Áp lực lên ông Macron
Các cuộc họp dự kiến sẽ tập trung vào sự đoàn kết quốc gia. Ông Macron thúc giục những người biểu tình “Áo vàng” tìm cách đối thoại sau hàng loạt biểu tình và bạo loạn vào các dịp cuối tuần, trong đó 1.723 người đã bị bắt để thẩm vấn và 1.220 người bị bắt giam. 135 người bị thương trên khắp nước Pháp do tình trạng lộn xộn này.
Ông Macron đang phải đối mặt với những lời chỉ trích từ cả hai phía, cánh tả và cánh hữu, khi những người biểu tình diễu hành chống lại sự gia tăng của chi phí sinh hoạt, loại bỏ “thuế tài sản” và những cáo buộc rằng, ông đã làm rất ít để giải quyết sự bất bình đẳng trong xã hội Pháp.
Áp lực tăng thêm vào cuối tuần qua khi cảnh sát buộc phải bắn đạn cao su và hàng trăm hộp hơi cay vào người biểu tình, trong đó xe hơi của một số người đã bị đốt cháy. Các cuộc biểu tình đã làm Paris tê liệt hoàn toàn. Các địa danh như Tháp Eiffel bị đóng cửa, một số trạm tàu điện ngầm cũng ngừng hoạt động, các sự kiện thể thao trên khắp đất nước bị trì hoãn. Khoảng 8.000 cảnh sát đã có mặt trên đường phố Paris và hàng chục nghìn người khác được triển khai trên khắp đất nước.
Thảm họa kinh tế
Vào Chủ nhật vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire tuyên bố tình trạng bất ổn đang tạo ra một “thảm họa” cho nền kinh tế Pháp. Ngành bán lẻ của Pháp đã bị thiệt hại về doanh thu khoảng 1,1 tỷ đô la kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình áo vàng vào tháng trước, theo bà Sophie Amoros, phát ngôn viên của liên đoàn bán lẻ Pháp. “Đó là một thảm họa cho thương mại, một thảm họa cho nền kinh tế của chúng tôi”, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire nói với các phóng viên khi ông đi dạo quanh Paris để khảo sát thiệt hại do người biểu tình gây ra.
Cuối tuần qua, số người tham gia các cuộc biểu tình trải khắp đến tận các thành phố phía Nam của Marseille và Toulouse lên đến 136.000 người. Thoạt đầu, đây chỉ là một phong trào địa phương, và những cuộc biểu tình “Áo vàng” đầu tiên được người dân chủ yếu từ các vùng nông thôn thiếu thốn đăng tải trực tuyến trên Facebook. Họ bắt đầu bằng cách phối hợp chặn đường trên khắp nước Pháp để phản đối việc tăng thuế nhiên liệu, nhưng các cuộc biểu tình đã trở thành một cuộc biểu tình rộng lớn hơn, đầy giận dữ, nhằm chống lại Macron.
Dominique Moisi, một chuyên gia chính sách đối ngoại tại Học viện Montaigne có trụ sở tại Paris, cựu cố vấn chiến dịch Macron nói với CNN rằng Tổng thống Pháp không chỉ gặp khủng hoảng mà tương lai của châu Âu cũng bị treo trong một thế mong manh: “Chỉ vài tháng nữa sẽ có cuộc bầu cử ở châu Âu và Pháp được coi là người mang hy vọng và tiến bộ châu Âu. Điều gì xảy ra nếu điều này không còn nữa? Nếu tổng thống không có khả năng thực hiện thông điệp đó? Tương tự, tương lai của dân chủ cũng vậy, các nền dân chủ hẹp hòi cũng đang gia tăng trên toàn thế giới”.
Nguy cơ cho nền dân chủ
Và nếu Macron thất bại trong việc thu xếp cho tương lai của nước Pháp, thì ông cũng gặp nguy cơ giống như Tổng thống của Ý ngày hôm nay. Thậm chí, còn nghiêm trọng hơn nhiều, vì chúng ta có một nhà nước tập trung đóng vai trò chính trong cán cân quyền lực ở châu Âu. Có thể nói, đó sẽ là một phiên bản tiếng Pháp của một hiện tượng toàn cầu hơn nhiều.
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng hai tweet đề cập đến các cuộc biểu tình “áo vàng”, và nhận định rằng Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu không “làm việc rất tốt cho Paris”. Phản ứng trước nhận định này, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump kiềm chế không bình luận về các cuộc biểu tình ở Pháp và không can thiệp vào các chính sách đối nội của đất nước. “Tôi đề nghị ông Donald Trump, và Tổng thống của chúng tôi cũng đã nói: Chúng tôi không tham gia vào các cuộc tranh luận của Mỹ, vậy hãy cho phép chúng tôi sống cuộc sống như một quốc gia”, Le Driat nói với truyền hình LCI. Ông Le Drian bình luận thêm rằng: “Hầu hết người Mỹ không đồng ý với quyết định ly khai khỏi Thỏa thuận Paris (của ông Trump)”, nên Tổng thống Mỹ cần “thận trọng lời ăn tiếng nói”.