Nữ sinh học Bác, nỗ lực vượt khó

GD&TĐ - Nữ sinh giành giải Nhất cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” toàn quốc chia sẻ nhiều điều thú vị.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An trao quà khen thưởng, chúc mừng em Trần Thương Huyền.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An trao quà khen thưởng, chúc mừng em Trần Thương Huyền.

Trong năm học cuối cấp dù rất bận rộn nhưng Trần Thương Huyền – học sinh lớp 12C7, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) vẫn xuất sắc vượt qua hàng chục nghìn thí sinh, giành giải Nhất cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” toàn quốc.

Niềm tự hào của nữ sinh quê Bác

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An – ông Thái Văn Thành thay mặt lãnh đạo ngành chúc mừng và khen thưởng thành tích của em Trần Thương Huyền đạt được. Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của cá nhân học sinh và cũng như sự hỗ trợ, động viên của thầy cô, nhà trường. Thành tích này cũng khẳng định công tác đào tạo học sinh trường chuyên không chỉ đạt chất lượng mũi nhọn, mà còn giáo dục toàn diện. Từ thành quả của học sinh, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp các em có nhân cách, trí tuệ, có khát vọng, bản lĩnh vươn lên trong cuộc sống.

Với nữ sinh lớp chuyên Anh - Nhật, đây không chỉ là niềm tự hào, thành tích đáng nhớ trong 12 năm đi học, mà những giá trị từ cuộc thi này đã ngấm vào trong tư tưởng, tác phong để em luôn tìm được nguồn cảm hứng, động lực mà cố gắng nỗ lực trong học tập, cuộc sống mỗi lúc gặp khó khăn.

“Khi trên fanpage chính thức của cuộc thi công bố danh sách giải thưởng, nhìn tên Trần Thương Huyền xếp ở vị trí thứ Nhất, cảm xúc của em vỡ òa vì vui mừng, bất ngờ. Em nhảy cẫng lên một mình, sau đó gọi điện báo với thầy cô, bố mẹ”, nữ sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhớ lại cảm xúc khi biết kết quả chung kết cuộc thi.

Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” toàn quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Cuộc thi diễn ra bằng hình thức trực tuyến và kéo dài trong gần 3 tháng.

Từ năm học trước, Trần Thương Huyền đã tham gia cuộc thi và dừng lại ở vòng bán kết. Kết quả này để lại cho nữ sinh chút tiếc nuối và ấp ủ quyết tâm dự thi tiếp vào năm lớp 12. Đây cũng là cơ hội để em tìm hiểu về Bác Hồ như một “trải nghiệm đặc biệt, sâu sắc hơn”. Năm 2021, nữ sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tiếp tục được chọn là 1 trong 5 học sinh của Nghệ An lọt vào vòng bán kết.

Ở vòng thi trực tuyến này, Huyền xuất sắc trở thành đại diện duy nhất của tỉnh dự thi chung kết. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, chung kết toàn quốc không được tổ chức tập trung tại Hà Nội như các lần trước. Thay vào đó, thí sinh tiếp tục dự thi trực tuyến.

Trần Thương Huyền cho hay, em được tạo điều kiện đến phòng Tin học của trường, có đường truyền và kết nối Internet ổn định để làm bài thi. Bởi trong 10 phút, em phải trả lời 30 câu, mỗi câu 10 điểm. Kết quả thi không chỉ xếp theo điểm từ trên xuống dưới, mà còn tính cả số thời gian làm bài. Với hình thức trực tuyến, ngay khi hoàn thành, Trần Thương Huyền đã nhìn thấy kết quả mình đạt 290/300 điểm.

“Lúc này em khá là hụt hẫng và buồn vì không đúng tuyệt đối như mong muốn mà bị sai 1 câu. Em đã nghĩ mình khó đoạt giải cao nhất. Cuộc thi tổ chức toàn quốc, và ở các tỉnh, thành khác có những bạn xuất sắc, có thể trả lời đúng tuyệt đối hoặc với thời gian nhanh hơn em”, Huyền kể.

Nhưng sau hơn 1 giờ đồng hồ, Ban tổ chức tiếp nhận kết quả thí sinh gửi về, tổng hợp và công bố em Trần Thương Huyền đã giành giải Nhất toàn quốc đối với bảng A (cho học sinh phổ thông).

