Nữ sinh người Tày và con đường đến giải Nhất quốc gia

GD&TĐ - Vượt hơn 100 km đi thi, trở thành học sinh duy nhất của huyện vùng cao Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) đỗ THPT chuyên Bắc Giang (2019 - 2020) và 3 năm sau Hoàng Thanh Huyền giành giải Nhất quốc gia môn Tiếng Trung.

Hoàng Thanh Huyền (bìa phải) và cô giáo Nguyễn Thị Hiên - phụ trách đội tuyển tiếng Trung.
Hoàng Thanh Huyền (bìa phải) và cô giáo Nguyễn Thị Hiên - phụ trách đội tuyển tiếng Trung.

“Bật mí” bí quyết học giỏi

Cô học trò “vàng” - Hoàng Thanh Huyền sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ là giáo viên tại vùng quê miền núi nghèo thôn Kim Bảng, xã An Lạc (huyện Sơn Động, Bắc Giang). Bởi vậy, ngay từ thuở bé Huyền đã là cô học trò chăm ngoan, học giỏi.

Với 4 năm học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Sơn Động dù bỡ ngỡ xa nhà nhưng Huyền đã phấn đấu trở thành học sinh giỏi Tiếng Anh cấp huyện. Đó cũng chính là động lực để Huyền đến với chuyên ngành tiếng Trung (Trường THPT chuyên Bắc Giang) để bắt đầu cho hành trình chinh phục giải Nhất cấp quốc gia.

Mặc dù đoạt giải Nhì cấp huyện tại kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) môn Tiếng Anh lớp 9 nhưng điểm thi “đầu vào” Trường THPT chuyên Bắc Giang của Huyền chỉ nằm ở mức trung bình so với các bạn.

“Lúc đầu, em không tự tin khi thi vào Trường THPT chuyên Bắc Giang vì tiếng Anh còn hạn chế so với các bạn ở thành phố hay các huyện: Hiệp Hòa, Yên Dũng, Việt Yên... Đỗ trường chuyên là một sự may mắn cũng có thể là cái duyên với môn học Tiếng Trung...”, Huyền bày tỏ.

Cũng tại năm học 2019 - 2020, huyện Sơn Động chỉ có duy nhất Hoàng Thanh Huyền đỗ vào Trường THPT chuyên Bắc Giang. “Phong trào học tiếng Anh tại trường phổ thông DTNT không mạnh, khó để so sánh với các trường trong tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện cũng chưa có trung tâm ôn luyện môn Tiếng Anh. Vì vậy, ngoài sự giúp đỡ các thầy cô thì việc tự học là chính. Những kiến thức nâng cao, khó hiểu thì em nhờ thầy cô bộ môn giúp đỡ chỉ bảo thêm...”, Huyền nhớ lại.

Khi thi vào lớp tiếng Trung (Trường THPT chuyên Bắc Giang), Hoàng Thanh Huyền chỉ xếp thứ 22/35 trong lớp. “Tiếng Trung là môn học bắt đầu học từ lớp 10. Vì vậy, điểm xuất phát là giống nhau và ai cũng phải cố gắng học tập. Khi mới tiếp cận tiếng Trung thực sự khó, cả phát âm, viết và nhớ mặt chữ...”, Huyền nhớ lại.

Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô cùng các chuyên gia, Hoàng Thanh Huyền từng bước làm quen học theo bộ chữ và cách ghép để hiểu về các từ có nghĩa liên quan.

“Tiếng Trung lôi cuốn sự say mê của em. Em dành hầu hết thời gian để học nói, luyện đọc và luyện viết tiếng Trung. Bên cạnh đó, em mua thêm giáo trình Hán ngữ nâng cao để tự học...”, Huyền tiết lộ.

