Nước mắt của rừng

GD&TĐ - Giữa khu bảo tồn thiên nhiên có một con đường dẫn tới 4 thủy điện nằm giữa vùng lõi. Ở đó có những cánh rừng đang khóc dưới con nước thủy điện, dưới bàn tay lâm tặc, có những thân cây ngã đổ sau tiếng vọng của cưa máy như xé nát sự thinh lặng của núi rừng thẳm sâu.

Nước mắt của rừng

Rừng xanh kêu cứu

Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) có diện tích 41.508 ha, bao gồm 43 tiểu khu liên quan đến 11 xã; trong đó 9 xã thuộc 2 huyện Phong Điền, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và 2 xã thuộc tỉnh Quảng Trị.

Mục tiêu là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe dọa, các loài đặc hữu của vùng núi thấp miền Trung; duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ đầu nguồn của khu vực đối với các con sông lớn Mỹ Chánh, Ô Lâu, Sông Bồ. Đồng thời, rừng còn góp phần phát triển kinh tế xã hội của dân cư sống quanh vùng bảo tồn...

Nhưng rồi khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền những năm trở lại đây đang trở thành miếng mồi ngon cho nạn chặt phá rừng. Từ khi tuyến đường mòn 71 hình thành để phục vụ thi công thủy điện 4 công trình thủy điện trong vùng lõi thì cuộc chiến giữ rừng của những kiểm lâm nơi đây căng thẳng hơn cả những trận đánh. Những nhân viên kiểm lâm luôn trong tình trạng “động rừng”.

Tuyến đường 71 dài hơn 50km nhưng đi qua Khu BTTN Phong Điền dài khoảng 25km. Và cũng từ đây, nạn chặt phá rừng phát sinh nhiều hơn, quy mô cũng lớn hơn... Nhìn từ bên ngoài tưởng chừng rừng vẫn còn nguyên sinh nhưng vào bên trong mới thấy cảnh gỗ đã bị chặt hạ hết đặc biệt là các những loài cây gỗ quý, lâu năm, có đường kính từ 60cm trở lên.

Vị trí khai thác lâm tặc thường chọn là khu vực hiểm trở có dốc, để dễ vận chuyển gỗ xuống đường.Các “cung đường gỗ lậu” trên chỉ tạm cắt đứt khi có sự vào cuộc quyết liệt giữa các cơ quan chức năng của những địa phương có vùng rừng giáp ranh.Thế nhưng, chỉ cần một phút lơ là, những cung đường này lại được mở và “máu rừng” vẫn chảy.

Lực ít, rừng rộng, họ nhiều lúc lực bất tòng tâm khi thấy những thân cây cả vòng tay ôm nằm ngổn ngang giữa rừng sâu. Những thân cây lớn ở sâu trong rừng bị lâm tặc thả từ đỉnh đồi xuống theo các khe suối, sau đó chất gỗ lên ô tô rồi chuyển ra ngoài vào ban đêm để tránh lực lượng tuần tra.

Lợi nhuận từ việc buôn bán vận chuyển thớt nghiến quá cao so với mức thu nhập của một người dân miền núi. Do vậy, nhiều người dân địa phương sẵn sàng vi phạm pháp luật, bắt tay với đầu nậu để tuồn thớt nghiến ra bên ngoài.

Lời cầu cứu của rừng xanh

Năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ ở địa phương này với 8 thủy điện. Trong số này có 4 thủy điện (A Lin B1, Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4) nằm trong Khu BTTN Phong Điền. Trong khi đó tuyến đường mòn 71 vốn là đường quốc phòng được đầu tư nâng cấp từ năm 2015 với số tiền hằng trăm tỷ nhằm mục đích phục vụ xây dựng 4 công trình thủy điện trên.

Cả 4 nhà máy thủy điện trên thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái. Hơn 100 ha rừng nghèo phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thủy điện. Ngoài ra, một số diện tích khác cũng phải chuyển đổi để thi công đường 71 và đường dây điện nối vào hệ thống điện lưới quốc gia.

Ông Trụ băn khoăn lắm, bởi việc thực hiện các dự án xây dựng các công trình thủy điện sẽ có những tác động nhất định đến việc bảo tồn và đa dạng sinh học của Khu BTTN Phong Điền. Đặc biệt, việc thi công sẽ gây ra tiếng ồn, rừng bị mất, tác động đến môi trường sống của các loại động thực vật.

Mặt khác, do nhiều công trình thủy điện thi công nên rất dễ xảy ra tình trạng đối tượng trà trộn, lợi dụng để phá rừng. Không chỉ ông Trụ, mà tất cả các nhân viên kiểm lâm ở đây cũng chung niềm khắc khoải ấy. Họ từng ngày từng giờ chiến đấu để giữ rừng. Từng phút một đối diện với hiểm nguy, với các đối tượng lâm tặc hung hãn, và cả với những tai nạn bất ngờ giữa rừng sâu khi đi tuần tra. Những điều đó chỉ có họ mới hiểu thấu hết được.Lực lượng kiểm lâm nơi đây không chỉ đổ mồ hôi mà cả máu để bảo vệ cây rừng. "Cuộc chiến" giữ rừng bảo tồn trở nên cam go hơn bao giờ hết.

Bất chấp sự truy quét của các lực lượng chức năng, lâm tặc tìm mọi đủ đoạn để phá rừng. Hoạt động của chúng ngày càng táo tợn và phức tạp hơn. Mặc dù lực lượng kiểm lâm đã tổ chức chốt chặn ở hầu hết các tuyến đường ra khỏi rừng, nhưng lâm tặc cũng đối phó bằng cách thêm nhiều “vệ tinh” để theo dõi hoạt động của kiểm lâm.

Lực lượng kiểm lâm của đơn vị còn ít với chỉ hơn 10 người, trong khi diện tích của Khu Bảo tồn lại rất rộng, đồng thời lại giáp ranh và thuộc một phần của tỉnh Quảng Trị nên vấn đề bảo vệ rừng là một bài toán nan giải. Về lâu dài sẽ tiếp tục phối hợp với các xã vùng đệm thuộc hai huyện Phong Điền và A Lưới để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân các quy định về công tác bảo vệ rừng.

Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu BTTN Phong Điền, xót xa khi thấy những thân cây nằm ngổn ngang trong rừng. Không chỉ đường đi lại khó khăn, nguy hiểm như thế nào lâm tặc cũng có thể tìm mọi cách để khai thác, vận chuyển gỗ lậu bởi lợi nhuận khủng. Không chỉ mở các đường len lỏi vào các cánh rừng, lâm tặc lợi dụng đủ mọi địa hình để tàn phá rừng. Và, có những “cung đường gỗ lậu” âm ỉ kéo dài trong suốt nhiều năm khiến các ngành chức năng đau đầu trong việc xử lý, ngăn chặn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.