Nước mắt nơi đại ngàn

GD&TĐ - Chúng tôi đến thôn Tà Lêng, xã Đakrông thuộc huyện Đakrông (Quảng Trị) hỏi nhà anh Hồ Văn Hải, người dân chỉ đường giọng đầy ái ngại: “Không biết Hải có nhà không, còn vợ nó đã đi tù mấy ngày rồi”.

Anh Hồ Văn Hải và con nhỏ bên bếp lửa. Ảnh: T.G
Anh Hồ Văn Hải và con nhỏ bên bếp lửa. Ảnh: T.G

Đốt rừng làm rẫy

Ôm đứa con chưa đầy 3 tuổi, anh Hồ Văn Hải (SN 1991) kể lại chuyện vướng vòng lao lý nơi miền sơn cước. Tiếng là ở rừng, lại là rẻo cao nhưng gia đình anh cũng như nhiều nhà khác đều lâm vào tình cảnh thiếu đất sản xuất trầm trọng. Ngay như đất đang ở cũng nhờ ông bố dượng cho làm nhà ở tạm khi vợ chồng anh ra ở riêng.

Vợ chồng anh lấy nhau năm 2012, đến nay đã có hai mặt con nhưng chỉ có 40m2 ruộng nước được xã cho mượn để canh tác. Có đất là mừng nhưng chưa kịp mừng đã lo. Cũng bởi khi canh tác lại gặp khó khăn không dễ khắc phục. Tiếng là ruộng nước nhưng lại thiếu nước. Muốn dẫn nước về lại phải tốn hơn chục triệu đồng mua ống. Mà dẫu làm được cũng chẳng bõ bèn khi lo bốn miệng ăn.

Anh Hải nói giọng buồn trĩu nặng: “Mình ở rừng thì khi khó khăn phải chạy vào rừng kiếm sống. Hai vợ chồng đi lấy mây, lấy tre. Ngày nhiều có khi được hai trăm, còn thì trăm rưỡi, một trăm nghìn đồng cũng không đủ sống. Rồi đêm xuống ngủ cũng không yên. Vậy là phải tìm cách khác, nhưng cách gì rồi cũng dựa vào rừng nhưng bốn bề đều là rừng của Nhà nước, đụng đâu cũng không được làm nhưng không đốt rừng làm rẫy thì biết lấy gì mà sống”.

Anh Hải bảo, lúc đầu nghe cán bộ tuyên truyền cũng sợ không dám đốt rừng làm rẫy nhưng vợ anh nghỉ được vài hôm lại sốt ruột, giục anh đi làm, vì hầu như cả bản nhà nào cũng vậy. Anh không dám đi, nhưng vợ anh - chị Hồ Thị Niêng (SN 1996) - lúc đầu còn do dự nhưng rồi vẫn cầm rựa một mình lên phát rừng. Thấy vậy, anh Hải cũng theo chân vợ lên rừng phát làm rẫy.

Nóng ruột vì sức người không thể đốn cây to nên vợ chồng anh mượn máy cưa tay lên hạ cây. Tiếng máy đã đánh động lực lượng chức năng và cán bộ kiểm lâm đã báo chính quyền xã ra lệnh đình chỉ việc phá rừng làm rẫy... Cả tháng trôi qua, chị Hồ Thị Niêng đứng ngồi không yên phần vì tiếc công phát rừng và phần vì không biết làm gì để kiếm cơm ăn qua ngày. Nóng ruột, chị lại đi vào rừng...

Trong phút giây cầm lòng không đặng, chị đã bật lửa lên đốt cháy vạt rừng đã phát. Chị đâu ngờ, ngọn lửa cũng đốt cháy luôn cả tổ ấm mà anh chị vất vả lắm mới tạo dựng được nhưng đang chao đảo áo cơm ngay giữa đại ngàn. Cơ quan kiểm lâm và CSĐT địa phương xác định hiện trường bị đốt cháy thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, diện tích gần 6.000 m2 và trị giá cây rừng thiệt hại hơn 122 triệu đồng. Vụ án hình sự “Hủy hoại rừng” được khởi tố với hai bị can là vợ chồng Hồ Thị Niêng và Hồ Văn Hải..

Tin chị Hồ Thị Niêng ra tòa và chắc có lẽ phải đi tù loang ra khắp núi rừng Đakrông, còn nhanh hơn chân con sóc, lẹ hơn cánh con chim. Nhiều người bàn tán xôn xao. Xưa nay, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Trị thường có nếp nghĩ rừng là của Giàng (Trời) ban cho mình, cứ dựa vào rừng mà sống. Họ nghĩ đơn giản nếu thiếu đất thì cứ phát rừng đốt rẫy, lỡ có việc gì thì cũng nhắc nhở, họp hành kiểm điểm là xong, làm gì có chuyện phát rừng đốt rẫy mà phải đi tù, hơn nữa đây lại là phụ nữ, rồi con còn nhỏ...

