Những bao tải xương trâu, xương bò bên rìa làng Phúc Lâm |
(GD&TĐ) - Nghe thì… ghê, nhưng chẳng còn danh xưng nào khác để đặt cho cái làng làm nghề giết mổ trâu bò này. Khởi đầu một ngày lao động ở Phúc Lâm (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, Bắc Giang) từ khoảng 23 giờ, khi con trẻ đã yên giấc sau giờ học bài. Một tiếng “thịch” vang lên ở nhà bên, rồi lào xào rao thớt. Vậy là đã có nhà “động thủ” sớm, rồi rào rào cả làng. Một đêm, cả trăm con trâu, bò được hóa kiếp để mờ sáng, những tảng thịt tươi rói đã nằm trên xạp hàng hay vào các khu chế biến…
Làm thuê cũng đủ giàu
Chẳng phải chuyện đùa. Ông Xứng, chủ một trong những lò mổ lớn nhất Phúc Lâm, cho biết đội ngũ thợ đi giết mổ thuê trâu bò khá đông đảo, lấy công chỉ 150 ngàn mỗi con vật vừa hạ thủ. Vậy mà thợ nào khỏe, làm nhiều một đêm cũng kiếm triệu bạc ngon ơ.
Thế mới biết số lượng trâu bò được hóa kiếp ở Phúc Lâm mỗi đêm lớn thế nào. Như nhà ông Xứng chẳng hạn, có đêm giết mổ tới ba chục con. Hàng thịt trâu, bò Phúc Lâm gần như chiếm trọn thị trường Bắc Giang, một phần Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên và còn tham vọng ra các đầu mối Hà Nội.
“Ở đây thịt trâu, bò là thịt chuẩn, anh nhìn những thớ thịt còn giật nóng hổi kìa, thái mỏng vắt chanh tái hoặc nhúng qua nước dùng chấm tương gừng thì cứ gọi là thôi rồi, ngọt đứ đừ, rượu cứ trôi thùm thụp", Ngọc, một thợ thịt làng Phúc Lâm quảng cáo cho sản phẩm của mình khiến các PR chuyên nghiệp cũng phải bái phục mà nuốt nước bọt ừng ực mất.
Thực ra, có được nhìn người thợ thịt làng Phúc Lâm làm việc mới thấy kỹ năng hành nghề của họ phải đạt đến trình độ khá cao mà khó có “cơ sở đào tạo” chuyên nghiệp nào dạy được. Chỉ mỗi việc so sánh con dao mỏng to bằng nửa bàn tay mà làm gọn cả con trâu nửa tấn đã khiếp vía.
“Gói gọn lại cũng chỉ ở mấy chữ lách, tách, chọc, lọc mà thôi, có gì to tát đâu, tụi tôi làm quen tay rồi, nhiều khi mắt nhắm mắt mở vẫn chọc đúng chỗ, cấm sai bao giờ. Mà nhanh chậm gì, cứ xêm xêm hai tiếng là thịt đằng thịt, da đằng da mới được công nhận có tay nghề”, mấy thợ thịt nhà anh Hoan, cũng là một lò mổ lớn trong làng, vui chuyện.
Lúc này đã gần 3 giờ sáng, cánh phụ nữ, vài tay chạy hàng thịt bỏ mối ở các chợ đã "chầu chực" bên tấm nilon chờ pha thịt, chia hàng. Nghề thịt trâu, bò Phúc Lâm từ lâu cũng "công nghiệp hóa", ấy là tự hình thành dây chuyền, phân công nhau làm từng công đoạn, từng bộ phận của con vật. Mỗi tối ở một cơ sở, việc giết mổ, lọc xương, làm lòng, pha thịt, đều có người phụ trách chuyên nghiệp cả.
Ngoài ra, làng Phúc Lâm còn có những định ước bất thành văn của đội ngũ chuyên "chạy" hàng đến bỏ mối ở các chợ. Có người chuyên lòng tiết xách phèo, người bắp, kẻ thăn, ông xương, bà da, thậm chí cái món súng ống, lịch sự người ta gọi là "ngẩu pín" cũng có người chuyên trách.
