Chăm lo cho trò...
Cô Hoàng Thị Hải Yến quê ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hiện là cán bộ y tế trường Mầm non Thanh Xương (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Học trung cấp y sĩ đa khoa và bắt đầu làm việc từ năm 2015, cô Yến thấu hiểu những nỗi vất vả mà cán bộ y tế trường học trải qua.
Không phải người con của Điện Biên nhưng lại có cơ hội gắn bó với mảnh đất này, nhớ như in những ngày đầu mới nhận công tác, cô Yến chia sẻ: Năm 2015 cô nhận quyết định về trường THCS Võ Nguyên Giáp (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ) làm công tác y tế. Được nhà trường tạo điều kiện nên cô ở luôn tại khu tập thể. Điều này giúp cô thuận tiện trong việc chăm sóc sức khoẻ cho học sinh nội trú.
“Ngày ấy mới hơn 20 tuổi, xa quê, xa bố mẹ, cộng thêm những bỡ ngỡ lúc mới đi làm, và lại ngày ấy cán bộ y tế còn thiếu rất nhiều nên phải kiêm nhiệm thêm công tác y tế tại trường Tiểu học Mường Phăng. Công việc cũng khá nhiều áp lực”, cô Yến cho hay.
Cán bộ y tế trường học tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên về dinh dưỡng, cách phòng ngừa bệnh cho trẻ. |
Hai trường cô Yến kiêm nhiệm cách nhau đến hơn 10km. Mặc dù lịch trực được bố trí xen kẽ, nhưng khi có việc đột xuất (học sinh bị đau ốm, cần hỗ trợ kịp thời) thì cô phải chạy đi chạy lại.
Với học sinh nội trú, mọi vấn đề về sức khoẻ từ: đau răng, đau bụng, đau đầu… không kể lúc nửa đêm hay trời sáng, lúc nào cần cô đều có mặt kịp thời để chăm sóc.
Sau khi xây dựng gia đình, cô Yến chuyển công tác về trường Tiểu học Hoàng Công Chất (huyện Điện Biên). Tại đây, cô cũng kiêm nhiệm thêm trường Mầm non Pom Lót (xã Pom Lót, huyện Điện Biên).
Học sinh tiểu học và mầm non đặc biệt hiếu động nên việc giữ an toàn cho trẻ rất khó. “Còn nhớ năm học 2020, có em học sinh lớp 2 trong giờ ra chơi bị ngã đập đầu xuống nền nhà. Lúc đó bé khóc to, cộng thêm máu chảy nhiều, mọi người đều rất lo lắng. Với nghiệp vụ được học, tôi nhanh chóng thực hiện các thao tác cầm máu, động viên để em bình tĩnh lại. Sau đó, chuyển em lên trạm y tế xã để khám, chữa”, cô Yến nhớ lại.
Đầu năm 2022 cô Yến chuyển về trường Mầm non Thanh Xương làm công tác y tế. Tuy không kiêm nhiệm thêm trường nào nhưng với đặc thù trẻ mầm non còn nhỏ, chưa thể tự bảo vệ mình và biểu đạt hết tình trạng sức khoẻ, nên công tác chăm sóc cũng khá vất vả.
Ngày nào cũng vậy, 6 giờ sáng, cô Yến ra khỏi nhà. Mùa hè cũng như mùa đông, khi mưa cũng như lúc nắng. Do học sinh mầm non ăn bán trú 3 bữa/ngày (sáng, trưa, chiều) nên cô phải có mặt ở trường từ sớm để kiểm tra công tác vệ sinh, chất lượng nguyên liệu, thực phẩm nấu ăn. Thực hiện công tác kiểm tra 3 bước trước, trong, sau khi nấu và lưu mẫu trong vòng 24 giờ, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo sức khoẻ cho trẻ, cán bộ y tế trường còn xây dựng thực đơn theo tuần, theo mùa để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn. Cô luôn nói không với thực phẩm trái mùa, kém chất lượng. Bởi vậy, bữa ăn của nhà trường luôn đầy đủ chất dinh dưỡng, thực đơn đa dạng và phong phú.
Cùng với đó là theo dõi biểu đồ tăng trưởng cân nặng, chiều cao, tình trạng suy dinh dưỡng. Đối với trẻ bình thường mỗi năm thực hiện đo 3 lần, còn đối với trẻ suy dinh dưỡng thì mỗi tháng một lần để theo dõi.
Cán bộ y tế trường Mầm non Thanh Xương theo dõi sức khoẻ cho trẻ. |
Xoa dịu những cơn đau...
Cô Hoàng Thị Bích Ngọc gắn bó với công tác y tế tại trường Tiểu học số 2 Thanh Xương (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) đến nay đã được 21 năm. Theo cô Ngọc, công tác y tế trường học thực sự rất quan trọng. Nhiều khi có những tình huống xảy ra bất ngờ, đòi hỏi người có chuyên môn sơ cứu kịp thời mới đảm bảo được sức khoẻ cũng như tính mạng học sinh.
“Ngày nào cũng vậy, tôi luôn là người đến sớm nhất để thực hiện công việc kiểm tra vệ sinh an toàn. Sau giờ tan học cứ nghĩ nếu còn học sinh mà mình về trước nhỡ có trường hợp tai nạn thương tích xảy ra, không kịp thời sơ cứu thì cũng không được. Vì thế ngày nào tôi cũng nán lại, đợi các em ra về hết tôi mới an tâm” cô Ngọc nói.
Cô Đỗ Thị Thọ, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Thanh Xương cho biết: ngoài công tác giáo dục thì công tác chăm sóc sức khoẻ học sinh cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Thường xuyên quan sát nắm bắt tình trạng sức khoẻ học sinh để kịp thời xử lý. Bởi có sức khoẻ thì mới học tập tốt.
“Ngoài công tác chuyên môn, cô Ngọc còn được đồng nghiệp gọi với cái tên thân thương là “chuyên gia tâm lý” bởi mỗi khi có học sinh bị đau ốm là cô lại nhẹ nhàng quan tâm chăm sóc, trò chuyện để các em quên đi những cơn đau” cô Thọ chia sẻ.
Đối với những trường tổ chức ăn bán trú thì rất cần đội ngũ nhân viên y tế thường trực để vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng là để chăm sóc sức khoẻ cho học sinh. Theo cô Thọ, nhà trường hiện có gần 500 học sinh, đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Với đặc thù một trường tiểu học, học sinh rất hiếu động, nô đùa dễ dẫn đến tai nạn, thương tích. Bên cạnh đó, sức đề kháng của các em cũng yếu, hay ốm vặt nên việc có nhân viên y tế chuyên trách là rất cần thiết. Và đội ngũ này cũng rất vất vả khi quán xuyến số lượng lớn học sinh.
Bình luận