Ngày tòa huyện xử phiên sơ thẩm, bà con đến xem khá đông dù từ bản ra cũng mấy chục cây số. Ai cũng hồi hộp đoán già đoán non. Nghe tòa tuyên, Hồ Văn Hải bị phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo, còn Hồ Thị Niêng 9 tháng tù giam, mọi người chộn rộn. Chị Hồ Thi Niêng như không còn tin vào tai mình nhưng đó là sự thật. Chị ứa nước mắt nghĩ đến chồng con. Ai đó nói với chị phải kháng cáo xin hưởng án treo vì gia đình khó khăn, con còn nhỏ dại. Vợ chồng chị làm theo.

Ngày 20/11/2018 tòa phúc thẩm xử tại tỉnh lỵ Đông Hà. Xa hơn tòa huyện 40 cây số nhưng bà con trong bản vẫn đi và hy vọng. Vợ chồng chị cũng vậy, thấp thỏm cả đêm không ngủ trước phiên phúc thẩm. Khi tòa tuyên y án sơ thẩm, chị gần như đứng không vững. Nước mắt chị và nước mắt của những người thân lại nhỏ xuống dọc đường đi về bản của mình.

Anh Hồ Văn Hải thở hắt ra rồi nói giọng cay đắng: “Ngày xử phúc thẩm chính là ngày mẹ tôi qua đời vì bệnh phổi”. Đúng như người đời vẫn nói: Họa vô đơn chí!

Tan đàn xẻ nghé

Vẫn biết tòa khi lượng hình vụ án này cũng đã cân nhắc nhiều bề nhưng khó có thể phán quyết nhẹ hơn nếu muốn giữ nghiêm phép nước. Cũng bởi nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở Quảng Trị đang là vấn đề rất thời sự, có đơn vị Nhà nước như Công ty Lâm nghiệp Đường 9 đã làm thất thoát hơn 1.000 ha rừng trên địa bàn huyện Cam Lộ đang còn giải quyết nên chuyện này càng trở nên nhạy cảm.

Khi đặt vấn đề này với Trưởng Công an huyện Đakrông, Thượng tá Hoàng Văn Trung, anh trả lời sau phút trầm ngâm: “Tôi mới chân ướt chân ráo về nhận công tác huyện này nhưng thấy nhu cầu đất sản xuất là câu chuyện của cả vùng cao Quảng Trị. Còn vụ án này thì đã làm đúng theo luật, xử như vậy là không có gì sai cả. Nhưng đứng ở góc độ nhân văn mà nói, chúng tôi cũng rất băn khoăn. Đúng là không ai được phép phá rừng cả vì bất cứ lý do gì nhưng suy cho cùng bà con đốt rừng làm rẫy cũng bởi họ thiếu đất sản xuất trầm trọng. Đây mới là gốc rễ của vấn đề cần được quan tâm”.

Như sợ mình nói chưa hết ý, Thượng tá Trung nói thêm: “Để làm tốt công tác trật tự trị an thì tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân là điều phải được quan tâm hàng đầu. Mà người dân muốn sản xuất thì tất yếu phải có đất mới có thể tạo được sinh kế lâu bền. Làm được như vậy mới yên dân. Khi đó chắc chắn sẽ hạn chế nạn phá rừng làm rẫy của người dân. Chúng tôi cũng đã xác nhận cơ quan công tố đã thụ lý 5 vụ án tương tự như vậy trong năm 2018. Vị này còn cho biết thêm sau khi tổng hợp một số vụ án về hủy họa rừng, cơ quan này sẽ báo cáo lãnh đạo huyện để đề xuất về đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số vùng cao.

Còn theo báo cáo của huyện Đakrông, thống kê sơ bộ đã có đến gần 1.500 hộ dân cần đến hơn 700 ha đất sản xuất. Đây là bài toán cần được giải quyết một cách căn cơ. Chính bà Hồ Thị Dơn sống cạnh nhà anh Hồ Văn Hải cũng đã khẳng định rằng: “Cả bản này rất nhiều người thiếu đất. Mà muốn có đất sản xuất thì phải phá rừng làm rẫy. Niêng bị đi tù bà con cũng thấy tội lắm”.

Trở lại ngôi nhà anh Hồ Văn Hải. Ngôi nhà vắng bóng phụ nữ đến cả bếp đun như cũng lạnh hơn. Anh Hải cho biết sau khi vợ bị khởi tố, đứa con đầu 6 tuổi Hồ Văn Thiện Tâm đã được một cơ sở từ thiện tôn giáo nhận nuôi tại huyện Cam Lộ. Còn cháu Hồ Văn Thiện Đức chưa đầy 3 tuổi ở với anh. Trò chuyện cả buổi nhưng vẻ mặt anh vẫn không bớt ưu tư: “Cháu chưa đến tuổi đến trường nên tôi phải ở nhà giữ cháu. Ai hỏi mẹ đi đâu, cháu bảo mẹ bị bắt đi tù rồi. Rồi cháu hỏi tôi khi nào mẹ về và khóc. Tôi cũng không biết nói sao, ôm con mà chảy nước mắt. Tội nghiệp đứa con lớn, nó vẫn chờ mẹ về...”. Rồi anh nói tiếp: “Nếu Niêng ra tù chắc vợ chồng tôi chỉ còn nước vào miền Nam làm thuê mà nuôi con, còn sống ở đây cũng lại phải đốt rừng làm rẫy”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.