Nữ giáo viên Địa lý đưa học sinh 'du hành' trên giảng đường

GD&TĐ - Cô Bùi Thanh Vân - trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) biến kiến thức khô khan môn Địa lý thành những chuyến đi 'khám phá thế giới' hấp dẫn cho học trò.

Cô Bùi Thanh Vân chụp ảnh lưu niệm với học trò lớp chủ nhiệm.
Cô Bùi Thanh Vân chụp ảnh lưu niệm với học trò lớp chủ nhiệm.

Với học trò có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên còn dạy miễn phí để các em nuôi đam mê, ước mơ.

Nữ giáo viên Địa lý 'siêu' ngoại ngữ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục, bố là giáo viên Địa lý, cô Bùi Thanh Vân từ rất sớm đã tiếp xúc với những trăn trở, hoài bão và tâm thế của nghề “trồng người”. Kế thừa những say mê với thế giới trên tấm bản đồ, quả địa cầu, hình ảnh của các địa danh xinh đẹp. Chính những câu chuyện, ước mong khám phá địa danh giúp cô Vân có động lực học tập, gắn bó với môn học tưởng khô khan – Địa lý. Song để thành giáo viên giỏi, cô nghĩ rằng kiến thức chưa đủ, cần phải có tiếng Anh để đa dạng cách truyền đạt tới lứa tuổi “nghịch như quỷ”.

Sau khi tốt nghiệp THPT, cô Bùi Thanh Vân theo học và tốt nghiệp sư phạm Địa lý năm 2005 và khoa tiếng Anh (Viện Đại học Mở) năm 2006. Tình yêu với giảng đường, lớp học khiến cô từ chối nhiều cơ hội việc làm lương cao. Nhưng chính từ người bố khuyên con gái hãy trải nghiệm một ngành nghề nào đó ngoài giáo viên, tuy vậy công việc quản lý văn phòng không thể khiến cô Vân quên đi mong ước dạy Địa lý.

Nghề chọn người - duyên nghề đưa, cô trở thành giáo viên trường THCS Giảng Võ. Từ đó, một giáo viên Địa lý đa tài, không chỉ giỏi chuyên môn, “siêu” tiếng Anh, công nghệ thông tin mà còn năng động, nhiệt huyết tạo luồng sinh khí mới cho môn học được gọi vui là “học thuộc” này.

Với cô Vân, một giáo viên tốt, trước hết phải là người giỏi về chuyên môn. Trong dạy học, vai trò chủ động thuộc về học sinh. Học trò là trung tâm bài học. Còn cô đóng vai trò hướng dẫn, truyền cảm hứng cho học sinh.

Qua những tiết học Địa lý, cô Vân đưa học sinh “đi” nhiều nơi, khám phá nhiều vùng miền, trải nghiệm cuộc sống cùng với người dân ở các địa phương khác nhau. Trong các bài học, học sinh còn được bồi dưỡng nhận thức, thái độ với môi trường xung quanh và định hướng nghề nghiệp. Với sở trường công nghệ, cô Vân vận dụng các ứng dụng như Word, Excel, Power Point, Movie Maker để Địa lý trở nên gần gũi, thú vị, hấp dẫn với học trò.

Cô Bùi Thanh Vân (áo dài đỏ) chia sẻ niềm vui với học trò trong ngày tốt nghiệp.

Cô Bùi Thanh Vân (áo dài đỏ) chia sẻ niềm vui với học trò trong ngày tốt nghiệp.

Được các cấp lãnh đạo tin tưởng, cô Vân nhiều năm phụ trách đội tuyển thi học sinh giỏi (HSG) của trường THCS Giảng Võ. Đồng thời giảng dạy học sinh thi chuyên lớp 10 môn Địa lý. Tháng 10/2020 và tháng 11/2021, cô tham gia Hội đồng đánh giá và lựa chọn sách giáo khoa Chương trình GDPT 2018. Các năm 2020 - 2022, cô là Tổng chủ biên chương trình luyện thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý của NXB Giáo dục Việt Nam.

Hết mình vì học trò

Giữ cương vị giáo viên chủ nhiệm, cô Vân luôn quan tâm đến học sinh, nhất là trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử, năm học 2018-2019, cô đã hỗ trợ học sinh Nguyễn Thúy Nga (lớp 7A20) học phí và đồng phục. Quan niệm truyền dạy kiến thức cho học sinh là trên hết, nhiều năm dạy đội tuyển HSG môn Địa lý của nhà trường, nhưng cô đều không thu học phí. Trong 4 năm học từ 2018 - 2022, tổng số buổi cô dạy ngoài giờ miễn phí lên đến 413 buổi, tương ứng khoảng 123,9 triệu đồng.

