Nữ tiếp viên hàng không mê… bục giảng

GD&TĐ - Ít ai biết, nữ giáo viên từng là kỹ sư IT, tiếp viên hàng không và sở hữu bằng thạc sĩ CNTT tại Pháp trước khi đứng trên bục giảng.

Cô Thảo hướng dẫn học sinh.
Cô Thảo hướng dẫn học sinh.

Cô Đỗ Thị Hương Thảo, 39 tuổi là giáo viên Tin học tại Trường Phổ thông Dewey, Hà Nội.

Trải nghiệm để trau dồi năng lực

Là cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ, Thảo đăng ký vào khoa Công nghệ thông tin, Học viện Bưu chính Viễn thông với mong muốn làm việc liên quan đến công nghệ, phần mềm. Sau khi ra trường, Thảo làm lập trình viên rồi thử sức trong vai trò mới là tiếp viên hàng không. Công việc mới giúp cô có cơ hội trau dồi vốn ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Sau 2 năm, Thảo quyết định nghỉ việc và nộp đơn xin học bổng thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin tại Pháp để đoàn tụ với chồng, khi ấy đang học tiến sĩ ở đây. Quãng thời gian 7 năm ở Pháp đã giúp cô trau dồi kiến thức lĩnh vực Công nghệ thông tin và làm việc ở môi trường đa văn hóa.

Năm 2017, Thảo về nước, gia nhập một công ty công nghệ tại Hà Nội rồi chuyển sang hỗ trợ chồng khởi nghiệp. Thời gian này, Thảo đồng thời tham gia chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm kéo dài một năm tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đối với cô Thảo, quyết định trở thành giáo viên không phải bộc phát mà nhen nhóm từ lâu, bắt đầu bằng câu chuyện của mẹ. Mẹ Thảo vốn là giáo viên dạy giỏi nhưng vì lý do cá nhân phải nghỉ việc và ở nhà kinh doanh cùng chồng.

Hơn 30 năm sau đó, mẹ của Thảo thường kể về nghề giáo với niềm tiếc nuối. Cảm xúc đó ngấm dần, làm Thảo băn khoăn có điều gì ở nghề giáo khiến mẹ mình day dứt đến vậy.

Thế nhưng khi đăng ký thi đại học, Thảo không chọn sư phạm mà định hướng theo đuổi công nghệ thông tin. Khi sang Pháp học tập, được tiếp xúc với thầy cô giáo có phong cách giảng dạy hấp dẫn, Thảo thêm phần quan tâm đến nghề giáo.

Cô Hương Thảo chia sẻ, không ít giảng viên đi làm nhiều năm mới quay về dạy học nên có cách truyền tải khác với đồng nghiệp đào tạo cơ bản. Không đặt nặng lý thuyết, khi giảng bài, họ đưa ra bài toán thực tế trước, rồi liên hệ với nội dung bài học. Họ cũng giao những bài tập mang tính thực hành, giúp sinh viên có thêm động lực học tập.

Ngoài ra, các thầy cô còn đan xen kể chuyện đi làm, đưa ra những vấn đề cần giải quyết trong môi trường thực. Điều đó truyền cho học trò quyết tâm học tập nghiêm túc, mạnh mẽ.

Sau đó, trong quá trình làm công nghệ thông tin, Thảo có cơ hội hướng dẫn nhiều sinh viên thực tập, các em khoá dưới. Với vai trò cố vấn (mentor), Thảo được trải nghiệm gần hơn với công việc hướng dẫn, giảng dạy. Nhiều sinh viên thực tập đạt tiến bộ nhất định đã quay lại thăm và gửi lời cảm ơn cô dịp 20/11. Cơ hội này giúp Thảo khám phá ra khả năng truyền cảm hứng, tạo động lực cho người khác ở bản thân.