“Từ cảm xúc đang không có nhiều hi vọng, lại đạt kết quả cao nhất, khiến em vừa bất ngờ, vui mừng, vừa tự hào! Khi em là một người con quê Bác đã giành chiến thắng tại cuộc thi tìm hiểu về Bác. Trong suốt thời gian qua, cuộc thi đối với em là một hành trình trải nghiệm đầy ý nghĩa, với sự hỗ trợ, động viên rất nhiều của thầy cô, bạn bè...”, Thương Huyền xúc động nói.

Nghĩ đến Bác để nỗ lực, bản lĩnh hơn

Em Trần Thương Huyền và cô giáo bồi dưỡng Lê Thị Long.
Em Trần Thương Huyền và cô giáo bồi dưỡng Lê Thị Long.

Bước ngoặt để Trần Thương Huyền đến cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, là khi Đậu Huy Minh (K46A2) từng đoạt giải Nhất năm 2019. Lúc này, Huyền và các bạn mới dành sự quan tâm và theo dõi nhiều hơn. Đồng thời đặt mục tiêu đoạt giải cuộc thi như một phần trách nhiệm của người con quê Bác.

Huyền đọc rất nhiều sách báo, phim tài liệu để bổ sung kiến thức cho mình. Em cũng tìm kiếm sự trợ giúp từ các giáo viên trong trường về những câu hỏi khó, hoặc những đầu sách hay liên quan đến Bác. “Các thầy cô với vốn hiểu biết rộng và bao quát sẽ giúp cho quá trình đọc hiểu và chắt lọc thông tin tư liệu của em trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian”, Huyền cho biết.

Khi được hỏi những kiến thức về lịch sử, tư tưởng... có khô khan, khó khăn với nữ sinh chuyên ngoại ngữ, Thương Huyền chia sẻ mình tìm được niềm yêu thích và hứng thú khi tìm hiểu sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đây, em chỉ biết đến Bác như một vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.

Người sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Nhưng những cuộc đời, sự nghiệp của Bác không chỉ là lịch sử, mà còn là những câu chuyện rất thật, cảm động. Về cách ứng xử của Bác, về tư tưởng, nỗ lực vượt qua khó khăn, nghịch cảnh.

Trần Thương Huyền tâm sự: “Từ ngày tham gia cuộc thi, em luôn thấy những bài học của Bác hiển hiện trong cuộc sống, học tập, rèn luyện của mình. Đơn cử như em là một học sinh chuyên Anh – Nhật.

Ngày xưa, không có điều kiện, nhiều thời gian để học tập, nhưng Bác biết và sử dụng được nhiều ngoại ngữ. Còn mình chỉ học mỗi tiếng Anh mà còn kêu khó, vất vả, đôi lúc nản chí. Nghĩ như vậy, em lại có thêm động lực, năng lượng, cảm hứng để tiếp tục cố gắng”.

Cô Lê Thị Long – giáo viên môn GDCD, cũng là người bồi dưỡng, hướng dẫn Huyền tham gia cuộc thi - cho biết: Em Trần Thương Huyền là một học sinh rất năng động trong học tập và đóng góp cho nhiều hoạt động của trường, lớp.

Trước khi đến với cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, em giành giải Nhất cuộc thi Rung chuông vàng, lọt top 5 thi Olympia của trường.

Huyền cũng tích cực, chủ động trao đổi với thầy cô, làm dày thêm kiến thức, hiểu biết. Khi biết tin em được giải Nhất toàn quốc, tôi cũng vô cùng phấn khởi, nhưng cũng tự hào và thấy Huyền xứng đáng sau nhiều nỗ lực, phấn đấu hết mình.

Tiếp tục hành trình khẳng định bản thân

Thương Huyền và các bạn trong lớp.
Thương Huyền và các bạn trong lớp.

Trần Thương Huyền chia sẻ, năm bước vào lớp 10, em từng gặp thất bại khi trượt lớp chuyên tiếng Anh, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. “Tiếng Anh là môn học em yêu thích nhất, từng đoạt giải Ba kỳ thi HSG tỉnh năm lớp 9. Em đã đặt rất nhiều kỳ vọng và nỗ lực trong ôn tập để thi chuyên mà kết quả không như mong muốn.

Sau đó, em đậu nguyện vọng 2 vào chuyên Anh – Nhật và nằm trong tốp đầu của lớp. Nhưng lúc này, bố mẹ lại không cho em xuống Trường Phan nữa, muốn con học THPT ở Anh Sơn”, Thương Huyền kể lại.

