Sáng 23/7, ông Nguyễn Hồng Tài, Chủ tịch UBND xã Tương Dương (Nghệ An) cho biết, do ảnh hưởng của bão Wipha và các hồ thủy điện điều tiết xả nước, trong đêm qua và sáng nay, nhiều khối, bản ở địa phương có lũ lớn.
Trong đêm qua, chính quyền xã Tương Dương họp khẩn tìm phương án, chỉ đạo các bản, làng ứng phó. Hàng trăm hộ dân khối Hoà Bắc và khối Hoà Đông được di dời đến nơi an toàn.
Theo ông Tài, lũ trên sông Lam lên nhanh khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, có một số khu vực lũ ngập đến mái nhà, cuốn trôi nhiều tài của người dân.
Lũ quét cuốn trôi cầu treo cầu Đền Vạn, cầu Bản Chắn và cầu Bản Lau, cô lập hàng chục hộ dân ở 2 bản này.


Chủ tịch UBND xã Tương Dương cho biết, trong sáng 23/7, địa phương tiếp tục có mưa, sông Lam dâng cao do nước từ thượng nguồn đổ về, nhiều khu vực ngập cục bộ.
Chính quyền địa phương đang huy động các lực lượng quân sự, công an hỗ trợ di dời người dân, cùng tài sản đến nơi an toàn; đồng thời chốt chặn các vị trí xung yếu, hỗ trợ người dân khi cần thiết.
Tại xã Yên Na (Nghệ An), trong đêm qua, các lực lượng địa phương thực hiện sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại khu vực bản Vẽ, bố trí sơ tán 120 hộ dân đến nơi an toàn, tạm trú tại điểm trường tiểu học.
Cũng thời gian này, trên Quốc lộ 7, người dân tập trung đông đúc trên mặt đường ở vị trí cao ráo, không dám ở trong nhà vì sợ nước lũ dâng ngập; nước chảy xiết sẽ cuốn trôi cả người.

Tại xã Tam Thái (Nghệ An), thời điểm đêm khuya, nước trên sông Lam và các suối trên địa bàn dâng cao, nguy cơ gây ngập lụt một số hộ gia đình tại bản Lũng, Cánh Tráp, Cây Me. Ngay trong đêm, các lực lượng chức năng khẩn trương di dời 15 hộ, 65 khẩu có nguy cơ cao thuộc các bản Lũng, Cánh Tráp, Cây Me đến nơi an toàn.
Trong sáng nay, các lực lượng tiếp tục ứng trực, rà soát, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khi cần thiết.
Do mưa lớn kéo dài, nước sông Nậm Mộ dâng cao cộng với việc các thủy điện xả lũ, nhiều khu vực tại xã Mường Xén (Nghệ An).
Nước lên nhanh khiến người dân phải khẩn cấp di dời trong đêm, nhiều hộ không kịp cứu tài sản.
Trong đêm 22/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh có thông báo khẩn về tình hình mưa lũ trên địa bàn.
Theo đó, lúc 21h cùng ngày, lưu lượng về hồ Thủy điện Bản Vẽ (xã Yên Na) đạt 9.543m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m3/s (tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm xảy ra 1 lần).
Nhà máy thủy điện Bản Vẽ đang cắt, giảm lũ với lưu lượng xả xuống hạ du 1.727m3/s và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị, địa phương phía hạ du khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời, báo cáo về tỉnh khi có tình huống, sự cố xảy ra.




