Nữ tiến sĩ khát khao nghiên cứu

GD&TĐ - Xuất thân trong một gia đình thuần nông, nhưng với đam mê và khát khao nghiên cứu khoa học (NCKH), người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã làm rạng danh gia đình và đơn vị mình công tác. 

Nữ tiến sĩ khát khao nghiên cứu

Chị là TS Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TPHCM; người vừa được Hội đồng Khoa học Giải thưởng Khoa học L’Oréal – UNESCO vinh danh.

Chữ duyên với nghiệp nghiên cứu khoa học

Đam mê khám phá, nghiên cứu ngay từ những ngày còn là học sinh THPT nên không có gì ngạc nhiên khi bước chân vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Khoa Hóa ứng dụng) chị đã có sẵn không ít ý tưởng nghiên cứu.

Chị mày mò, nghiên cứu nhiều lĩnh vực như vật liệu sinh học, năng lượng và vật liệu ứng dụng trong y học với mục tiêu tìm tòi, khám phá và thỏa mãn đam mê. Chính sự say mê công tác NCKH ấy, mà khi còn là sinh viên năm 3, chị đã hoàn thành công trình nghiên cứu chế tạo pin sạc kẽm chỉ dùng Polyaniline. Đề tài không chỉ giúp chị đạt giải cấp trường, cấp ĐHQG mà còn đạt giải Euréka.

Giải thưởng như một cú hích, kích thích chị và nhóm của mình dấn sâu vào con đường NCKH. Ngoài việc học, đi làm thêm chị vẫn thường xuyên dành thời gian rảnh để nghiên cứu, viết ra những ý tưởng của mình. “Hồi ấy sinh viên như chúng tôi muốn làm NCKH thì cần phải vượt qua vòng phân loại, tự ứng thí với các quỹ hỗ trợ sinh viên làm công tác NCKH để tìm nguồn lực tài chính cũng như thầy giỏi hướng dẫn cho mình. Tôi may mắn có được điều đó. Việc tôi gặp được người thầy đầu tiên của mình (GS Ki Dong Park đến từ Trường Đại học Ajou, Seoul - Hàn Quốc) đã thay đổi cuộc đời tôi” - TS Hiệp cho biết.

Năm 2007, khi vừa tốt nghiệp chị đã may mắn gặp được một nhóm giáo sư (do GS Ki Dong Park dẫn đầu) sang Việt Nam tìm kiếm sinh viên tài năng đưa qua Hàn Quốc đào tạo. Sau nhiều vòng ứng tuyển, kiểm tra, TS Hiệp là một trong số ít những sinh viên khi đó được nhận học bổng toàn phần đi Hàn Quốc học chương trình kéo dài trong suốt 6 năm (từ thạc sĩ lên tiến sĩ).

Học cùng GS Park hơn 1 năm, chị tiếp tục may mắn gặp được GS Lee. Nhờ sự giúp đỡ và chỉ bảo tận tình của hai thầy mà chỉ trong vòng 4,5 năm (sớm trước 1,5 năm) chị đã xuất sắc hoàn thành khóa học với chỉ tiêu là 12 bài báo quốc tế được đăng. Trở thành nghiên cứu sinh ưu tú, chị nhận được rất nhiều sự mời gọi làm việc tại Hàn Quốc từ các công ty, doanh nghiệp nhưng chị vẫn quyết định về nước với mong muốn cống hiến cho công tác nghiên cứu hơn là bước chân ra ngoài.

“Lúc ấy bản thân mình cũng xác định là sẽ rất khó khăn bởi ở Việt Nam cái hướng mà mình đang nghiên cứu theo đuổi (nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học) chưa phát triển. Nhưng được sự động viên cũng như niềm tin mà GS.TS Võ Văn Tới - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh Trường Đại học Quốc tế đặt lên vai, tôi đã từng bước xây dựng, phát triển hướng nghiên cứu này” - TS Hiệp nói về con đường nghiên cứu mình đang đi.

Khó khăn không thể ngăn cản đam mê

Dù sở hữu kinh nghiệm 10 năm làm công tác NCKH cũng như hàng chục công bố khoa học quốc tế thuộc ISI (26 bài), các tạp chí khoa học quốc tế trong và ngoài nước (6 bài quốc tế, 40 bài trong nước) ở hướng nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô nhưng theo chị, tất cả mới chỉ là bước khởi đầu.

Nói về con đường nghiên cứu của mình, TS Hiệp cho biết, chị theo đuổi nghiên cứu chủ yếu ở 3 mảng gồm da, tái tạo da, mạch máu và thay thế xương. Bởi theo chị với thực tế các vụ tai nạn giao thông và tai nạn thương tích (bỏng, tai nạn lao động, chấn thương) nhu cầu về vật liệu ứng dụng trong y học tại Việt Nam là rất lớn.

Chia sẻ về đề tài nghiên cứu vừa đạt Giải thưởng Khoa học L’Oréal – UNESCO - tính tiềm năng trong những phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi, chị cho biết: Hiện nay,

Titanium implant trong xương dạng chân đang là sự lựa chọn tốt nhất trong nha khoa phục hồi. Tuy nhiên, giới hạn mà Titanium implant chưa khắc phục được chính là khả năng tạo một tương tác tốt giữa gingival tissue vào abutment và khả năng bám dính kém, mang lại rất nhiều rủi ro trong quá trình phục hồi và tái tạo mô, bên cạnh đó là rủi ro lớn về quy trình đào thải Titanium implant sau thời gian cấy.

Thừa hưởng tính cách tần tảo và nghị lực vượt khó từ người mẹ nên chưa có một khó khăn nào khiến chị nản chí, nhất là những lúc phải xa nhà, xa quê hương, xa gia đình bươn chải bên xứ người. Với cá nhân chị, mọi khó khăn, mọi thử thách trong suốt 4 năm rưỡi học tập, làm việc ở nước ngoài chính là những trải nghiệm cuộc sống mà chị nghĩ mình may mắn có được.

“Muốn thành công tất yếu bạn phải có vốn sống, kinh nghiệm khoa học. Đặc biệt, với một nhà khoa học, kiến thức, tư duy, sự sáng tạo thôi chưa đủ mà cần phải có sự trải nghiệm. Chính những trải nghiệm cuộc đời ở nhiều góc cạnh, được chạm vào cuộc sống, công việc qua nhiều “lát cắt” và thử thách văn hóa đã mang đến cho tôi những điều hữu ích” - TS Hiệp khẳng định.

Với gia tài là các công trình NCKH mang tính ứng dụng cao, các bài báo quốc tế được cộng đồng khoa học trên thế giới thừa nhận, TS Nguyễn Thị Hiệp thật sự là tấm gương để nhiều nhà khoa học trẻ soi vào. Chia sẻ cách viết bài báo công bố quốc tế thành công, chị cho rằng: Để có một bài báo quốc tế thành công điều tối quan trọng là cần thảo luận trong nhóm (hoặc thảo luận với người nước ngoài) mọi vấn đề, tư duy khoa học hay tính phản biện của đề tài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