Hạnh phúc không phải là những điều cha mẹ có thể cho con, mà chính là những gì họ dạy con.
Dễ đồng cảm, chia sẻ và biết tiếp nhận là những điểm nổi bật ở trẻ khi thẩm thấu lời nói, việc làm của người lớn, nhất là từ cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trong cuộc sống với đầy rẫy sự trợ giúp của công nghệ thì câu hỏi “hạnh phúc có từ đâu?” đối với con trẻ là điều mà người lớn cần quan tâm.
Hạnh phúc khi biết bày tỏ cảm xúc
Không chỉ sức khỏe tốt và kết quả học tập cao, hạnh phúc cũng là một trong những mục tiêu mà nhiều cha mẹ muốn mang lại cho trẻ. Trong cuộc sống, cảm xúc được cho là yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng góp phần vào sự hạnh phúc của trẻ. Mặc dù có thể trải qua nhiều cảm xúc, nhưng đôi khi, trẻ không biết phải diễn đạt như thế nào.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung, thuộc Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TPHCM), chia sẻ: “Có nhiều cách để cha mẹ dạy trẻ nhận biết cảm xúc. Cha mẹ có thể đọc truyện, đặt câu hỏi, thảo luận với trẻ về những cảm xúc mà nhân vật trải qua và giải thích nguyên nhân vì sao. Điều quan trọng là cảm xúc của trẻ về các nhân vật và lý do con có những cảm nhận đó”.
Trẻ sẽ dễ dàng đồng cảm khi nói về cảm xúc của người khác. Khi đó, con sẽ cảm nhận rằng, người khác cũng có cảm xúc. Bởi vậy, điều quan trọng là phụ huynh cần tạo cơ hội để trẻ diễn đạt cảm xúc.
“Giúp trẻ sử dụng các từ cảm xúc trong vốn từ vựng hằng ngày. Làm mẫu cách thể hiện cảm xúc bằng cách nắm bắt cơ hội để chia sẻ cảm xúc của cha mẹ như: “Cha buồn khi con xô ngã em xuống đất. Cha đoán là em rất buồn”, chuyên gia gợi ý.
Ngoài ra, phụ huynh có thể giúp con chia sẻ, trao đổi cảm nhận về những cảm xúc hằng ngày, ngay cả từ những việc nhỏ. Theo nữ chuyên gia này, trẻ luôn dõi theo, quan sát những hành vi, cảm xúc của cha mẹ. Nếu thấy cha mẹ thể hiện cảm xúc tích cực, theo thời gian, con sẽ học theo. Tuy nhiên, khi thấy cha mẹ la hét, ném đồ đạc lúc buồn bã, giận dữ..., có thể trẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Một trong những biện pháp khuyến khích con bày tỏ cảm xúc chính là lời khen từ cha mẹ. Bởi lẽ, lời khen ngợi này là nguồn động viên, đồng cảm, giúp trẻ có thể tự chủ thể hiện cảm xúc.
“Khi trẻ đã thể hiện cảm xúc, việc ứng phó với những cảm xúc đó sẽ như thế nào? Cũng như những kỹ năng khác, dạy con thể hiện cảm xúc cũng vậy. Quan trọng là cha mẹ chọn mô hình lành mạnh, tích cực để trẻ học tập”, bà Mỹ Dung chia sẻ.
Theo đó, có nhiều cách tích cực, lành mạnh để ứng phó với cảm xúc khó chịu. Trẻ có thể hít thở sâu hoặc đến phòng riêng hay nơi yên tĩnh nào đó. Hành động này sẽ giúp trẻ bớt khó chịu, căng thẳng trước khi khó kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Hạnh phúc từ điều nhỏ nhặt
Nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc đồng nghĩa với việc mang lại cho con một tinh thần thoải mái, tích cực. Bên cạnh việc bộc lộ cảm xúc, trẻ sẽ hạnh phúc khi sở hữu những kỹ năng quan trọng. Nhờ đó, con sẽ có thể dễ dàng vượt qua khó khăn, cũng như luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu trong tương lai.
Chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý - nhà sáng lập Tập đoàn Giáo dục Hotkids Việt Nam gợi ý, để con có một cuộc sống hạnh phúc, cha mẹ cần khuyến khích trẻ vui chơi ngoài trời. Đặc biệt, chạy trên sân cỏ, chơi xích đu, đi bộ hay đạp xe... đều là những hoạt động ngoài trời tốt cho con.
