Đại công quốc Luxembourg
Luxembourg hiện là Đại công quốc duy nhất còn tồn tại trên quả đất. Nguyên thủ quốc gia là vua (bao gồm hoàng đế, thiên hoàng, nữ hoàng, nữ vương, quốc vương, kể cả giáo hoàng Vatican), tổng thống, quốc trưởng, chủ tịch nước, toàn quyền; nhưng đứng đầu Đại công quốc là đại công tước. Tiếng Anh gọi đại công tước là Grand Duke, nữ đại công tước là Grand Duchess.
Tại Đại công quốc Luxembourg, nữ đại công tước Charlotte thoái vị vào năm 1964 và nhường ngôi cho con trai là thái tử Jean. Tháng 10/2000, con trai của Jean là thái tử Henri tuyên thệ nối ngôi đại công tước.
Đại công quốc Luxembourg có diện tích 2.586km2, thủ đô đặt tại thành phố (TP) mang tên nước là Luxembourg – nơi đôi dòng sông Alzette và Petrusse hợp lưu. Với những kiến trúc cổ quý hiếm gồm phố xá, pháo đài, công sự, hầm ngầm, đô thị Luxembourg được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 1994, được ưu tiên chọn làm “thủ đô văn hóa của châu Âu” vào các năm 1995 và 2007.
Dân số cả nước ước tính hiện nay là 626.108 người, gồm người Luxembourg còn gọi người Celt chiếm 65%, số còn lại là những người nhập cư từ Bồ Đào Nha, Ý, Montenegro, Abania, Kosovo.
Quốc hiệu Đại công quốc Luxembourg viết theo 3 ngôn ngữ chính thức của nước này:
* Tiếng Luxembourg: Groussherzogtum Lëtzebuerg.
* Tiếng Pháp: Grand-Duché de Luxembourg.
* Tiếng Đức: Großherzogtum Luxemburg.
Luxembourg có khí hậu ôn đới, địa hình chủ yếu là đồng bằng đồi. Sông ngòi chiếm 34,2% lãnh thổ; đồng cỏ 25,6%; đất canh tác 23,2%.
Là nước theo dân chủ đại nghị và quân chủ lập hiến, Luxembourg tọa lạc tại Tây Âu, giáp giới các quốc gia Pháp, Đức, Bỉ. Luxembourg là thành viên sáng lập Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh Tây Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương/North Atlantic Treaty Organization (NATO), Liên minh Kinh tế Benelux (gồm 3 nước Belgium/Bỉ, Netherlands/Hà Lan, Luxembourg).
Trước kia, đơn vị tiền tệ của đất nước này là Luxembourg franc; từ năm 1999, Luxembourg sử dụng đồng tiền chung châu Âu/euro/€. Kinh tế Đại công quốc Luxembourg rất phát triển, với các lĩnh vực vượt trội gồm thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hàng dệt, hóa chất cao su, sản xuất vật liệu bằng nhựa, máy móc và thiết bị vận tải. Riêng tài chính - ngân hàng mỗi năm đóng góp 28% GDP của cả nước. Công nghiệp thực phẩm Luxembourg xuất sắc với hàng loạt mặt hàng sản xuất từ sữa, thịt, phong phú mẫu mã, chất lượng hảo hạng, cùng nhiều chủng loại rượu. Công nghiệp luyện kim và gang thép được Luxembourg quan tâm, có chuỗi nhà máy ở Tây Nam đất nước. Nông nghiệp thiên về chăn nuôi. Luxembourg chú trọng ngoại thương, với các bạn hàng chủ yếu gồm Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Bố trí nông nghiệp 1%, công nghiệp 14%, dịch vụ 85%, cơ cấu GDP Luxembourg rất đáng để nhiều quốc gia nghiên cứu tham khảo vận dụng.
Về giáo dục, dẫu nhấn mạnh yêu cầu “cơ bản” và “toàn diện”, nhưng Đại công quốc Luxembourg quá dị biệt bởi chỉ mở duy nhất một trường đại học, lại thành lập nhiều trung tâm đào tạo chất lượng cao, nhiều trường cao đẳng và dạy nghề. Ở Luxembourg, hệ thống giáo dục phổ thông gồm 13 lớp (6 lớp tiểu học và 7 lớp trung học), sau đó học sinh trở thành sinh viên trong nước hoặc ra nước ngoài tu nghiệp, nhiều trường hợp là nghiên cứu sinh khoa học tự nhiên và kỹ thuật cùng khoa học xã hội và nhân văn.
Cộng hòa Mozambique
Ở Đông Nam châu Phi, Mozambique phía Đông giáp Ấn Độ Dương, những phía khác thì giáp các quốc gia Tanzania, Malawi, Zambia, Zimbabwe, Swaziland và Nam Phi.
Năm 1498, bá tước Vasco de Gama là nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đến đây. Năm 1505, thực dân Bồ Đào Nha chiếm Mozambique làm thuộc địa.
Mãi đến ngày 25/6/1975, Mozambique mới trở thành quốc gia độc lập. Đứng đầu nhà nước Mozambique là đương kim Tổng thống Filipe Nyusi.
Cộng hòa Mozambique có diện tích 801.590km2, chia làm 10 tỉnh và thủ đô là TP Maputo. Dân số Mozambique hiện ước tính số lượng 30.066.648 người mà người Bantu chiếm 99%. Ngôn ngữ chính của đất nước này là tiếng Bồ Đào Nha, nên quốc hiệu được ghi República de Moçambique.
Khí hậu Mozambique xích đạo ở phía Bắc, nhiệt đới ở phía Nam. Đồng cỏ chiếm 56% lãnh thổ, rừng chiếm 22%, đất canh tác chỉ 4%.
Kinh tế Mozambique cực kỳ yếu kém. Nông nghiệp thu hút 80% lực lượng lao động, với sản phẩm chính gồm lúa mì, lúa gạo, bắp ngô, sắn, mía, dừa, đậu phộng/lạc, hạt điều, bông vải; chăn nuôi chủ yếu bò, dê, lợn. Ngư nghiệp đánh bắt cá, nhất là cá biển, cung cấp nguồn thực phẩm hứa hẹn. Lâm nghiệp khai thác gỗ tròn, mỗi năm cỡ 18 triệu m3. Công nghiệp rất phôi thai, hoạt động chính là khai khoáng gồm quặng kim loại (đồng, sắt, nhôm), đá quý và đá bán quý; ngoài ra có hàng dệt và hóa chất, đường, thực phẩm đóng hộp.
Đơn vị tiền tệ của đất nước này là Metical, trước kia viết tắt MZN, từ ngày 1/7/2006 viết tắt MZM có giá hối đoái hiện thời 1 USD = 71,22 MZM.
Cộng hòa Mozambique mới chỉ có một Trường Đại học Eduardo Mondlane ở thủ đô, còn bậc phổ thông lâu nay dạy và học quá khó khổ, nhất là tại các vùng nông thôn, vì thiếu nhà giáo, thiếu trường lớp, lại thêm tình hình đất nước liên tục đói nghèo và bất ổn. Do đó, 67% dân số Mozambique đang mù chữ là hiện trạng quá đỗi xót xa.