Sau thời gian cân nhắc, nữ kỹ sư IT quyết định rẽ sang học nghiệp vụ sư phạm. Khi lắng nghe câu chuyện của Thảo, nhiều giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ thích thú, ấn tượng. Một giảng viên đã gợi ý cô ứng tuyển vào hai trường phổ thông, rồi chính thức trở thành giáo viên Tin học tại Trường Phổ thông Dewey.

Cô Đỗ Thị Hương Thảo là giáo viên Tin học tại Trường Phổ thông Dewey, Hà Nội.

Cô Đỗ Thị Hương Thảo là giáo viên Tin học tại Trường Phổ thông Dewey, Hà Nội.

Tự do tạo nên từ học tập

Ở vai trò mới, Thảo đem kinh nghiệm giảng dạy học được từ thầy cô tại Pháp và Việt Nam vào lớp học. Khi nhận lớp, cô thường chia sẻ những vấn đề thực tế xã hội, áp lực mà học sinh phải đối mặt khi ra trường và đi làm.

“Tôi hay nhắc đến sự tự do. Nếu học sinh học tốt, các em có thể tự do lựa chọn trường đại học, công ty và quốc gia để làm việc. Và muốn có tự do, trước hết phải học tập tốt và trở thành người có năng lực, tạo ra giá trị”, nữ nhà giáo chia sẻ.

Khi học sinh đã nhận thức tầm quan trọng của học tập, cô Thảo bước vào tiết dạy nhưng không mở đầu với những kiến thức lý thuyết. Thay vào đó, cô đưa ra bài toán hoặc vấn đề để học sinh giải quyết, sau đó dẫn ra kiến thức liên quan.

Cô Thảo quan niệm, giáo viên phải có tình yêu thương với học sinh vì các em sẽ nghe lời những người yêu và quan tâm đến mình. Hơn nữa, nếu xuất phát từ tình yêu thương, người dạy sẽ mang lại những điều tốt nhất cho học trò.

Tại mỗi lớp học, trình độ học tập của học sinh thường không đồng đều. Bởi thế, cô Thảo trăn trở làm sao để trò trong lớp được quan tâm như nhau, tiếp cận kiến thức phù hợp năng lực bản thân. Do đó, cô thường tạo ra bài toán, đặt bối cảnh thực tế để học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức và nhận ra ý nghĩa bài học. Điều này giúp các em tăng động cơ, động lực học tập và nhận thức rõ hơn giá trị học tập.

“Những điều được học trong quá khứ đã giúp tôi nâng cao khả năng tư duy logic, tập trung cao và nhiều kỹ năng khác. Do đó, tôi thường nhắn nhủ học sinh hãy trân trọng, nghiêm túc đón nhận những kiến thức mà các em học trong thời điểm này”, cô Thảo kể.

Thầy Dương Hồng Phúc - Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Chương trình Tiếng Việt cấp THCS - THPT Trường Dewey, cho biết: “Ngay từ đầu tôi đã ấn tượng với phong cách trẻ trung, hiện đại của cô Thảo. Cô tạo cảm giác gần gũi, thân thiện với mọi người bởi luôn vui vẻ, hòa đồng và tươi cười. Cô cũng rất tận tâm với nghề và học trò”.

Theo thầy Phúc, với phong cách dạy học hiện đại, cô luôn mong muốn mang lại cho học sinh những bài học thú vị nhất, cập nhật kiến thức mới. Trong vai trò tổ trưởng, cô giáo Thảo luôn hỗ trợ tận tâm tới đồng nghiệp, kịp thời cập nhật thông tin từ ban giám hiệu để thành viên trong tổ nhanh chóng nắm bắt và thực hiện…

“Các thầy cô tạo cho tôi niềm tin sau khi ra trường có thể đi làm ngay và mường tượng ra công việc phải làm trong tương lai. Họ cũng cho tôi thấy người đi làm ngoài vẫn có cơ hội theo ngành Giáo dục, trở thành giáo viên. Họ mang kinh nghiệm, phong cách thực tế vào giảng dạy để học trò được trải nghiệm nhiều hơn”, cô Đỗ Thị Hương Thảo cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