Nữ thủ khoa trường làng kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An môn mới

GD&TĐ - Em Phan Châu Oanh - Trường THCS Xuân Thành (huyện Yên Thành) là nữ sinh duy nhất đỗ đầu Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An môn Lịch sử - Địa lý 2.

Em Phan Châu Oanh - giải Nhất môn Lịch sử - Địa lý 2 thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An và cô giáo bồi dưỡng Đinh Thị Thành. Ảnh: Hồ Lài
Em Phan Châu Oanh - giải Nhất môn Lịch sử - Địa lý 2 thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An và cô giáo bồi dưỡng Đinh Thị Thành. Ảnh: Hồ Lài

Học trò trường làng đỗ đầu thi học sinh giỏi tỉnh

Phan Châu Oanh là học sinh duy nhất của Trường THCS Xuân Thành, huyện Yên Thành lọt vào đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An, môn Lịch sử - Địa lý 2. Kết quả, nữ sinh trường làng đã đem về giải Nhất đầu tiên cho trường với 18,75 điểm, cũng là thí sinh điểm cao nhất tỉnh ở môn thi mới này.

Trước đó, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Nghệ An đối với kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9, nội dung môn Lịch sử và Địa lý 2 gồm kiến thức chung môn Lịch sử và Địa lý (trắc nghiệm) và nội dung lựa chọn thuộc phân môn Địa lý (tự luận).

phan-chau-oanh-1-4.jpg
Phan Châu Oanh, Thủ khoa môn Lịch sử - Địa lý 2 với 18,75 điểm, cũng là thí sinh đạt điểm cao nhất tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Châu Oanh chia sẻ, lựa chọn môn Địa lý là bước ngoặt của em sau 2 lần thử sức thi HSG huyện môn Ngữ văn nhưng “không có duyên” đạt giải. Đến cuối năm lớp 8, em chuyển hướng sang môn Địa lý và được sự ủng hộ của mẹ - là giáo viên dạy Địa lý cấp THPT. Tuy nhiên, việc học tập, ôn thi được mẹ em “gửi gắm” cho giáo viên THCS ở trường và tự học, nỗ lực của bản thân Châu Oanh. Kết quả ban đầu, em đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và được gọi vào đội tuyển dự thi tỉnh.

“Chuyển sang môn Địa lý, càng học em càng hứng thú, đam mê vì có nhiều kiến thức gắn với thực tế cuộc sống. Quá trình ôn thi, ngoài học từ sách vở, tài liệu của giáo viên, em còn đọc báo, nghe thời sự để tăng thêm hiểu biết thực tế”, Châu Oanh cho biết.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy – giáo viên dạy Địa lý ở Trường THCS Xuân Thành chia sẻ, Châu Oanh là một học sinh có tư duy tốt, chắc chắn về kiến thức, thích tìm tòi. Em còn có kỹ năng giải đề nhanh, trúng trọng tâm và rất chăm chỉ luyện tập. Đây chính là lợi thế cho em khi thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử - Địa lý 2. Ngoài kiến thức Địa lý, em cũng nắm vững các bài học Lịch sử để hoàn thành nhanh chóng, chính xác phần trắc nghiệm kiến thức chung.

phan-chau-oanh-2.jpg
Giờ học của Châu Oanh trên lớp tại Trường THCS Xuân Thành. Ảnh: Hồ Lài

Ở trường, cô Nguyễn Thị Thúy là giáo viên Địa lý duy nhất. Để hỗ trợ ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh, cô thường xuyên học hỏi trao đổi về chuyên đề, chủ đề với giáo viên phụ trách đội tuyển và thầy cô môn xã hội khác trong huyện...

“Đối với ngôi trường ở xã, có 1 học sinh lựa chọn theo đuổi môn Địa lý và lọt vào đội tuyển thi tỉnh đã là niềm vui, động lực to lớn cho cả cô lẫn trò. Vậy nên khi nhận kết quả Châu Oanh giành giải Nhất, thủ khoa toàn tỉnh, không thể nói hết niềm vui, tự hào của chúng tôi. Đây là lần đầu tiên trường có được thành tích này, cô trò đều vỡ òa cảm xúc”, cô Nguyễn Thị Thúy nói.

Dẫn dắt đam mê cho học trò

Ngoài học tập ở trường, Phan Châu Oanh còn có khoảng thời gian ôn thi tập trung tại Trường THCS Bạch Liêu – trường trọng điểm của huyện Yên Thành, với sự dẫn dắt của cô giáo Đinh Thị Thành.

Cô Thành cho hay, so với các môn khác, tìm nguồn cho đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý khó khăn hơn nhiều. Ngay tại trường THCS Bạch Liêu nơi cô công tác, nhiều năm qua số em lựa chọn thi môn Địa Lý đều ít ỏi. Lý do học sinh lớp 9 thường tập trung vào các môn thi tuyển sinh vào lớp 10, hoặc các môn có nhiều lựa chọn trong xét tuyển đại học sau này. Vì vậy, để có đủ thành viên chất lượng cho đội tuyển Địa lý cô phải tìm kiếm, sàng lọc từ các trường khác trong huyện.

phan-chau-oanh-3.jpg
Cô Đinh Thị Thành đã có thời gian đồng hành, dẫn dắt em Phan Châu Oanh đạt kết quả cao môn Địa lý. Ảnh: Hồ Lài

“Ở nhiều môn khác, học sinh phải cạnh tranh nhiều vòng để lọt vào đội tuyển dự thi tỉnh. Còn môn Địa lý, giáo viên phải đi tìm học trò. Là giáo viên phụ trách bồi dưỡng chính, tôi phải tìm học sinh từ kết quả thi HSG huyện. Sau đó, liên hệ trực tiếp với các trường, gặp gỡ phụ huynh, học sinh để động viên, thuyết phục các em vào đội tuyển”, cô Thành chia sẻ.