“Chỉ cần sau mỗi buổi học, các em thu nhận thêm những kiến thức mới mẻ, học thêm được bài học hay, được bộc lộ suy nghĩ, quan điểm của bản thân và có thêm tình yêu với môn Địa lý là mình cảm thấy đủ đầy và hạnh phúc rồi…”, cô Vân tâm sự.

Trăn trở khi học sinh ít chú tâm môn xã hội, trong đội tuyển Địa lý, cô miễn học thêm cho tất cả học sinh, để các bạn toàn tâm, toàn ý theo đuổi đam mê. Mỗi em học sinh có năng khiếu, yêu thích môn Địa lý, cô đều hết sức bồi dưỡng, chăm chút, yêu thương.

Không phụ lòng giáo viên này, hằng năm đội tuyển Địa lý của cô cũng đạt thành tích cao trong các kỳ thi HSG cấp thành phố. Nhiều học sinh còn đỗ các trường chuyên danh tiếng của Thủ đô.

Cô Bùi Thanh Vân chụp ảnh lưu niệm với học trò lớp chủ nhiệm.

Cô Bùi Thanh Vân chụp ảnh lưu niệm với học trò lớp chủ nhiệm.

Cô Trần Thị Mai Hương - GV trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, chính những bài giảng sáng tạo và tình yêu vô điều kiện của cô Vân dành cho học trò đã thắp lên ngọn lửa đam mê môn Địa lý. Biến môn học tưởng chừng như khô khan trong các em trở nên dễ dàng, hứng thú hơn rất nhiều.

“Hơn cả là cô thắp lên niềm đam mê khám phá tri thức, thắp lên sự tin yêu trong mỗi trái tim non. Để rồi, cho dù có bay cao, bay xa bao nhiêu, trong tim mỗi học trò đều nhớ về cô giáo Vân với lớp học yêu thương ngày ấy…”, cô Mai Hương chia sẻ.

Lan tỏa tình yêu thương

Bên cạnh dạy học, cô Vân cũng rất tích cực trong các hoạt động từ thiện giúp đỡ cộng đồng. Nhiều năm liền, cô đóng góp, ủng hộ các quỹ từ thiện. Cô Trần Thị Mai Hương cũng cho biết thêm, cô Vân lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, “yêu thương cho đi, hạnh phúc sẽ đong đầy” tới học sinh của mình khi khuyến khích các con yêu thương, quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Không chỉ truyền đạt kiến thức, cô còn lồng ghép những kiến thức thực tế, những điều hay lẽ phải vào trong từng bài học.

Cô hướng học sinh của mình tới những giá trị chân, thiện, mỹ, để rồi chính các em sẽ là những người tiếp tục truyền tải thông điệp nhân văn ấy đến với nhiều người. Học sinh lớp cô Vân chủ nhiệm hào hứng làm từ thiện, hưởng ứng các phong trào của lớp, của trường, quận và thành phố. Từ năm học 2014-2015 đến nay, tổng số tiền cô Vân vận động quyên góp từ thiện khoảng 40 triệu đồng.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ cho biết, gần 20 gắn bó tuổi xuân với bảng đen phấn trắng cho sự nghiệp giáo dục, cô Vân luôn đổi mới phương pháp dạy, tìm cách truyền đạt hiệu quả nhất cho học sinh. Bởi vậy kết quả đội tuyển HSG mà cô bồi dưỡng luôn đạt giải cao tại kỳ thi cấp quận, thành phố.

“Cô Vân không chỉ là giáo viên nòng cốt của trường THCS Giảng Võ, bộ môn Địa lý, còn là cán bộ cốt cán của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình. Đã không biết bao nhiêu học sinh đam mê và trưởng thành từ môn học này vì yêu cách giảng dạy của cô mà yêu môn học. Bởi niềm vui lớn nhất của cô Vân không phải là niềm vui cá nhân mà gắn với những cô cậu học trò và mái nhà Giảng Võ...”, cô Tô Thị Hải Yến nhấn mạnh.

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô Bùi Thanh Vân nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi, đoàn viên công đoàn điển hình tiên tiến. Ghi nhận những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp GD&ĐT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký quyết định tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2023 cho cô Bùi Thanh Vân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.