải thực hiện việc này một cách nghiêm túc và kiên định. Không được trao đổi vị trí của 2 người với nhau. Kể cả trong quá trình giảng dạy, nói chuyện hay vui chơi cùng trẻ. Cách làm này sẽ giúp bé hình thành tư duy là nếu muốn nói chuyện với bố hay mẹ thì mình sẽ cần sử dụng thứ tiếng gì. Điều này sẽ giúp mở phần tư duy ngôn ngữ trong não của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...