Dù vậy, việc sàng lọc học sinh không vì thế mà “hạ thấp tiêu chuẩn”. theo cô Thành, đầu tiên học sinh phải thực sự đam mê với môn Địa lý. Kiến thức các em còn thiếu sót ở đâu, các cô sẽ bù đắp và bồi dưỡng thêm. Bản thân cô cũng luôn đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc của mình, thì mới truyền được cảm hứng và đem về kết quả tốt nhất cho học sinh.

Nói về Châu Oanh, cô Thành cũng khẳng định em là học sinh có đam mê, nỗ lực, nên khi vào đội tuyển, em phát huy được tố chất, năng lực của bản thân để đạt giải cao. Đề thi năm nay có nhiều đổi mới theo hướng phát huy năng lực học sinh, chứ không nặng nề kiểm tra kiến thức. Ví dụ thông thường đề thi Địa lý có câu vẽ biểu đồ, nhưng năm nay đề yêu cầu thí sinh xác định dạng biểu đồ, giải thích tại sao, phân tích số liệu từ chi tiết đến tổng hợp. Châu Oanh đã giải quyết rất tốt đề ra nên điểm số em đạt được là xứng đáng.

Đây là năm đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và môn Địa lý trở thành một tích hợp Lịch sử - Địa lý. Đề thi theo hướng phát huy được năng lực của học sinh, nên giáo viên cũng phải đổi mới, thích ứng. Cô cùng đồng nghiệp tự biên soạn tài liệu, xây dựng ngân hàng đề thi minh họa, bộ câu hỏi trắc nghiệm. Ngoài Địa lý, các giáo viên còn đọc thêm tài liệu Lịch sử để soạn câu hỏi trắc nghiệm, kiến thức chung.

phan-chau-oanh-1.jpg
Em Phan Châu Oanh cùng cô Nguyễn Thị Thúy (bên phải) - giáo viên bộ môn Địa lý tại Trường THCS Xuân Thành và cô giáo bồi dưỡng chính Đinh Thị Thành (bên trái). Ảnh: Hồ Lài

"Học sinh của tôi đến từ nhiều xã khác nhau, cách xa thị trấn nên trong giai đoạn ôn thi cao điểm, cô còn xin phép phụ huynh đón trò đến nhà “cùng ăn, cùng ở, cùng bồi dưỡng”. Có nhiều em hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh thương cô trò đã gửi gạo đến nhà cô tiếp sức ôn thi”, cô Thành kể.

Kết quả, ngoài thủ khoa Châu Oanh đến từ Trường THCS Xuân Thành, 6 học sinh đạt giải Nhì đến từ các trường THCS Đô Thành, Lăng Thành, Công Thành, Liên - Lý, Mã Thành và 1 học sinh đến từ Trường THCS Bạch Liêu.

Thành tích của đội tuyển Địa lý cũng đã góp phần đưa huyện Yên Thành xếp thứ 4 toàn tỉnh tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm nay với với 80/ 106 em dự thi đạt giải, trong đó có 4 giải Nhất, 34 giải Nhì, 18 giải Ba, 24 giải Khuyến khích.

Là giáo viên trẻ, sinh năm 1992 nhưng cô Đinh Thị Thành đã có 5 năm trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển Địa lý của huyện Yên Thành và góp phần đem về nhiều thành tích ấn tượng. Trong 5 năm, đội tuyển Địa lý của huyện Yên Thành liên tục nằm trong tốp 4 của tỉnh và có 3 năm có học sinh đạt giải Nhất, với 2 lần có học sinh đạt điểm cao nhất tỉnh.

Theo bà Ngô Thị Hiền - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành, đây là lần đầu tiên kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nên có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Tuy nhiên huyện Yên Thành đã có sự chuẩn bị khá sớm, từ công tác bồi dưỡng, đổi mới cách kiểm tra đánh giá, xây dựng ngân hàng đề thi. Địa phương cũng có nhiều chính sách đặc thù như thu hút giáo viên giỏi, hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên bồi dưỡng, khen thưởng giáo viên và học sinh đạt giải... Qua đó tạo động lực cho giáo viên, học sinh nỗ lực phấn đấu. Như trường hợp cô Đinh Thị Thành là giáo viên được huyện tuyển dụng đặc cách theo diện thu hút. Trước đó, sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, cô từng dạy học ở Hệ thống giáo dục Vinschool nhưng đã lựa chọn quay về quê hương công tác, cống hiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tích cực ứng dụng công nghệ và phần mềm học tập trực tuyến để đổi mới các tiết dạy. Ảnh minh họa: INT

Giáo dục trong Kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục...