Từ tâm linh đến mê tín

GD&TĐ - Tối 18/2 (14 tháng Giêng), tại cổng chùa Phúc Khánh, khu vực chân cầu vượt Ngã Tư Sở, quận Đống Đa (Hà Nội), lèn chặt những người là người. Nhiều người đã đến trước khoảng 5 - 6 tiếng để tìm một chỗ ngồi “ưng ý”. Khi hết chỗ để chọn, họ chiếm vỉa hè, rồi tràn xuống lòng đường.  

Từ tâm linh đến mê tín

Có thể dễ dàng nhận thấy, mặt ai cũng nghiêm trang, thành kính; người nào cũng chắp tay trước ngực, miệng lẩm nhẩm những câu gì đó, chỉ bản thân họ mới biết. Trong số những khuôn mặt “thành kính” kia, không ai dám chắc là không có những người chỉ mới hôm qua thôi, còn mắng chửi hàng xóm thậm tệ chỉ vì một xích mích nhỏ, thậm chí có kẻ còn làm những việc thất đức nữa.

Nói như thế không có nghĩa là tất cả những người đến đây đều ác tâm, nhiều người trong số họ vẫn thành tâm đấy nhưng khấn nguyện để tìm kiếm sự an lành cho mình mà phải chen lấn nhau, thậm chí giẫm đạp lên nhau thì liệu có còn thiêng nữa không? Nhất là điều ấy lại diễn ra nơi cửa Phật, chốn linh thiêng không dành cho những kẻ thiếu thiện tâm.

Đám đông kia làm gì nơi cửa Phật? Họ cúng dâng sao giải hạn đấy! Người ta quan niệm rằng, mỗi năm của một người sẽ ứng với một ngôi sao chủ nào đó. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, người ấy sẽ gặp phải những chuyện chẳng lành, cả về công việc lẫn sức khỏe.

Trước đây, lễ cúng dâng sao giải hạn được thực hiện tại nhà, hoặc tại các ngôi đình trong làng do các thầy pháp thực hiện. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, việc cúng dâng sao giải hạn lại được thực hiện trong các chùa, lại do một số sư sãi tiến hành.

Đây là điều trái với giáo lý nhà Phật. Nhiều vị đại đức uy tín trong Hội Phật giáo Việt Nam đã không ít lần lên tiếng bất bình với việc cúng dâng sao giải hạn tại các chùa vì nó trái với triết lý của đức Phật.

Đặc biệt, việc cúng bái và hành lễ do các sư chủ trì và nhận tiền “công đức” từ những người đến tham dự lễ là một sự biến tướng khó có thể chấp nhận. Nó thương mại hóa ngay nơi cửa Phật như thế thì khác nào núp bóng chốn thiền môn để kinh doanh lòng tin của đám đông cuồng tín!

Ai cũng có một góc tâm linh của lòng mình để an ủi, để giãi bày và chia sẻ. Nó hoàn toàn khác với mê tín dị đoan. Cần phân biệt rõ khái niệm này để có cách hành xử chuẩn mực và có văn hóa. Không một kẻ khuất mặt nào có thể can dự vào đời sống tinh thần lẫn vật chất của người đang sống.

Rất tiếc là, xã hội ngày càng phát triển về khoa học kỹ thuật, có thể giải mã nhiều bí ẩn các hiện tượng tự nhiên thì không ít người lại đi ngược lại quy luật đó. Cúng dâng sao giải hạn vừa diễn ra ở nhiều ngôi chùa không những không làm tôn nghiêm thêm sự thiêng liêng nơi cửa Phật mà còn làm méo mó đời sống tâm linh của mỗi người.

Lợi dụng đám đông cuồng tín để kinh doanh, thu lợi bất chính tại các chùa không những trái với giáo lý của đạo Phật mà còn vi phạm pháp luật.

Đáng tiếc là, “dịch” mê tín này đang lan nhanh hằng năm trong đời sống của người dân. Cần có một cuộc đại phẫu về các loại lễ lạt nặng tính dị đoan này để trả lại sự thiện lành trong đời sống tâm linh đã song hành cùng dân tộc hàng ngàn năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