Cái “siêu” (ấm nước) cũ kĩ nội giữ từ khi ông còn sống. Củi phải từ nhãn, tre để than lửa đỏ đều. Khi nước sôi, cho lá vối đã vò nhẹ vào, nhận lá ngập mặt nước, hạ bớt lửa rồi tiếp tục đun.
Trong quá trình đó, tuyệt đối không được mở vung vì hơi nước sẽ xông hết ra ngoài làm cho vị nước không đậm, mùi lá không thơm nồng.
Nước vối ngon là khi rót ra, đặc sóng sánh trông thật bắt mắt: Màu đỏ nâu nếu là lá khô; màu vàng chanh nếu là lá tươi. Từ nước cốt đầu tiên, nội cứ châm thêm nước sôi cho loãng dần. Uống từng ngụm nóng hổi, vị chan chát, thơm thơm chợt lan trên đầu lưỡi rồi dần ngấm sâu vào tiềm thức.
Cũng chỉ là cái vị chát nhẹ của loại cây vối thôn quê cùng với mùi hương thơm ngai ngái giản dị, ấy vậy mà lại không dễ dàng quên được thứ nước lá gắn kết tâm tình người quê từ bao đời nay. Chợt nhớ những câu thơ ta thuộc từ chiều Hè năm ấy:
“...Ôi nhớ sao,
Mảnh vườn quê hương ta đó
Cây vối già bạc phếch nắng mưa
Mỗi nhánh mốc gầy đều in dấu tuổi thơ
.....
Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta
Mà nhấp khỏi cứ ngọt hoài đầu lưỡi
Con ủ tay dưới nắp bông nóng hổi
Nghe rì rầm câu chuyện cũ năm nao…”.
(Nước vối quê hương - Nguyễn Trọng Định)