Huyền chia sẻ, để học tốt môn Tiếng Trung thì yếu tố chăm chỉ đóng vai trò quan trọng. “Năm lớp 10 và 11 do mới tiếp cận môn học nhiều kiến thức còn mới, do vậy đến lớp 12 em mới thành thạo việc thực hành giao tiếp. Em cùng các bạn trong lớp thường thảo luận bài, dịch tài liệu, so đáp án, chơi đố từ… Đặc biệt, đợt dịch vừa qua em cùng các bạn thực hiện nhiều dự án tiếng Trung. Qua đó, giúp em củng cố kiến thức và đạt hiệu quả hơn với môn học…”, Huyền bày tỏ.

Theo Huyền, việc học trên sách vở với các thầy, cô và giáo sư được duy trì thường xuyên. “Bản thân em tự củng cố lại kiến thức của mình, giữ vững các điểm mạnh và dành nhiều thời gian ôn luyện các phần mình còn chưa tốt với tiếng Trung...”, Huyến nhấn mạnh.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Huyền cho biết, em mong muốn theo học Khoa Kinh tế Đối ngoại - Trường Đại học Ngoại thương.

“Giải Nhất quốc gia là bất ngờ, niềm vui lớn của em nhưng thời điểm này em cùng các bạn tập trung ôn luyện và hoàn thành tốt các chương trình học lớp 12. Đồng thời, trang bị thêm kiến thức tiếng Trung cho bản thân để tự tin bước vào giảng đường đại học…”, Huyền nói.

Thầy Trần Duy Phương – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Giang chia sẻ với Báo GD&TĐ.
Thầy Trần Duy Phương – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Giang chia sẻ với Báo GD&TĐ.

Viết tiếp trang sử vẻ vang

Với kết quả giải Nhất tại kỳ thi HSG quốc gia môn Tiếng Trung, Hoàng Thanh Huyền bày tỏ mong muốn, các em học sinh khóa sau Trường THPT chuyên Bắc Giang nói riêng và các bạn học sinh phải thật sự có quyết tâm, từ đó nỗ lực, cố gắng để nhất định phải đạt được mục tiêu đề ra.

“Mỗi khi mệt mỏi, chán nản em tự nhắc và nhớ lại quyết tâm của bản thân để tự tạo ra động lực cho chính mình…”, Huyền chia sẻ.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Nguyễn Thị Hiên, giáo viên phụ trách đội tuyển tiếng Trung (Trường THPT chuyên Bắc Giang), cho biết, 5 năm trở lại đây nhà trường liên tục có học sinh đoạt giải cao môn Tiếng Trung tại các kỳ thi chọn HSG quốc gia. Đặc biệt, là giải Nhất của Hoàng Thanh Huyền vừa qua.

“Không chỉ chăm ngoan học giỏi, Hoàng Thanh Huyền là tấm gương của nghị lực vươn lên trong học tập. Em không chỉ đam mê học giỏi tiếng Trung, Huyền còn dẫn chương trình năng động tại các sự kiện của nhà trường, tham gia các tiết mục văn nghệ trong các hoạt động...”, cô Hiên tiết lộ.

Được biết, năm 2021, Huyền đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ” lần thứ 14 dành cho học sinh các trường THPT tại Việt Nam do Bộ GD&ĐT và Đại sứ quán Trung Quốc phối hợp tổ chức thường niên.

Thầy Trần Duy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Giang - cho biết thêm, không chỉ học giỏi tiếng Trung, Huyền còn học đều tất cả các môn.

“Kết quả trung bình các môn học, em luôn xếp thứ nhất lớp. Huyền là lớp trưởng gương mẫu, tích cực, năng động tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường. Trong nhiều chương trình giao lưu, Huyền được chọn làm người dẫn chương trình và là hạt nhân văn nghệ của nhà trường được thầy cô và các bạn quý mến, tin tưởng…”, thầy Phương tự hào nói.

Kỳ thi chọn HSG quốc gia THPT năm học 2021 - 2022, Bắc Giang có 66/90 thí sinh dự thi đoạt giải. Bắc Giang là địa phương nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tổng số giải. Cụ thể, đoàn Bắc Giang có 66/90 học sinh dự thi đoạt giải. Trong đó, có 1 giải Nhất, 17 giải Nhì, 30 giải Ba và 18 giải Khuyến khích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.