Đó là khoảng thời gian mà Huyền rất phân vân giữa 2 lựa chọn. Không trúng tuyển lớp chuyên mơ ước, nhưng Huyền đã có cơ hội khác ở Trường Phan Bội Châu. Còn học ở nhà thì em sẽ được gần bố mẹ, có bạn bè quen thuộc. “Thời điểm đó, chưa nhập học, nhưng dựa vào thông tin trúng tuyển, các bạn trong lớp đã kết bạn, lập nhóm trên mạng xã hội.

Chúng em nói chuyện với nhau rất vui. Em cảm thấy lớp học sắp tới đây của mình sẽ đoàn kết, có nhiều hoạt động sôi nổi. Bản thân em cũng muốn ngoài học kiến thức, em sẽ tham gia nhiều hoạt động khác để tự tin, năng động hơn. Vì vậy, em quyết tâm sẽ xuống TP Vinh học”, Huyền nhớ lại.

Để thuyết phục bố mẹ mình, Huyền cũng hứa sẽ nỗ lực, chăm chỉ học tập, đạt được kết quả tốt nhất. Lời hứa với bố mẹ, cũng là lời hứa với chính bản thân Huyền để có 3 năm thanh xuân đáng nhớ, rực rỡ, nhiệt huyết. Em ở trọ cùng với chị gái đang làm việc tại TP Vinh. Những ngày tháng xa nhà đầu tiên, nhờ có chị động viên mà Huyền đã sớm hòa nhập với cuộc sống mới.

Nữ sinh chia sẻ, không đặt mục tiêu vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, thay vào đó, em sẽ tham gia hoạt động câu lạc bộ, các cuộc thi chinh phục tri thức khác. Trong năm lớp 10, 11 Huyền đã đăng ký tham dự nhiều câu lạc bộ trong trường. Em dành thời gian chính cho câu lạc bộ báo chí học sinh và Olympians of Phan.

Trong đó, mục tiêu lớn nhất của Huyền là cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Nhưng cậu bạn Nguyễn Đình Duy Anh đã xuất sắc đứng thứ nhất toàn trường, giành vé tham dự chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Thời điểm đó, Huyền từng có dự định chuyển trường về quê để tìm kiếm cơ hội mới. Nhưng em quyết định vẫn ở lại Trường Phan và cống hiến ở vai trò khác: Chủ nhiệm Olympians of Phan năm thứ 2 sau khi Trần Thế Trung (Quán quân Olympia năm 2019) tốt nghiệp. Đồng thời, em chuyển mục tiêu và dành thời gian cho cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nói về cuộc thi này, Huyền có kỷ niệm đặc biệt là trong 3 vòng thi đầu tiên bố mẹ em không biết con gái tham gia và luôn đứng đầu. Mãi cho đến khi em lọt vào chung kết, được các fanpage của Tỉnh đoàn, Đoàn Thanh niên các huyện chia sẻ, mọi người báo tin thì bố mẹ mới biết.

Sau khi em giành giải Nhất, được nhà trường, Sở GD&ĐT tuyên dương, có nhiều bạn bè chúc mừng và mọi người trên quê cũng biết tin. “Lúc ấy, bố mẹ em cũng thấy mừng và tự hào, khen em. Sau 3 năm học, em nghĩ, mình cũng đã có được thành quả nhất định, thực hiện được lời hứa với bố mẹ khi quyết định rời quê xuống TP Vinh để học chuyên Phan”, Huyền vui vẻ nói.

Mục tiêu sắp tới của Trần Thương Huyền là đạt kết quả cao tại kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh và xét tuyển vào Học viện Ngoại giao. Chặng đường phía trước còn rất dài và cần những cố gắng không ngừng. Nhưng ở cô nữ sinh nhỏ bé, nụ cười tươi luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực.

Huyền nói: “Thành tích đạt được chỉ mang tính thời điểm, rồi sẽ có các bạn khóa sau tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới. Nhưng trải nghiệm, những cuộc thi em trải qua, đặc biệt là những gì em học được từ Bác Hồ sẽ không mất đi mà tạo động lực, sức mạnh cho em ở những mục tiêu mới, cũng như trong thái độ, ứng xử với cuộc sống bản thân và mọi người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