Nữ sinh người Thái chinh phục tấm vé vào trường đại học nổi tiếng

GD&TĐ - Rời nhà đi học trường dân tộc nội trú từ lớp 6, Lang Thị Mai Sương đã ý thức được phải học để thay đổi cuộc đời, thực hiện ước mơ của mình.

Lang Thị Mai Sương (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Ngoại thương) cùng mẹ tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X. Ảnh NVCC.
Lang Thị Mai Sương (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Ngoại thương) cùng mẹ tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X. Ảnh NVCC.

Trưởng thành từ trường dân tộc nội trú

Lang Thị Mai Sương (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Ngoại thương) sinh ra trong gia đình có ba chị em tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Là chị cả trong gia đình, từ nhỏ Sương đã ý thức được phải gương mẫu cho các em noi theo.

Lên lớp 6 để giảm bớt áp lực cho gia đình cũng như có môi trường học tập tốt hơn, Sương được bố mẹ cho theo học tại trường dân tộc nội trú huyện Quỳ Châu. Tại đây, Sương đặt mục tiêu cho bản thân sau khi tốt nghiệp THCS thi đậu vào Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An). Thế rồi nhờ sự nỗ lực, chăm chỉ học tập ngày đêm, Sương đậu vào ngôi trường phổ thông mình mong ước.

“Trường mới xa nhà hơn, mỗi năm số lần được về thăm nhà càng ít. Cuộc sống tự lập 4 năm ở THCS nhắc nhở em phải biết ước mơ, xây dựng mục tiêu; tự giác hoàn thành những bài tập để có kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó để em được học trong môi trường đầy đủ này, là nhờ các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước em càng phải học để xứng đáng với những chính sách mình được thừa hưởng”, Sương trải lòng.

Lang Thị Mai Sương, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh NVCC.

Lang Thị Mai Sương, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh NVCC.

Ngày vào học THPT, Sương đã ước mơ sau này mình là sinh viên của Trường ĐH Ngoại thương. Trong suốt ba năm học, Sương đã không nghỉ buổi học nào, luôn cố gắng duy trì thành tích tốt với những môn thế mạnh. Song song với đó, những môn học không phải là sở trường cô nữ sinh người dân tộc Thái cố gắng dùng tâm lý thoải mái để học; phần nào khó, chưa hiểu nhờ thầy cô, bạn bè giảng lại.

Sương chia sẻ: “Nếu trong suy nghĩ luôn sợ khó, không dành thời gian để nghiên cứu thì bản thân sẽ thấy môn học đó không hấp dẫn dần dần mình sẽ rời xa môn học đó. Trong khi đó, kiến thức ngày một nhiều như vậy để hổng sẽ khó theo kịp. Do đó, em luôn nhắc nhở bản thân phải dùng tâm thế khám phá, tìm tòi để học sẽ hấp dẫn hơn”.

Bên cạnh đó, Sương cũng quan niệm để có kết quả như mình kỳ vọng, sự động viên, khích lệ từ gia đình, thầy cô và bạn bè rất quan trọng.

Luôn nỗ lực

Mặc dù bước vào cánh cửa trường đại học với thành tích khá cao với 28, 25 điểm tổ hợp D0, thế nhưng Sương vẫn bị áp lực bởi ở bậc đại học có nhiều bạn học rất giỏi đến từ trường chuyên trong cả nước; nhiều bạn được xét tuyển thẳng bằng các giải thưởng quốc tế, quốc gia…

“Các bạn không chỉ giỏi về học tập, chuyên môn mà còn năng động trong tất cả các phong trào của trường. Bởi vậy trong khoảng 2 tháng đầu, em cảm thấy rất bơ vơ, lạc lõng. Một phần vì môi trường đại học quá khác so với môi trường nội trú mà em theo đã theo học bảy năm. Một phần vì em chưa bắt kịp với môi trường sống mới.

Để bản thân không bị trượt dài theo cảm xúc, em đã nhắc nhở bản thân rằng ở môi trường nào cũng có sự cạnh tranh bởi vậy phải tự xây dựng kế hoạch học tập cụ thể, mục tiêu phấn đấu rõ ràng để hoàn thành được ước mơ cho mình”, Sương chia sẻ.

Cô Lê Sa (bên phải), giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An chụp ảnh cùng Mai Sương và mẹ. Ảnh NVCC.

Cô Lê Sa (bên phải), giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An chụp ảnh cùng Mai Sương và mẹ. Ảnh NVCC.

Đồng hành cùng Sương trong những năm THPT, cô Lê Sa, giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An cho biết: “Mai Sương là học sinh ngoan, chăm chỉ, học giỏi. Em luôn nỗ lực, quyết tâm rất lớn với các mục tiêu đặt ra. Đặc biệt, em ấy có khả năng ghi nhớ rất tốt.

Trong quá trình học THPT, Mai Sương có mục tiêu rõ ràng cho từng năm học. Ở lớp 10 em xác định học đều các môn và nghiên cứu bản thân thiên về môn học nào để có những định hướng chọn khối cho lớp 11. Trong lớp 11 và 12 khi đã xác định được khối cũng như trường của mình dự định thi, em ấy sẽ vạch ra kế hoạch học tập cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Tôi ấn tượng với Mai Sương về sự nỗ lực, quyết tâm lớn và đặt ra kết hoạch rõ ràng”.

Cô Lê Sa cũng cho biết thêm, quá trình dạy, cô luôn định hướng cho Sương và học trò của mình phải nắm chắc kiến thức cơ bản, từ đó phát triển, nâng cao lên. Ngoài ra, cô còn cung cấp thêm tài liệu, hướng dẫn học sinh vạch ra thời gian biểu để học và phải tuân thủ kế hoạch trong thời gian biểu đó.

“Nếu học 2-3 tuần không hiệu quả, tôi sẽ cùng học trò ngồi lại, nghiên cứu xem vì sao không hiệu quả từ đó xây dựng lại kế hoạch học tập để đạt được kết quả tốt nhất”, cô Lê Sa chia sẻ.

Năm 2023, Lang Thị Mai Sương là một trong 143 gương mặt được vinh danh trong Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X do Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.