Chuyên gia lấy dẫn chứng, các nghiên cứu từ trang Sciencedirect cho thấy, mùi hương từ thiên nhiên như hoa, cây cỏ... có thể thúc đẩy tâm trạng của trẻ. Ngoài ra, chơi ngoài trời có thể cải thiện các kỹ năng xã hội ở trẻ em. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học và Y học về Thể thao cũng chỉ ra rằng, trẻ em dành thời gian chơi bên ngoài càng nhiều, sự đồng cảm, kiểm soát và gắn kết sẽ càng tăng.
“Đó là những kỹ năng xã hội quan trọng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần có. Vì vậy, hãy biến việc chơi ngoài trời thành thói quen hằng ngày cho trẻ. Ngay cả khi thời tiết không hoàn hảo, hãy khuyến khích con đạp xe, chơi với những đứa trẻ hàng xóm và chạy xung quanh”, chuyên gia Hải Lý nhấn mạnh.
Trong xã hội chứng kiến sự “lên ngôi” của công nghệ, có không ít ông bố, bà mẹ biến thiết bị điện tử thành bảo mẫu của con. Tuy nhiên, phụ huynh vô tình quên rằng, chính những công cụ đó đang khiến niềm hạnh phúc của trẻ sụt giảm.
Bởi vậy, chuyên gia Hải Lý khuyến khích cha mẹ nên hạn chế để con xem tivi, iPad hay điện thoại. Mặc dù, hầu hết trẻ tỏ ra thích thú với các thiết bị công nghệ, nhưng sức khỏe và tâm lý của con sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu sử dụng chúng quá nhiều.
“Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Emotion vào năm 2018 cho thấy, thanh thiếu niên dành ít thời gian bên tivi, điện thoại, thiết bị kỹ thuật số và dành nhiều thời gian cho các hoạt động như chơi thể thao, đọc sách, học tập... sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn”, bà Lý cho biết.
Vì vậy, cha mẹ được gợi ý kiểm soát thời gian trên màn hình của trẻ. Phụ huynh có thể đặt ra giới hạn, như hạn chế quyền truy cập hoặc thời gian xem của con. Ví dụ, con chỉ được sử dụng điện thoại từ 10 - 30 phút/ngày.
Học để hạnh phúc
Để luôn cảm thấy hạnh phúc, con cũng cần được biết tới bài học về lòng biết ơn. Theo chuyên gia này, việc biết ơn, nói lời cảm ơn sẽ giúp trẻ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cha mẹ luôn ép trẻ phải nói cảm ơn người khác khi con thật sự không muốn.
Một trong những cách tốt nhất để trẻ học về lòng biết ơn là tấm gương từ cha mẹ. Phụ huynh nên thể hiện sự biết ơn với những người xung quanh và dạy con làm điều tương tự. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thể hiện bằng lời nói, cha mẹ có thể khuyến khích con viết thư cảm ơn, tặng quà. Hoặc, đôi khi, chỉ một hành động nhỏ như cái ôm cũng khiến người khác cảm kích.
Khi nuôi dạy con, bất kỳ phụ huynh nào cũng đặt kỳ vọng vào trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng là, kỳ vọng đó cần có chừng mực.
“Kỳ vọng sẽ khích lệ sự cố gắng, nỗ lực của trẻ. Tuy nhiên, nếu đặt kỳ vọng quá cao, vượt ngoài khả năng của trẻ, con có thể sẽ cảm thấy áp lực về điều đó. Dù đặt kỳ vọng gì ở con, hãy quan tâm rằng, trẻ có thực sự thích và muốn làm hay không. Và, đừng quên thường xuyên khích lệ, khen ngợi sự cố gắng của con”, chuyên gia Hải Lý bày tỏ.