Kỳ dị nhất, bộ phận đặc trưng của trâu, bò "gái", mà dân gian vẫn dùng để ... xáo khế cũng có người đặt hàng riêng. Khách không thân quen, không đặt trước thì muốn ăn cũng không bao giờ có.
Các thợ mổ đang xẻ thịt con vật để chuyển cho thương lái |
Hệ lụy của tự phát
Không ai ở Phúc Lâm nhớ được chính xác người làng mình làm nghề mổ trâu, bò từ bao giờ, hoặc giả họ không muốn nói chăng? Thế nhưng chỉ biết nhờ nghề này mà người làng khá giả, nhiều người giàu sụ. Một số người già của làng khẳng định nghề mổ trâu, bò xuất phát từ khoảng trên dưới dăm chục năm trở lại nhưng huy hoàng như bây giờ chắc được tầm hai chục năm.
Nhờ nghề mà hàng trăm hộ dân người Phúc Lâm có cuộc sống khá giả như bây giờ, hàng nghìn người khác có việc làm, có thu nhập.
Ở đây, con trâu vẫn đúng là "đầu cơ nghiệp" của cả làng dù ít người dân ở đây còn gắn bó với nghề làm ruộng. Nhiều gia đình làm nghề cha truyền con nối được vài ba đời, cũng có người tối về hành nghề đồ tể, sáng lại cắp cặp, phóng xe đi làm công chức bình thường. Và dân làng mổ trâu, bò cũng không còn hoạt động theo kiểu nhỏ lẻ mà hình thành hệ thống phân chia mỗi người từng công đoạn riêng.
Thế nhưng, do tính chất của làng nghề mà tỉnh Bắc Giang đã nghiệm thu một nghiên cứu khoa học về môi trường cho ngôi làng này, mang tên “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xử lý chất thải làm ô nhiễm môi trường tại làng nghề giết mổ gia súc Phúc Lâm, Việt Yên”.
Từ dự án này, nào là hầm Bioga, cống thoát nước thải, hệ thống xử lý nước thải, khu giết mổ tập trung... sẽ được triển khai ở Phúc Lâm. Tuy nhiên, bây giờ đến Phúc Lâm điều dễ nhận thấy là vấn đề ô nhiễm môi trường còn nhiều điều cần quan tâm, nhất là môi trường công cộng.
"Thực chất làng nghề Phúc Lâm chỉ nhộn nhịp từ 23 giờ đêm tới tảng sáng thôi, sau đó mỗi nhà đều có người dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ", anh Vô, một trong những chủ lò mổ "to" nhất ở đây cho biết. Mà cũng đúng thật, sau khi hoàn thành công việc của một đêm, mỗi lò mổ đều phân công người dọn vệ sinh khu mổ, chuồng trại.
Lý do bởi hiện nay ở Phúc Lâm nhà cửa xây san sát, làm gì có chỗ thông thoáng nữa, để mất vệ sinh có nghĩa là tự mình làm hại mình. Điều đó cho thấy, khi cuộc sống tốt hơn, chính người dân cũng ý thức được trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống trong lành cho chính bản thân và cộng đồng.
Nói là vậy, nhưng quan sát của chúng tôi cho thấy, ở vài điểm công cộng như ao, hồ, bãi hoang rìa làng, người dân vẫn vứt đồ bỏ đi của con vật, cũng khá là ô nhiễm. Nhiều bao tải đựng xương trâu, bò, rồi nước thải, cũng theo cống chảy vào các ao, hồ này.
Trước kia, hồ rộng, lượng nước thải cũng ít nên ô nhiễm không đáng ngại, nhưng những năm gần đây, tình hình đúng là rất nghiêm trọng. Đây là vấn đề gây đau đầu cho ngành môi trường cũng như chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được rốt ráo.
Không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế, là những khó khăn về quy hoạch trong một ngôi làng chật chội mà còn ở quan niệm, quy mô làm nghề còn mang tính nhỏ lẻ, cá nhân của người dân. Chưa biết người Phúc Lâm sẽ phải sống chung với ô nhiễm bao nhiêu năm nữa, khi mà tình trạng tự phát vẫn cứ tiếp diễn như hiện nay…
Trần Thường