Nửa thế kỷ may áo cà sa

GD&TĐ - Miền đất núi Ngự sông Hương với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ là nơi hàng vạn tăng ni, phật tử chuyên tâm tu hành. Vì thế, nghề may y phục Phật giáo đã và đang thịnh hành ở Huế.

Ông Nguyễn Hữu Sắc đang may y phục Phật giáo
Ông Nguyễn Hữu Sắc đang may y phục Phật giáo

Gia đình có ba đời may áo cà sa

Có thể nói người có thâm niên, kinh nghiệm nhất trong nghề may y phục cho tăng ni ở Huế là ông Nguyễn Hữu Sắc, 89 tuổi (trú số 6, kiệt 1, đường Bảo Quốc, TP Huế). Sinh ra và lớn lên ở xã Điền Hải (huyện Phong Điền), chừng 10 tuổi, Nguyễn Hữu Sắc đã tập tành may vá với thân sinh là ông Nguyễn Hữu Tôn (một trong hai người may y phục Phật giáo đầu tiên ở Huế thời bấy giờ). Đến năm 1940, Nguyễn Hữu Sắc theo gia đình lên Huế sinh sống và tiếp tục với nghiệp may cùng bố.

Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại quê nhà. Năm 1953, ông ra Bắc công tác ở đoàn Thanh niên cứu quốc, vài năm sau vì lí do sức khỏe nên ông xin nghỉ và làm việc cho công ty may của Bộ Công an, chuyên may y phục cảnh sát. Đến năm 1977, ông trở lại Huế và cùng cụ thân sinh may y phục Phật giáo và “bám trụ” từ đó đến nay.

Ông Sắc cho biết: “Sau ngày đất nước giải phóng, đời sống của tăng ni, Phật tử nói riêng và nhân dân nói chung còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vì thế nghề may áo cà sa chỉ hoạt động cầm chừng. Ngày nay, đời sống của tu sĩ, phật tử đã cải thiện hơn nhiều, nên mẫu mã, chất lượng áo cà sa ngày càng phong phú, đa dạng. Giá một chiếc áo cà sa phụ thuộc vào loại vải, loại vải gấm thông thường có giá từ 6-7 triệu đồng/bộ, vải gấm thượng hạng thì khoảng 15-20 triệu đồng/bộ”.

Trọn một đời gắn bó với chiếc áo cà sa, ông Sắc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để truyền lại cho con cái. Hiện 2 người con trai của ông là anh Nguyễn Hữu Đức và Nguyễn Hữu Lạc đều theo nghiệp cha, mở tiệm may riêng để may y phục tu sĩ. Mấy chục năm nay, gia đình ông Sắc trở thành “đối tác” được giới tăng ni ở Huế tin cậy, đặt hàng dù “tiệm” của ông không có bảng hiệu, nằm ẩn khuất trong con hẻm khá khiêm tốn. Không chỉ may y phục cho các tu sĩ, phật tử ở Huế, ông còn nhận đơn đặt hàng ở nhiều tỉnh, thành của cả nước như Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội, Vinh, Thái Bình…

Những bộ trang phục do ông Sắc tạo ra
Những bộ trang phục do ông Sắc tạo ra

Gieo duyên lành với đạo Phật

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Sắc, để may được áo cà sa và các y phục khác cho các tu sĩ Phật giáo, trước hết người thợ phải có cái tâm trong sáng, tiếp đó là phải không ngừng học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, phải có sự hiểu biết nhất định về đạo Phật, về các nghi lễ của nhà Phật để nắm được những “qui tắc” cơ bản, cần thiết nhằm áp dụng trong sản phẩm.

Chẳng hạn, người tu Phật khi mới hành điệu (chú tiểu) thì mặc áo nhật bình, cổ áo có hình chữ nhật. Khi thọ sa di (chú) vẫn mặc áo nhật bình. Khi đã thọ tỳ kheo (thầy) thì mặc áo tràng xiêng (còn gọi áo nhật lệch) và khi các vị tỳ kheo hành lễ thì mặc áo nhật lệch màu vàng, tay rộng, ngoài khoác áo cà sa.

Mặc dù tuổi đã vượt ngưỡng “xưa nay hiếm” nhưng ông Sắc vẫn còn minh mẫn, phong độ để tiếp tục hành nghề và hướng dẫn con cái chu toàn công việc. Ông không nhớ nổi mình đã may được bao nhiêu tấm y, bao nhiêu chiếc áo cà sa, mũ, hài… nhưng ông nhớ rõ mình đã đào tạo khoảng 40-50 học viên may áo cà sa và các loại y phục Phật giáo và nhiều người trong số đó đã trở thành những “thợ lành nghề”, hiện đang mở tiệm may lớn ở trong Nam ngoài Bắc, góp phần đưa “thương hiệu” chiếc áo cà sa xứ Huế đến với nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Áo cà sa thay đổi theo từng cấp bậc, thứ hạng khác nhau. Áo cà sa trong ý nghĩa của Phật giáo là biểu tượng của hạnh khiêm uy, nhu hòa, nhẫn nhục… vì vậy, chất liệu may áo cần giản đơn, không cầu kì, kiểu cách, thể hiện đời sống khiêm tốn, đơn sơ, mộc mạc, giản dị của bậc tu hành. Người xuất gia khoác lên mình chiếc áo cà sa là để giúp họ tự giữ giới, nhắc nhở họ không được phạm giới, luật, định, tuệ của nhà Phật. Chiếc áo cà sa còn mang lại sự an lạc, thảnh thơi, giúp người xuất gia phát lộ lòng từ, tăng trưởng điều thiện, gia tăng sự tinh tấn, dũng mãnh và vun bồi đạo đức, trí tuệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