Nước rửa chén ảnh hưởng lên sức khỏe khi dùng không đúng cách

GD&TĐ - Bên cạnh công dụng làm sạch chén đĩa, tẩy vết bẩn dầu mỡ trên quần áo, diệt cỏ dại, bọ chét... nước rửa chén sẽ vô tình biến thành chất cực độc khi được dùng không đúng cách.

Nước rửa chén ảnh hưởng lên sức khỏe khi dùng không đúng cách

Như chúng ta đã biết, nước rửa chén là một trong những món đồ thiết yếu không thể thiếu trong mỗi gia đình. Loại nước rửa này không chỉ có công dụng làm sạch chén đĩa, nồi chảo sau khi nấu nướng mà còn có nhiều công dụng khác như tẩy vết bẩn dầu mỡ trên quần áo, diệt cỏ dại, bọ chét, thông tắc bồn cầu,... Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách sẽ nguy hại cho sức khỏe vô cùng.

Theo thông tin từ các nhà khoa học, cơ chế chung của nước rửa chén là dùng một số hóa chất có tác dụng tách cáu bẩn ra khỏi đồ dùng, từ đó làm sạch dầu mỡ bám trên bề mặt chén đĩa, tẩy sạch vết bẩn trên vải vóc... Do vậy, sau khi rửa không tráng lại thật sạch thì khả năng các hợp chất hóa học độc hại còn bám trên chén đĩa sẽ đi vào cơ thể người khi sử dụng, gây ra những tác hại lớn đến sức khỏe.

Một số thói quen rửa bát sai lầm mà nhiều người hay mắc như dùng quá nhiều nước rửa chén, đổ thẳng vào bát đĩa, ngâm bát đĩa quá lâu...có thể biến nước rửa chén thành dung dịch cực hại.

Nước rửa chén ảnh hưởng lên sức khỏe khi dùng không đúng cách - ảnh 1

Đổ nước rửa chén trực tiếp lên chén đĩa

Nhiều người nghĩ rằng đổ trực tiếp dung dịch nước rửa chén đậm đặc lên chén đĩa thì hiệu quả tẩy rửa sẽ cao hơn. Thực tế là làm như vậy vừa lãng phí nước rửa chén, vừa không đảm bảo an toàn do sau khi tráng lại bằng nước sạch, lượng hóa chất còn sót lại trên bề mặt chén đĩa nhiều. 

Cách tốt nhất là dùng một chiếc khay riêng, hòa một ít dung dịch vào nước, khuấy đều cho sủi bong bóng lên rồi mới sử dụng.

Tráng qua loa sau khi dùng nước rửa chén

Nếu rửa qua loa, các hóa chất vẫn còn bám trên bề mặt chén đĩa. Để làm sạch các chất này, chúng ta phài tráng cho thật kỹ, từ 2 đến 3 lần trong chậu nước sạch sau khi rửa.

Ngâm chén đĩa quá lâu trong nước rửa chén

Thời gian ngâm chén đĩa trong dung dịch tẩy rửa càng lâu thì nguy cơ các hóa chất đó ngấm vào chén đĩa càng cao. Riêng đối với các loại đũa, muỗng làm bằng chất liệu dễ thấm như tre hoặc gỗ khi đã ngấm hóa chất thì không thể tẩy rửa sạch được.

Dùng nước tẩy để rửa các dụng cụ bị sứt mẻ

Chén, đĩa, hũ sứ bị nứt, khi dùng nước tẩy để rửa sạch, khả năng hóa chất còn bám lại trên bề mặt bị sứt mẻ rất cao. Dù tráng lại bằng nước cũng khó sạch triệt để.

Dùng quá nhiều nước rửa chén cho một lần sử dụng

Với lý do chén dĩa quá dơ, không ít bà nội trợ đã dùng một lượng lớn nước rửa chén. Tuy nhiên, khi dùng nhiều, nước rửa chén sẽ có "tác dụng phụ" của nó là rất khó rửa sạch hết hóa chất, những chất còn sót lại sẽ thôi ra thức ăn khi dụng cụ đó được tái sử dụng.

Dùng nước rửa chén trôi nổi không rõ nguồn gốc

Nhìn chung tất cả sản phẩm tẩy rửa đều có hóa chất độc hại nhưng nếu so ra thì các sản phẩm tẩy rửa trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây độc cho con người hơn. Lý do là các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng nên có thể chứa chất độc hại không được phép sử dụng.

Hơn nữa do được pha chế tùy tiện nên trong quá trình "cộng gộp" các chất với nhau có thể dẫn đến nhiều phản ứng hóa học phát sinh các độc tố khác.

Để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng, bác sỹ Phạm Cẩm Vân, Viện Da liễu Trung ương khuyên: “Với chất tẩy rửa, người tiêu dùng cần chú ý sau khi dùng phải rửa lại nhiều lần qua nước sạch. Nếu thấy sản phẩm có biểu hiện như loãng, phân lớp hoặc có mùi khó chịu thì không nên mua. Khi sử dụng các chất tẩy rửa phát hiện thấy da tay bị nhờn, nhớt, ăn mòn hoặc khô nhăn thì không nên dùng tiếp. Không nên tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa mà phải mang bao tay. Lau chùi xong phải rửa lại bằng nước sạch nhiều lần”.

Theo VietQ.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