Hiện em là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thông tin, phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau với nhiều thành tích nổi bật.
Khát khao đến trường
Đến phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau hỏi thăm Võ Thị Huỳnh Như, ít thầy cô, sinh viên nào không biết bởi em là một trong những tấm gương giàu nghị lực vượt khó của trường. Trong số đông học sinh lớp Công nghệ thông tin, không khó để nhận ra Như. Em chỉ nặng khoảng 30 kg và cao chưa đến 1m, dù năm nay đã 23 tuổi. Bà Đinh Hồng Dân, mẹ Huỳnh Như cho biết, mắc bệnh xương thủy tinh từ khi chào đời khiến em không thể tự đi lại và thường xuyên bị bệnh tật hành hạ. Vợ chồng bà Dân đã chạy chữa khắp nơi để giữ lấy tính mạng của Như.
Năm Như lên 6, thấy các bạn đồng trang lứa cắp sách đến trường, em cũng khát khao được đi học. Nhìn cơ thể khiếm khuyết của con, bà Dân chỉ biết khóc. “Tôi không dám cho Như đi học vì sợ ảnh hưởng sức khoẻ nhưng con cứ nài nỉ mãi. Năm 9 tuổi, Như khóc đòi đi học nhiều hơn. Thương con, tôi đành xin nhà trường cho học. Mới đầu, trường cũng e ngại nhưng thấy được quyết tâm của Như, họ đã tạo điều kiện”, bà Dân nói.
Xin được trường cho con đi học, bà Dân chưa kịp mừng thì lại bị chồng phản đối. Chồng bà nghĩ rằng người bình thường học ra trường còn khó xin việc, huống hồ người có cơ thể khiếm khuyết như Huỳnh Như. Học chỉ thêm tốn thời gian, công sức, tiền bạc. Nhưng bất chấp sự phản đối từ chồng, bà Dân vẫn kiên định.
“Con sinh ra đã bất hạnh, cho đi học biết đâu sau này có nghề nuôi thân. Nhưng cũng vì sự bất đồng quan điểm này mà vợ chồng tôi cự cãi suốt rồi ly thân từ bấy đến nay. Ổng canh tác phần đất của gia đình để lo cho hai con trai. Tôi thì làm thuê lo cho Như”, bà Dân tâm sự.
Có thể nói Như được đến trường là nhờ “đôi chân của mẹ”. Khi bắt đầu vào lớp 1, bà Dân cõng con hơn 2 km đến trường bất kể nắng mưa. Đến cấp THCS, khi giao thông nông thôn được đầu tư, bà mua xe đạp chở con đi học. Khi lên THPT, trường cách xa nhà thì bà thuê phòng trọ gần trường để tiện việc chăm sóc và đưa đón con. “Trong một lần đến trường, Như gặp tai nạn nghiêm trọng phải nhập viện gần một tháng, tưởng phải nghỉ học luôn. Tuy nhiên, khi vượt qua nguy hiểm, con tiếp tục đòi đi học”, bà Dân nhớ lại.
Vội lau những giọt nước mắt chực chờ trên mắt, bà Dân kể khi Như lên thành phố Cà Mau (cách nhà hơn 10 km) học đại học, bà vẫn lặn lội theo con sáng đi, chiều về. “Mỗi sáng, tôi cõng con lên ngồi trước xe rồi chở từ nhà đến trường. Đến nơi, tôi cõng con vào lớp, sau đó xuống căng tin của trường phụ bán rồi chờ đến chiều, đón con về. Lớn tuổi, cõng con mệt hơn trước nhưng chỉ cần thấy con khỏe mạnh và học giỏi thì tôi như vơi hết mệt nhọc”, bà Dân nghẹn ngào.
Ngồi cạnh mẹ trong bữa cơm trưa tại căng tin của trường, Huỳnh Như chia sẻ được đi học và bước chân vào giảng đường đại học là ước mơ lớn nhất của em. “Học tập đến hôm nay, em biết rằng sự nỗ lực của em bỏ ra một thì mẹ phải bỏ ra 10. Em biết ơn mẹ nên luôn ra sức học tập thật tốt, để không phụ công lao và sự hy sinh của mẹ”, Như tâm sự.
![Huỳnh Như đến lớp bằng “đôi chân của mẹ”. nu-sinh-xuong-thuy-tinh-den-truong-bang-doi-chan-cua-me-4.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb364539747a16adf4aba87549c388b1f672bafb2651e1dcd3756c6cc04c82f379f38102306658742464895c599c9ca24d9c4aa2a25731bc67ed8d2b5dd743480083966854f94c935fc0aee2e59d06e64028ab7975/nu-sinh-xuong-thuy-tinh-den-truong-bang-doi-chan-cua-me-4.jpg)
Nỗ lực trong học tập
Dù cơ thể khiếm khuyết và đi lại khó khăn nhưng Huỳnh Như luôn là học sinh khá, giỏi suốt 12 năm học phổ thông. Bước vào giảng đường đại học, Như vẫn duy trì thành tích học tập tốt. “Tôi luôn tự hào vì con tuy khuyết tật nhưng biết nỗ lực vươn lên. Tôi chỉ hy vọng con có thể tìm được công việc phù hợp và tự nuôi được bản thân”, bà Dân chia sẻ.
Nói về bạn học, sinh viên lớp Công nghệ thông tin Lý Hữu Thuật bày tỏ sự ngưỡng mộ. “Trong lớp Như chăm chỉ, chịu khó, quá trình học không hiểu vấn đề gì Như sẽ hỏi ngay thầy cô, bạn bè. Như cũng rất hòa đồng, chủ động tham gia sinh hoạt nhóm cùng bạn bè, không vì cơ thể khiếm khuyết mà tự ti, rụt rè. Trong lớp bạn bè đều quý mến và nhiệt tình giúp đỡ mỗi khi Như cần sự hỗ trợ”, Hữu Thuật nói.
Chị Ngô Mai Lý - Bí thư Đoàn, phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau cho biết, nhà trường đã hỗ trợ 100% học phí cho Như trong 4 năm học. Đồng thời, trường định hướng em chọn ngành Công nghệ thông tin để phù hợp bản thân và hỗ trợ laptop để em có điều kiện học tập tốt. Ngoài ra, trường cũng giới thiệu, tạo điều kiện cho mẹ Như làm việc tại căng tin để có thêm thu nhập và tiện cho việc đưa, đón em.
“Trong những năm học qua, Huỳnh Như đều cố gắng hoàn thành tốt chương trình học, không bị nợ môn. Em cũng tích cực tham gia hoạt động Câu lạc bộ Sách, truyền cảm hứng về tình yêu sách, lan tỏa văn hóa đọc trong trường. Tinh thần hiếu học và ý chí vươn lên của Như đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều sinh viên”, chị Lý nói.
Em sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành chương trình đại học với bằng khá trở lên. Em muốn nói với các bạn có cùng hoàn cảnh rằng bị khuyết tật không có nghĩa cánh cửa cuộc đời đóng lại. Bị khuyết tật thì mình cần nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường; phải có ý chí vươn lên để quyết định tương lai của chính mình. Nhiều người khuyết tật trên thế giới cũng học giỏi và trở thành người thành công, đóng góp cho xã hội. Em cũng muốn noi theo những tấm gương đó, Võ Thị Huỳnh Như chia sẻ.