Đây là thành tích đáng tự hào của cả thầy và trò nhà trường nói riêng, cũng như toàn ngành Giáo dục tỉnh nói chung.
Khát khao tìm tòi, sáng tạo
Khi được hỏi, Phương Liên cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vui sướng khi đạt được mục tiêu cao nhất của bản thân trong kỳ thi lần này. Kể về quá trình học, Liên cho biết: Em theo đuổi môn Địa lý từ năm lớp 8 nhờ sự động viên, tư vấn của bạn thân. “Mặc dù đam mê không phải lý do đầu tiên để gắn bó với môn Địa lý nhưng bản thân em sẽ theo đuổi môn học này ở hiện tại và cả mai sau”, nữ sinh tâm sự.
Nói về cách ôn tập kiến thức môn Địa lý, Trần Phương Liên cho hay: Trước hết cần đặt ra mục tiêu rõ ràng, đây sẽ là đích và là nguồn động lực để bản thân có thể học tập tốt hơn. Có một câu nói rất hay đã truyền cảm hứng không nhỏ đến nữ sinh này trong thời gian học đội tuyển, nhất là mỗi lần mệt mỏi vì học tập, đó là “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”. Liên không quá đặt nặng vấn đề học thuộc, mà thay vào đó lại chú trọng việc đọc sách giáo khoa thật kỹ, đặc biệt chú ý những ý nhỏ mà đôi khi mình hay quên và dành nhiều thời gian để làm chuyên đề.
Chuyên đề là tài liệu tổng hợp vô cùng quan trọng mà mỗi lần sửa hay bổ sung giống như một lần củng cố thêm kiến thức cũ, có thêm nhiều điều mới của môn học. Việc tham khảo và làm đề từ các năm trước, của địa phương khác hay từ cuộc thi quy mô khác cũng là cách hay giúp bản thân nâng cao tốc độ viết, tăng khả năng tư duy và học thêm nhiều câu hỏi lạ. Ngoài ra, Liên còn tham gia vào nhiều hội nhóm học sinh giỏi Địa lý trên mạng xã hội để có thể giao lưu với bạn bè có cùng đam mê cũng như tham khảo thêm nguồn kiến thức khác nhau. Nhờ đó, lượng kiến thức tích lũy được giúp nữ sinh này vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất mà thời gian nhớ bài cũng sẽ lâu hơn so với việc đọc thuộc lòng.
“Chiến lược làm bài của em không có gì quá đặc biệt. Theo thói quen, em làm lần lượt từ câu 1 đến câu 7, đặc biệt chú ý đến việc sắp xếp các ý chính và ý phụ để không bị sót ý. Phân tích kỹ nhưng không được lan man, dài dòng để bảo đảm thời gian làm bài. 180 phút là khoảng thời gian vừa đủ để em có thể làm bài tốt, đáp ứng cả về chất lượng và độ dài bài thi”, Phương Liên nhớ lại.
Nỗ lực vượt khó
Thầy Nguyễn Thành Trung - lãnh đội HSG quốc gia Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - cho biết: Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên quá trình tập trung, ôn luyện của thầy trò cũng gặp những trở ngại nhất định. Theo thầy Trung, học sinh trong đội tuyển môn Địa lý rất thông minh, có hoài bão và khát vọng chinh phục các kỳ thi HSG cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đây là cơ hội thể hiện năng lực bản thân, đồng thời viết tiếp vào bảng vàng thành tích của nhà trường.
Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, ban giám hiệu nhà trường luôn kịp thời động viên, khích lệ, tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học của thầy trò. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên phần lớn thời gian học tập của thầy trò đều là trực tuyến. Cơ hội để học sinh cọ xát, học hỏi kinh nghiệm thi cử từ những năm lớp 10, 11 cũng bị hạn chế do các kỳ thi khu vực như HSG Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ đều bị hủy. Dù vậy, tinh thần tự học, tự bồi dưỡng của các em lại được phát huy cao độ. Học sinh luôn chủ động tìm hiểu tài liệu tham khảo từ thầy cô, thư viện trường và mạng Internet để trau dồi kiến thức cho bản thân.
Để khắc phục khó khăn trên, thầy cô đã vận dụng linh hoạt hình thức dạy học online trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, giáo viên cũng tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí là tâm sự về các vấn đề khác ngoài học tập để tạo không khí vui vẻ cho các em. Tránh tình trạng căng thẳng vì các em phải ngồi học trước máy tính kéo dài.
Không chỉ vậy, lãnh đạo sở GD&ĐT cùng với ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm cả về vật chất và tinh thần cho các em trong đội tuyển. Trong đó có tổ chức gặp mặt, tặng quà động viên. Trong điều kiện dịch bệnh, nhà trường đã xây dựng khu ăn ở tập trung cho học sinh đội tuyển ở ký túc xá để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong thời gian ôn luyện. Các bậc phụ huynh cũng đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất cho con em trong thời gian ôn luyện.
Cũng theo thầy Trung, trong thời gian ôn tập, học sinh trong đội tuyển luôn nỗ lực với 100% khả năng, đặc biệt là em Trần Phương Liên. Sự tiến bộ thể hiện rõ qua các bài kiểm tra hàng tuần và kết quả của kỳ thi là thành quả xứng đáng cho công sức của các em. Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi HSG quốc gia môn Địa lý, thí sinh ở trên lớp cần chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài; về nhà làm đầy đủ bài tập.
Bên cạnh đó, học sinh cũng cần tăng cường học hỏi, tiếp thu các kiến thức từ thực tiễn để bài làm của mỗi học sinh không chỉ là kiến thức lý thuyết đơn thuần, mà còn là hơi thở cuộc sống. Và nhờ làm chủ kiến thức, tư duy sáng tạo, khát vọng thể hiện bản thân nên các em đạt kết quả mong muốn. Liên là học trò rất thông minh và có tố chất với môn chuyên ngay từ năm học lớp 10. Trong kỳ thi HSG tỉnh, Liên cũng giành giải Nhất của tỉnh.