'Nước vui' là nước gì?

GD&TĐ - Cuối tháng 9, Công an TP Kon Tum bắt một vụ vận chuyển 'nước vui' đang trên đường đi tiêu thụ tại huyện Đắk Hà (Kon Tum).

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Kiểm tra, tổ trinh sát phát hiện trên xe của đương sự có một bịch ni lông chứa chất tinh thể rắn màu trắng và một bịch ni lông màu đỏ, bên trong chứa chất bột màu cam.

Đây chính là “nguyên liệu” để hòa trộn với nước giải khát thành “nước vui”. Vụ án đã được khởi tố, bị can Trần Thiên Giác (26 tuổi, ngụ tại TP Kon Tum) đã bị bắt tạm giam để mở rộng điều tra. Giác khai nhận, y chở số “nước vui” này trên đường đi tiêu thụ thì bị bắt.

“Nước vui” là tên gọi của một loại nước có chứa chất ma túy tổng hợp, chúng có thể tạo ra ảo giác mạnh mẽ khiến người sử dụng cảm thấy vui một cách vô thức. Cảm giác “vui” này xuất phát từ việc ma túy tác động lên hệ thần kinh trung ương, kích thích sản xuất chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin tạo ra cảm giác hưng phấn cho người sử dụng.

Nguy hiểm hơn là, “nước vui” thường được bọn buôn bán ma túy pha trộn vào các loại nước giải khát, tạo thành dạng dung dịch có màu sắc khá bắt mắt, nhiều hương vị giống như nước ngọt, rất “hấp dẫn” đối với các em học sinh.

Việc núp bóng vào các loại nước giải khát khiến người dùng lần đầu hoàn toàn không hề hay biết mối nguy hiểm từ “chiếc bẫy” này. Dùng một lần thấy khoan khoái, tiếp tục sử dụng đến khi trở thành con nghiện lúc nào không hay. Việc ma túy được pha trộn vào nước ngọt cũng là cách bọn buôn bán ma túy đánh lừa sự chú ý của cơ quan chức năng nữa.

Môi trường tốt nhất để “nước vui” tồn tại không nơi nào thuận lợi cho bằng các trường học. Nhìn cảnh học sinh chen nhau mua các loại nước giải khát trong mỗi giờ ra chơi ở các cổng trường mà lo lắng thật sự. Nếu các em chỉ cần uống một đôi lần loại nước này, cảm giác thèm khát khoan khoái sẽ được “nhắc lại” cho đến khi sử dụng lần tiếp theo.

Hàng loạt các vụ ngộ độc từ bánh kẹo không rõ nguồn gốc được phát miễn phí đang từng xảy ra, như vụ một phụ nữ phát thạch câu miễn phí tại Trường THCS Trần Văn Trà, xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi) hôm cuối tháng 12/2023 khiến 24 học sinh trường này phải đi cấp cứu; hay như 9 học sinh Trường Tiểu học Quang Trung TP Vinh (Nghệ An) do uống nước ngọt miễn phí phải đi cấp cứu vào tháng 3/2021 hoặc như hàng chục học sinh tại một trường THCS tại Thanh Oai (Hà Nội) phải đi cấp cứu hôm 2/10/2024 do uống nước ngọt miễn phí ngay tại cổng trường trong giờ ra chơi.

Chúng ta hoàn toàn không biết được trong các loại đồ ăn thức uống được phát miễn phí tại nhiều trường học vừa qua, có bao nhiêu vụ các em đã sử dụng “nước vui” mà không hề hay biết.

Nếu bị ngộ độc thực phẩm dẫn đến các triệu chứng đau bụng, nôn mửa thì may ra nhà trường còn biết cách đưa các em đi cấp cứu chứ sử dụng “nước vui” với các biểu hiện khó xác định từ người sử dụng thì sự nguy hiểm thật khó lường.

Trước đây, ma túy được núp dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, bây giờ là dưới vỏ bọc nước giải khát, gọi là “nước vui”. Mọi người cần cảnh giác với thứ nước chết người này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