Thi để thỏa sức đam mê với môn Lịch sử
Mới đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia bậc THPT năm học 2021-2022. Là một trong số các đại diện đến từ Trường THPT Khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội), em Bùi Ngọc Anh đã đạt giải Ba môn Lịch sử. Theo chia sẻ của nữ sinh này, đây là kết quả làm em khá hài lòng vì những cố gắng của mình đã được đền đáp khi tham gia kỳ thi lần này.
Nhìn lại chặng đường phấn đấu đã qua khi tham dự sân chơi này, Ngọc Anh cho biết: "Do tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội khá phức tạp, trong suốt hơn quá trình thành lập đội tuyển khoảng 4 tháng chúng em phải học online. Các thành viên trong đội tuyển không thể tập trung trực tiếp tại trường để ôn luyện, hiệu quả học tập cũng phần nào bị ảnh hưởng và không thể cao như được ôn tập trực tiếp như trước. Dù vậy, các thầy cô vẫn luôn cố gắng hết mình để truyền dạy cho chúng em những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi thi. Bố mẹ đã đồng hành, tạo động lực và điều kiện tốt nhất có thể để em toàn tâm toàn ý cho việc học tập, ôn luyện".
Cũng theo nữ sinh Ngọc Anh, ngoài thời gian hành chính trên trường như buổi sáng - chiều thì đến tối, thầy cô vẫn sẵn sàng hỗ trợ giảng dạy nếu học trò cần. Đây cũng chính là một nguồn cổ vũ rất lớn để các em nỗ lực hết mình trong việc ôn luyện các môn dự thi HSG quốc gia năm nay. Đề thi Lịch sử hoàn toàn theo hình thức tự luận, khác xa đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
"Với đề thi môn Lịch sử HSG quốc gia, khi làm bài thí sinh phải diễn giải có phần giống như một bài làm môn Văn. Em đã có 3 năm là học sinh đội tuyển của trường, năm nay là năm thứ 2 tham gia đội tuyển HSG để đi thi cấp quốc gia. Năm 2021 khi đang học lớp 11, em đã tham dự kỳ thi nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Tuy nhiên đến kỳ thi HSG cấp Đại học quốc gia em lại đạt giải nên năm nay, em đã hạ quyết tâm dự thi cấp quốc gia và đã giành giải Ba để thỏa mãn đam mê môn Lịch sử của mình.
Trong đề thi có 7 câu hỏi và thời gian làm trong 180 phút. Nội dung câu hỏi rất khó, đòi hỏi độ tư duy cao của mỗi thí sinh nếu muốn hoàn thành bài thi trong thời gian quy định. Do đó, em đã chủ động phân chia thời gian cho hợp lý để xử lý từng vấn đề nhỏ một. Đề năm nay cũng có sự đổi mới so với các năm trước, tạo bất ngờ cho thí sinh.
Các vấn đề mà chuyên gia đưa ra rất lạ mà học sinh không ngờ tới. Điều này đòi hỏi thí sinh phải có nguồn kiến thức nền chắc, tư duy rộng mở và nắm bắt tình hình thời sự hiện nay để giải quyết các vấn đề được nêu. Ví dụ, em phải cập nhật thật nhiều các tin tức thời sự qua nhiều kênh để nắm được quá trình Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế ra sao. Đây cũng là một trong những kỹ năng rất cần thiết cho các bạn trẻ dù có đi thi hay không để nâng cao nhận thức xã hội của mình" - thí sinh Bùi Ngọc Anh trải lòng.
Có định hướng nghề nghiệp rõ ràng
Là người đã đồng hành và kèm cặp cho Ngọc Anh trong suốt thời gian qua, cô Vũ Thị Hà Phương tâm sự, Ngọc Anh là cô học trò có năng lực học tập, yêu thích môn Lịch sử. Đặc biệt, em có định hướng rõ ràng trong việc học tập và thi HSG môn Lịch sử. Cô giáo đã phân tích cho em việc một học sinh không chuyên thi một môn học mà nhiều em còn ngại học là việc không hề dễ dàng, nhất là vào năm cuối cấp. Thực tế Ngọc Anh có thể có những lựa chọn an toàn hơn cho cánh cửa đại học.
"Tuy nhiên, với lòng say mê môn học và quyết tâm đối diện với thử thách, em đã cố gắng trau dồi kiến thức và kỹ năng để đạt kết quả tốt. Cô cũng động viên nếu xác định chọn ngành Luật, việc tham gia đội tuyển quốc gia môn Lịch sử sẽ giúp em có nền tảng kiến thức và lập luận logic, phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này.
Do đề thi HSG quốc gia là 100% tự luận, đây cũng là khó khăn lớn đối với học sinh không chuyên. Các em không có nhiều thời gian để rèn một phương pháp làm bài hoàn toàn khác trên lớp. Ngọc Anh đã chủ động, tích cực tổng hợp bài giảng, tư liệu của các thầy cô; có định hướng hệ thống hoá kiến thức theo chủ đề; chịu khó tìm đọc sách để trau dồi kỹ năng viết tự luận. Con cũng có nhiều tiến bộ khi cô giáo góp ý cách lập luận, phân tích, so sánh các vấn đề lịch sử", cô Hà Phương nói.
Chia sẻ về định hướng tương lai, Bùi Ngọc Anh cho biết sẽ tiếp tục phấn đấu để có thể theo học ngành Luật của Trường ĐH Luật Hà Nội hoặc Khoa Luật của ĐHQG Hà Nội. Cô Phương cho hay, Ngọc Anh đã có định hướng rõ ràng về công việc liên quan đến ngành Luật, đây cũng là lí do để cô giáo ủng hộ em khi thi HSG. Bởi khi có định hướng ngành nghề thì quyết tâm sẽ cao độ hơn, ý nghĩa của việc học kiến thức chuyên sâu sẽ tốt hơn.
"Để đạt được kết quả như trên cũng là nhờ công lao dìu dắt từ các thầy cô giáo tại trường, gia đình chỉ có thể động viên và tạo điều kiện hết mức có thể cho con. Dù rất vui mừng trước thành tích lần này nhưng chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở cháu cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để có thể chinh phục những thử thách cao hơn ở các bậc học sau này. Làm sao để vừa thỏa mãn đam mê, vừa tôi rèn thêm ý chí, nghị lực và trở thành một con người có ích cho xã hội", bà Ngọc Tuyết Nhung - mẹ nữ sinh Bùi Ngọc Anh tâm sự thêm.