Ăn bánh ngọt, bỏ dở bài tập về nhà vì mải chơi với bạn bè, xem tivi thay vì làm việc vặt... đều là những điều có thể khiến trẻ vui vẻ nhất thời. Tuy nhiên, nếu duy trì lâu dài, những hành động đó sẽ trở thành thói quen gây hại. Vì vậy, bà Hải Lý cho rằng, cha mẹ cần dạy con biết kiểm soát hành vi và cảm xúc. Nhờ đó, con sẽ học cách tự giác ngay từ khi còn nhỏ. Một số nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, những người biết kiểm soát điều nhất thời có thể sống hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, chuyên gia này chia sẻ, làm việc vặt cũng là một yếu tố góp phần vào niềm hạnh phúc của trẻ.
“Các nghiên cứu chỉ ra rằng, để trẻ làm việc nhà sẽ giúp con chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống tương lai. Phân tích dữ liệu được thu thập qua 25 năm, Marty Rossman của Trường Đại học Mississippi phát hiện, những trẻ tập làm việc nhà khi chỉ từ 3 - 4 tuổi có nhiều khả năng tự kiểm soát bản thân tốt hơn. Trẻ cũng xây dựng mối quan hệ tốt hơn với bạn bè, gia đình và thành công hơn trong công việc”, bà Lý lấy dẫn chứng.
Lý giải cụ thể, chuyên gia cho rằng, khi làm việc nhà, trẻ được học về những gì cần làm để chăm sóc cho chính mình. Chẳng hạn như các kỹ năng: Nấu cơm, dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc. Con cũng có được kỹ năng giao tiếp từ việc hỏi cha mẹ cách làm, hay khi làm cùng cha mẹ.
Một bữa ăn tối cùng nhau có thể là điều bình thường của nhiều gia đình, nhưng cũng là thứ xa xỉ đối với không ít người. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em thường xuyên ăn tối với cha mẹ sẽ ít gặp phải các vấn đề về lạm dụng chất gây nghiện hoặc hành vi. Bên cạnh đó, bữa ăn cùng gia đình còn thúc đẩy sức khỏe. Trẻ ăn cùng cha mẹ ít có khả năng thừa cân hoặc bị rối loạn ăn uống.
Nhiều phụ huynh quan niệm rằng, con sẽ hạnh phúc hơn khi có động lực phấn đấu. Tuy nhiên, không ít cha mẹ thúc đẩy tinh thần cầu tiến ở con bằng việc so sánh trẻ với “con nhà người ta”. Thực tế, chuyên gia Hải Lý nhấn mạnh, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng có cá tính khác nhau. Vì vậy, việc áp đặt, so sánh con với những người khác có khả năng sẽ khiến trẻ bất mãn.
“Thay vì ép con thực hiện, cha mẹ hãy trao cho con quyền tự quyết định. Điều này sẽ giúp trẻ trở nên tự lập và dám chịu trách nhiệm cho hành vi của mình”, bà Lý gợi ý.
Để mang lại niềm hạnh phúc cho con, sự đồng hành, gắn kết của cha mẹ chính là yếu tố không thể thiếu. Phía sau những đứa trẻ hạnh phúc sẽ luôn là sự quan tâm, gắn bó của phụ huynh và gia đình. Theo chuyên gia Hải Lý, mọi đứa trẻ đều muốn nhận được sự quan tâm và chú ý từ cha mẹ. Bởi vậy, lắng nghe, trò chuyện, thấu hiểu sẽ giúp gắn kết, khiến con luôn tin tưởng cha mẹ.
“Dù là đọc sách, đi chơi, đi bộ hay làm bất cứ điều gì, hãy tương tác với con thật nhiều. Bởi lẽ, cha mẹ chính là đồ chơi tuyệt nhất của con”, bà Lý chia sẻ.
Nữ chuyên gia này cũng lấy dẫn chứng, một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Tạp chí Tâm lý học xã hội đã chia những người tham gia thành ba nhóm. Một nhóm được yêu cầu thực hiện một hành động tử tế hằng ngày. Nhóm khác được yêu cầu làm điều gì đó mới và nhóm thứ ba không có hành động nào phát sinh.
Kết quả chỉ ra rằng, chỉ sau 10 ngày, các nhóm thực hiện hành động tử tế và làm những điều mới đã trải qua nhiều khoảnh khắc hạnh phúc. Bởi vậy, giúp đỡ người khác cũng là một cách cho đi lòng tốt và nhận lại được nhiều điều tích cực, trao đi yêu thương, sẽ nhận về yêu thương.